Lực lượng Hải quan: “Mắt xích” quan trọng trong ngăn chặn rửa tiền

(Tài chính) Trong bối cảnh hội nhập, cùng với hệ thống ngân hàng thì lực lượng hải quan đã, đang đóng vai trò quan trọng và trở thành một “mắt xích” không thể thiếu trong ngăn chặn rửa tiền và tài trợ khủng bố toàn cầu.

Lực lượng Hải quan: “Mắt xích” quan trọng  trong ngăn chặn rửa tiền
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Từng bước chuyên sâu

Trong chuỗi hoạt động phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố, ngành Hải quan đã hình thành và có sự liên kết chặt chẽ với các lực lượng liên quan cũng như các tổ chức quốc tế. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng đã giúp phát hiện, ngăn chặn kịp thời nhiều vụ vi phạm trên lãnh thổ Việt Nam. Những kết quả mà lực lượng kiểm soát hải quan Việt Nam thu được trên mặt trận phòng chống tội phạm rửa tiền qua biên giới thời gian vừa qua đã được các tổ chức phòng, chống tội phạm của Liên hợp quốc đánh giá cao.

Theo Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải Quan) để hoạt động chống rửa tiền đạt hiệu quả, lực lượng kiểm soát hải quan đã thường xuyên tham mưu cho lãnh đạo Tổng cục Hải quan xây dựng, tổ chức triển khai, hướng dẫn hải quan các tỉnh, thành phố thực hiện kế hoạch phòng, chống rửa tiền của toàn Ngành. Đồng thời, đề xuất và phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu về các đối tượng vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới và phần mềm quản lý ngoại hối đối với khách hàng; phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng quy chế trao đổi thông tin giữa Cục Điều tra chống buôn lậu và Cục Phòng chống rửa tiền (Ngân hàng Nhà nước); làm việc với các chuyên gia của lực lượng Đặc nhiệm Tài chính (FATF) thuộc Văn phòng Chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc, đưa ra các quy định của Việt Nam về chuyển tiền qua biên giới, các phương pháp quản lý.

Không những thế, ngành Hải quan còn đặc biệt coi trọng đến vấn đề đào tạo, biên soạn giáo trình tập huấn nghiệp vụ, phòng chống rửa tiền để tập huấn cho cán bộ trực tiếp triển khai nhiệm vụ giám sát tại các chi cục hải quan cửa khẩu… Đặc biệt, ấn phẩm Cẩm nang phòng, chống rửa tiền đã được Tổng cục Hải quan ban hành từ cuối năm 2013 là văn bản quan trọng, chuẩn hóa quy trình nghiệp vụ của lực lượng hải quan; hướng dẫn các nghiệp vụ hải quan. Ngoài ra, cẩm nang còn có tính cảnh báo cao về những hậu quả của hành vi rửa tiền với sự an nguy quốc gia như: Làm tăng tội phạm và tham nhũng; làm suy yếu vai trò của tổ chức tài chính và hạn chế tăng trưởng kinh tế; gia tăng sự thâm nhập của tội phạm vào nền kinh tế; ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế toàn cầu; đe dọa an ninh- chính trị…

Bên cạnh đó, Hải quan Việt Nam còn tích cực hợp tác quốc tế trong lĩnh vực đào tạo cho các cán bộ làm công tác kiểm soát trực tiếp, tại các chi cục hải quan cửa khẩu tham gia các khóa tập huấn do các chuyên gia nước ngoài giảng dạy. Đặc biệt, hợp tác với Văn phòng hỗ trợ kỹ thuật của Bộ Tài chính Hoa Kỳ xây dựng nội dung khóa học về nhận diện hành vi rửa tiền như: Cách thức buôn lậu tiền mặt, các dấu hiệu nghi vấn khi rà soát các công cụ thanh toán tiền mặt, các phương thức tội phạm thường lợi dụng để chuyển tiền, rửa tiền xuyên quốc gia, hay như trang bị kiến thức liên quan đến phòng, chống tài trợ khủng bố; rửa tiền dựa vào các hoạt động thương mại, kiểm soát hàng hóa, sản phẩm có khả năng sử dụng trong hoạt động khủng bố; báo cáo đáng ngờ và vai trò của cơ quan tình báo tài chính… Không những vậy, Cục điều tra chống buôn lậu còn chủ động phối hợp với Cơ quan Phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc tổ chức lớp tập huấn cho lực lượng chuyên trách tại một số cục hải quan trọng điểm biên giới phía Bắc như: Chi cục hải quan Thành phố Lào Cai, Điện Biên, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang… Qua đó, cung cấp các thông tin cơ bản đến nhiều quan chức hải quan; đảm bảo truyền tải được những phương pháp chống tội phạm nói chung và phòng, chống rửa tiền tốt nhất của Việt Nam cũng như của quốc tế tới lực lượng chuyên trách.

