"Minh bạch hệ thống pháp luật chứng khoán nhằm thúc đẩy tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư"

Theo mof.gov.vn

(Tài chính) Đây là ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đinh Tiến Dũng, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2013 và định hướng nhiệm vụ, giải pháp năm 2014 của Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vào sáng ngày 11/12 tại Hà Nội.

"Minh bạch hệ thống pháp luật chứng khoán nhằm thúc đẩy tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư"
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Nguồn: mof.gov.vn

Tham dự Hội nghị còn có Thứ trưởng Trần Xuân Hà; Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cùng đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ; lãnh đạo UBCKNN; lãnh đạo các Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.

Báo cáo tại Hội nghị, Chủ tịch UBCKNN Vũ Bằng cho biết: Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam năm 2013 đã có những diễn biến khả quan nhờ vào những tín hiệu ổn định kinh tế vĩ mô; các giải pháp vĩ mô đã dần phát huy tác dụng và các giải pháp tích cực trong lĩnh vực chứng khoán, kết quả được thể hiện trong một số diễn biến như sau:

Thứ nhất, về diễn biến chỉ số, cho đến cuối tháng 11, chỉ số VNIndex đứng ở 503,54 điểm, tăng 22%; HNIndex đứng ở mức 64,38 điểm, tăng 13% so với cuối năm 2012. TTCK Việt Nam được đánh giá là có mức tăng cao so với các thị trường trên thế giới (1 trong 10 nước có mức độ phục hồi mạnh nhất trên thế giới).

Thứ hai, về mức vốn hóa thị trường, mức vốn hóa vào khoảng 964 nghìn tỷ đồng (tăng 199 nghìn tỷ đồng so với cuối năm 2012), tương đương 31%GDP.   

Thứ ba, về giá trị giao dịch, việc kéo dài thời gian giao dịch, áp dụng lệnh thị trường, nới biên độ giao dịch, điều chỉnh tỷ lệ giao dịch ký quỹ từ 40/60 lên 50/50 cũng đã hỗ trợ giúp tăng thanh khoản thị trường. Quy mô giao dịch bình quân mỗi phiên đạt 2.578 tỷ đồng, tăng 31% so với năm 2012, tuy nhiên chủ yếu là nhờ giao dịch trái phiếu chính phủ, bình quân mỗi phiên đạt 1.257 tỷ đồng/phiên (tăng 90%) (riêng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt 1.322 tỷ đồng, tăng nhẹ 1,5% so với năm 2012).

Thứ tư, về hoạt động niêm yết và huy động vốn, tính chung đến cuối tháng 11/2013, trên 2 sàn có 683 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết với tổng giá trị niêm yết theo mệnh giá là 361 nghìn tỷ đồng, tăng 6,8% so với năm 2012; về niêm yết trái phiếu: có tổng cộng 517 mã trái phiếu niêm yết trên 2 sàn với giá trị niêm yết là 521 nghìn tỷ đồng, tăng 28% so với cuối năm 2012.

Tổng giá trị huy động vốn ước đạt 179 nghìn tỷ đồng, tăng 13%; trong đó cổ phiếu và cổ phần hóa là 17,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với năm 2012. Quy mô huy động vốn qua phát hành riêng lẻ cũng tăng mạnh, đạt khoảng trên 24 nghìn tỷ đồng (gấp 5 lần so với cả năm 2012). Vốn huy động qua trái phiếu Chính phủ đạt 162 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với năm 2012.

Thứ năm, về hoạt động của các công ty niêm yết, trong 6 tháng đầu năm 2013 các doanh nghiệp nói chung vẫn gặp nhiều khó khăn, hoạt động kinh doanh sụt giảm cả về doanh thu và lợi nhuận so với cùng kỳ năm 2012 (số công ty có lỗ lũy kế vẫn chiếm tỷ lệ 21%, tăng so với mức 17% cùng kỳ năm trước; tổng doanh thu giảm 1,2%; lợi nhuận sau thuế giảm 6%). Trong quý III/2013 thì tổng doanh thu toàn thị trường tăng khoảng 4,4%, hàng tồn kho giảm 4,5%, chi phí tài chính giảm 24,3% nhưng tổng lợi nhuận trước thuế vẫn giảm hơn 5% so với quý II/2013.

