Diễn biến phức tạp

5 năm phối hợp đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực thuế giữa Cục Thuế TP. Hà Nội và Công an TP. Hà Nội đã mang lại nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, đã điều tra, xử lý được 2.379 vụ với tổng số tiền truy thu và phạt vi phạm về thuế gần 100 tỷ đồng (trong đó, cơ quan Thuế Hà Nội chuyển sang cơ quan Công an 850 vụ và Công an Hà Nội chuyển sang cơ quan Thuế 1.529 vụ…). Trong quá trình phối hợp, hai bên cũng nhận định, tình hình tội phạm về thuế đang diễn biến rất phức tạp, các vụ vi phạm có xu hướng ngày càng gia tăng và nghiêm trọng ở hầu hết các loại hình doanh nghiệp (DN), gây thất thu không nhỏ cho ngân sách nhà nước (NSNN).

Trong hai vụ điển hình về mua bán trái phép hóa đơn thuế giá trị gia tăng (GTGT) tại Công ty TNHH Thương mại vật tư thiết bị điện và Công ty TNHH Thương mại kinh doanh vật tư thiết bị điện công nghiệp, liên ngành Thuế - Công an đã phát hiện hai DN này bán khống gần 700 tờ hóa đơn thuế GTGT với tổng số tiền ghi trên hóa đơn hơn 30 tỷ đồng. Công ty cổ phần tập đoàn Y dược Bảo Long lại có hành vi gian lận bằng cách “quên” không nộp hồ sơ khai thuế, bỏ ngoài sổ sách hàng trăm triệu đồng tiền thuế. Cục thuế Hà Nội đã xử lý hành vi trốn thuế của DN với số tiền 938,8 triệu đồng. Thanh tra tại Công ty TNHH Thông tin tín nhiệm và xếp hạng DN Việt Nam (Credit Việt Nam) cho thấy Công ty này đã trốn 1,028 tỷ đồng; Công ty cổ phần Thương mại và quảng cáo Đông Nhuận trốn 1,277 tỷ đồng...

Bên cạnh tội phạm trốn thuế, tội phạm chiếm đoạt tiền ngân sách thông qua hoàn thuế, chuyển giá cũng có diễn biến phức tạp. Lợi dụng những ưu đãi đầu tư, các DN có giao dịch liên kết, các công ty hoạt động theo mô hình công ty mẹ, con đã thực hiện các hành vi chuyển giá thông qua việc mở chi nhánh ở nhiều địa phương, bán hàng lòng vòng để giảm nghĩa vụ thuế, thậm chí có DN ghi giá trị bán thấp hơn giá trị đầu vào (bán theo lô) để hợp thức hóa hồ sơ và xin hoàn thuế, nhằm chiếm đoạt tiền NSNN.

Nhiều DN không được hưởng ưu đãi thuế thu nhập DN (TNDN) nhưng đã lập hồ sơ không đúng thực tế để được hưởng ưu đãi hoặc thỏa thuận với các DN nước ngoài giảm giá bán trên sổ sách hóa đơn để trốn thuế nhập khẩu và thuế TNDN. Điển hình như năm 2009, Công an Hà Nội đã phát hiện một số DN kinh doanh ôtô nhập khẩu từ Hàn Quốc có hành vi thông đồng với DN nước ngoài khai sai giá trị thực tế mua bán để trốn thuế nhập khẩu. Qua phối hợp với cơ quan thuế nghiên cứu xác minh đã phát hiện các DN này trốn thuế trên 14 tỷ đồng, trong đó có gần 10 tỷ đồng thuế TNDN và trên 4,2 tỷ đồng thuế GTGT. Công an kinh tế Hà Nội và Cục Thuế Hà Nội đã thu hồi cho NSNN 4,25 tỷ đồng và chuyển hồ sơ cho Công an Hải Phòng tiếp tục điều tra, xử lý…

“Mạnh tay” trấn áp tội phạm

Bên cạnh những kết quả trên, theo đánh giá của liên ngành Thuế - Công an, công tác đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực thuế trên thực tế vẫn tồn tại nhiều bất cập. Công tác đấu tranh chống tội phạm thuế dù đã tích cực nhưng vẫn chưa đẩy lùi được các hành vi vi phạm. Việc triển khai quy chế phối hợp tại một số địa bàn còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Công tác nắm bắt tình hình, dự báo, nhận dạng các hành vi tội phạm mới về thuế cũng hạn chế. Trong khi đó, một số thông tin do hai ngành đã cung cấp cho nhau lại chưa sát thực, dẫn đến lãng phí thời gian, kinh phí trong việc xác minh...

Trước thực trạng tội phạm về thuế có chiều hướng gia tăng, hai bên cam kết, sẽ tăng cường phối hợp đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các DN kinh doanh trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, kinh doanh bất động sản, khai thác khoáng sản, dược phẩm; tổ chức thống kê phân loại các DN FDI đang hoạt động trên địa bàn.

Với trường hợp DN ngay trong năm đầu tiên đã phát sinh lỗ lớn hoặc có hoàn thuế thì sẽ giám sát, kiểm tra và yêu cầu DN giải trình. Cơ quan công an sẽ thường xuyên trao đổi thông tin với cơ quan thuế, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, các đoàn thanh tra chuyên đề để phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm về thuế.

Sau 5 năm phối hợp, Cục thuế Hà Nội và Công an Hà Nội đã điều tra, xử lý được 2.379 vụ với tổng số tiền truy thu và xử phạt vi phạm về thuế gần 100 tỷ đồng; trong đó, cơ quan Thuế Hà Nội chuyển sang cơ quan Công an 850 vụ và Công an Hà Nội chuyển sang cơ quan Thuế 1.529 vụ.

Đặc biệt, trong thời gian tới, hai cơ quan sẽ kiên quyết điều tra, đưa ra truy tố, xét xử đối với những vụ việc vi phạm, trốn thuế có tính chất nghiêm trọng, tinh vi, có tổ chức để răn đe, phòng ngừa các đối tượng có ý định vi phạm pháp luật về thuế. Đồng thời, nắm bắt khó khăn của DN trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế để có kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc khó khăn tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh.

Mặt khác, căn cứ trên cơ sở kế hoạch theo chuyên đề của Thành phố, Cụ thuế Hà Nội sẽ yêu cầu đơn vị quận, huyện, thị xã chủ động cuộc họp bàn kế hoạch, đánh giá và đề ra biện pháp phối hợp giải quyết dứt điểm các hồ sơ còn tồn đọng, trọng điểm và điều tra các vụ việc mới phát sinh đảm bảo thời gian; Thông báo, kết luận những vụ việc chuyển sang Công an xác minh, điều tra. Trước tình hình tội phạm về thuế ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp, ngành Thuế Hà Nội cũng xác định để ngăn ngừa được tội phạm này cần có sự phối hợp vào cuộc đồng bộ giữa cơ quan thuế, công an, viện kiểm sát và tòa án nhân dân nhằm kịp thời phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm minh.

Bài đăng trên Tài chính & Đầu tư số 8 - 2013

“Mạnh tay” với tội phạm thuế

Việt Thanh

(Tài chính) Cục Thuế TP. Hà Nội và Công an TP. Hà Nội vừa tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện cơ chế phối hợp đấu tranh với tội phạm trong lĩnh vực thuế. Kết quả cho thấy, đã xử lý được 2.379 vụ với tổng số tiền truy thu và xử phạt gần 100 tỷ đồng… Hai bên cam kết, tiếp tục “mạnh tay” với tội phạm.

Xem thêm

Video nổi bật