Hoạt động hiệu quả

“Thông qua các khóa tập huấn về nghiệp vụ phòng, chống rửa tiền và chống tài trợ khủng bố cho các cán bộ hải quan tỉnh, thành phố, cửa khẩu trọng điểm kỹ năng tác nghiệp của lực lượng hải quan đã được nâng cao, kịp thời ngăn chặn được nhiều vụ việc vận chuyển tiền, ngoại tệ trái phép qua biên giới”, nhấn mạnh điều này, đại diện Cục Điều tra chống buôn lậu cho biết: Từ đầu năm đến nay, lực lượng hải quan đã phát hiện và xử lý hàng chục vụ vận chuyển tiền, ngoại tệ trái phép qua cửa khẩu đường bộ, đường hàng không… Đơn cử, chỉ riêng trong tuần đầu tháng 8/2014, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài – Cục Hải quan Tây Ninh đã liên tiếp phát hiện và bắt giữ nhiều vụ nhập lậu tiền tệ. Cụ thể, ngày 6/8/2014, Hải quan Mộc Bài đã phát hiện một đối tượng mang quốc tịch Campuchia, làm thủ tục nhập cảnh vào Việt Nam, không khai báo hải quan số ngoại tệ 20.000 USD.

Trước đó, ngày 2/8/2014, đơn vị này cũng phát hiện khách nhập cảnh quốc tịch Campuchia mang theo 20.000 USD và 54 triệu đồng, không khai báo hải quan và không có chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp. Ngày 1/8/2014, Hải quan Mộc Bài đã bắt giữ hai vụ vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, thu giữ 50.000 USD và 124 triệu đồng… Những nỗ lực này của lực lượng kiểm soát hải quan Việt Nam trên mặt trận phòng chống tội phạm rửa tiền đã được các tổ chức phòng, chống tội phạm của Liên hợp quốc ghi nhận và đánh giá cao.

Chỉ riêng trong tuần đầu tháng 8/2014, Chi cục Hải quan cửa khẩu Mộc Bài – Cục Hải quan Tây Ninh đã liên tiếp phát hiện và bắt giữ nhiều vụ nhập lậu tiền tệ. Đơn cử, trong chiều ngày ngày 1/8/2014, đơn vị này đã bắt giữ hai vụ vận chuyển trái phép tiền tệ qua biên giới, thu giữ 50.000 USD và 124 triệu đồng, không khai báo hải quan và không có chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Theo thông lệ hằng năm, thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán luôn là cao điểm của các vụ vi phạm vận chuyển tiền, vàng trái phép. Để kịp thời phát hiện, xử lý các trường hợp vi phạm, Tổng cục Hải quan liên tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường kiểm soát các cửa khẩu, đặc biệt là những hành khách xuất cảnh, nhập cảnh là người nước ngoài thường xuyên qua lại biên giới; các đối tượng có dấu hiệu nghi vấn mang theo tiền với số lượng lớn nhằm mục đích rửa tiền, tài trợ cho các tổ chức hoạt động phi pháp hoặc vận chuyển trái phép qua biên giới cũng sẽ được khoanh vùng để có hướng xử lý phù hợp.

Riêng tại cửa khẩu hàng không, ngoài việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát những đối tượng khả nghi, Tổng cục Hải quan còn chỉ đạo các đơn vị hải quan lên danh sách các tuyến bay trọng điểm, đối tượng thường xuyên vận chuyển tiền với số lượng lớn và có biểu hiện nghi vấn để ngăn chặn, bắt giữ kịp thời... Đồng thời, có kế hoạch nâng cao kỹ năng nghiệp vụ hơn nữa cho lực lượng kiểm soát hải quan nhằm góp phần ngăn chặn, phát hiện kịp thời hành vi rửa tiền, vận chuyển trái phép tiền, vàng qua biên giới.

                                                   Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 10-2014