Lực lượng hải quan góp phần đẩy lùi tội phạm rửa tiền

PV.

Việt Nam là một quốc gia có lượng giao dịch tiền mặt lớn, thêm vào đó là những thủ đoạn tinh vi chuyển tiền qua biên giới của tội phạm rửa tiền đang là những thách thức không nhỏ đối với lực lượng hải quan Việt Nam.

Việt Nam là một quốc gia có lượng giao dịch tiền mặt lớn.
Việt Nam là một quốc gia có lượng giao dịch tiền mặt lớn.

Xác định việc phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố là một trong những nhiệm vụ quan trọng của tất cả các bộ, ngành nói chung và lực lượng hải quan nói riêng, thời gian qua, ngành Hải quan đã không ngừng triển khai các biện pháp đẩy mạnh phòng chống loại hình tội phạm nguy hiểm này.

Năm 2015, Tổng cục Hải quan đã có văn bản yêu cầu các đơn vị trong Tổng cục tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, chủ động đấu tranh với tội phạm rửa tiền, tài trợ khủng bố. Trước đó, năm 2011, Tổng cục Hải quan đã xây dựng, ban hành kế hoạch phòng, chống rửa tiền qua biên giới và được triển khai sâu rộng trong toàn ngành.

Tổng cục Hải quan cũng đã triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền và tài trợ khủng bố giai đoạn 2015-2020  theo Quyết định số 2112/QĐ-TTg ngày 25/11/2014 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, thực hiện phân bổ nguồn lực và thực hiện các biện pháp phòng ngừa, xử lý rủi ro theo phương hướng tiếp cận trên cơ sở rủi ro; hướng dẫn đối tượng báo cáo theo quy định của Luật phòng, chống rửa tiền đánh giá rủi ro rửa tiền, tài trợ khủng bố.

Công tác hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền cũng được Tổng cục Hải quan chú trọng thực hiện. Đặc biệt, thời gian qua, ngành Hải quan chủ động kết nối, làm việc với các chuyên gia của lực lượng Đặc nhiệm Tài chính (FATF) thuộc Văn phòng Chống ma túy và tội phạm (UNODC) của Liên Hiệp quốc về tăng cường năng lực của các cơ quan thực thi pháp luật trong công tác rửa tiền tại Việt Nam.

Mới đây, ngày 1/8/2016, tại Chi cục Hải quan Cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Cục Hải quan TP. Hà Nội cũng đã có buổi làm việc với đại diện UNODC về lĩnh vực huấn luyện chó nghiệp vụ phát hiện tiền mặt, nhằm hỗ trợ lực lượng hải quan nói chung nâng cao năng lực chuyên môn, đặc biệt là lĩnh vực huấn luyện chó nghiệp vụ, góp phần phòng, chống các hành vi buôn lậu tiền, rửa tiền xuyên quốc gia.

Bên cạnh đó, Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) và Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước) đã có sự hợp tác xây dựng quy chế trao đổi thông tin ngoại hối đối với hành khách xuất nhập cảnh, cảnh báo nghi vấn đối tượng vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Nhờ những biện pháp cụ thể và kịp thời, đến nay, lực lượng hải quan các cấp đã không ngừng nâng cao nhận thức về công tác phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố. Đồng thời, từng đơn vị hải quan đã thực hiện kiểm soát tại các cửa khẩu đảm bảo chặt chẽ; chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời chặn bắt và xử lý nhiều vụ vận chuyển tiền qua biên giới.

Trong những tháng còn lại của năm 2016 và các năm tiếp theo, lực lượng hải quan sẽ tiếp tục đưa ra những cảnh báo về phương thức, thủ đoạn, tuyến trọng điểm vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới.

Đồng thời, tăng cường đào tạo, tập huấn nghiệp vụ về phòng, chống rửa tiền cho cán bộ hải quan cửa khẩu; tăng cường thu thập thông tin, xây dựng mạng lưới cộng tác viên và cơ sở bí mật để ngăn ngừa tội phạm rửa tiền thông qua hàng hóa xuất nhập khẩu.

Bên cạnh đó, duy trì cơ chế trao đổi thông tin, phối hợp thực hiện với các cơ quan như: Ngân hàng Nhà nước, Công an, Quản lý thị trường… trong quá trình điều tra, bắt giữ, xử lý đối tượng và tang vật vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống rửa tiền và tội phạm rửa tiền thông qua đầu mối là Đội Kiểm soát Hải quan.