Thứ sáu, về hoạt động đầu tư, số lượng tài khoản nhà đầu tư đạt khoảng 1,27 triệu tài khoản; trong đó số lượng tài khoản nhà đầu tư nước ngoài tăng lên. Trong 7 tháng đầu năm, dòng vốn nước ngoài vào thuần đạt 175 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái và có hiện tượng rút ra khỏi thị trường trong tháng 8 và tháng 9; tính chung kể từ đầu năm đến nay, dòng vốn nước ngoài ra thuần là 15 triệu USD. Tuy nhiên, tổng dòng vốn nước ngoài luân chuyển đến nay đạt 4,4 tỷ USD, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái và giá trị danh mục tăng khoảng 3,8 tỷ USD so với cuối năm 2012.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, thay mặt Ban Cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng ghi nhận và biểu dương những kết quả công tác của tập thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc UBCKNN và các Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.

Bộ trưởng khẳng định, TTCK luôn được coi là kênh rất quan trọng để thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài cho nền kinh tế; đồng thời cũng là nơi luân chuyển các nguồn vốn đầu tư, nâng cao khả năng sử dụng vốn có hiệu quả cũng như nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, tăng tính công khai, minh bạch hoạt động của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế, đặc biệt đối với Việt Nam chúng ta đang trong quá trình tái cấu trúc lại nền kinh tế và việc hội nhập sâu rộng vào thị trường thế giới thì việc phát triển nhanh, bền vững TTCK có ý nghĩa rất thiết thực.

Với những ý nghĩa quan trọng trên, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng giao nhiệm vụ các đơn vị thuộc Bộ Tài chính cần tăng cường phối hợp với UBCKNN, trong đó cần đặc biệt chú ý một số vấn đề sau:

Một là, về khung khổ pháp lý, trước mắt đề nghị UBCK tiếp tục hoàn thiện các đề án đã đăng ký như Đề án TTCK phái sinh, Đề án thành lập Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam và Quyết định về tỷ lệ tham gia của nhà đầu tư nước ngoài trên TTCK Việt Nam. Đây cũng là những đề án quan trọng, có tác động trực tiếp đến tổ chức và phát triển thị trường.

Về lâu dài, đề nghị UBCKNN rà soát, đánh giá hệ thống văn bản pháp luật, có kế hoạch hoàn thiện nhằm đẩy nhanh tiến trình phát triển TTCK, phục vụ hiệu quả nhiệm vụ tái cơ cấu nền kinh tế và thực hiện các cam kết trong tiến trình hội nhập nhất là các cam kết trong WTO và tới đây là cam kết trong TPP (Hiệp định xuyên Thái Bình Dương). Việc minh bạch hệ thống pháp luật về chứng khoán sẽ góp phần quan trọng để các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tích cực tham gia đầu tư vào TTCK.

Hai là, tiếp tục triển khai quyết liệt chiến lược phát triển TTCK và Đề án tái cấu trúc TTCK đã được TTCP phê duyệt, cụ thể: Tái cấu trúc và nâng cao chất lượng hàng hóa trên TTCK trong đó chú trọng chất lượng các doanh nghiệp niêm yết; Tái cấu trúc cơ sở  các nhà đầu tư, khuyến khích hình thành và phát triển các nhà đầu tư có tổ chức, đặc biệt là quỹ hưu trí tự nguyện; Tái cấu trúc lại các công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ theo hướng thu hẹp về số lượng, nâng cao năng lực tài chính và chất lượng quản trị điều hành, quản trị rủi ro; Tái cấu trúc lại hệ thống giao dịch chứng khoán.

Ba là, về các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường cần phải đẩy mạnh tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn lại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, góp phần thực hiện cơ cấu lại DNNN. Lãnh đạo Bộ rất quan tâm đến công tác này, coi đây là điểm then chốt trong tiến trình cải cách quản lý tài chính đối với DNNN; Thực hiện cho được công tác công khai, minh bạch, theo đó các doanh nghiệp sau khi phát hành ra công chúng (kể cả DNNN cổ phần hóa) phải lên niêm yết trên thị trường theo quy định của pháp luật. Trên cơ sở đó, áp dụng quản trị công ty theo thông lệ tốt, thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính và công khai hóa thông tin; Mở rộng sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài vào TTCK Việt Nam theo các cam kết quốc tế và tiến trình hội nhập.

Bốn là, về công tác quản lý giám sát đối với TTCK, do thị trường ngày càng phát triển nên tính phức tạp càng cao hơn, mặt khác TTCK liên thông với ngân hàng, vì vậy đòi hỏi UBCKNN cần tăng cường công tác quản lý, giám sát, xử lý nghiêm những sai phạm, đảm bảo hoạt động thị trường lành mạnh.

Năm là, Về hợp tác quốc tế, đề nghị các đồng chí chủ động triển khai Biên bản ghi nhớ đa phương đã cam kết với UBCKNN các nước (IOSCO), mở rộng hợp tác với các TTCK trong khu vực theo hướng hội nhập và học tập kinh nghiệm quốc tế vào điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam cho phù hợp.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Lãnh đạo Chính phủ, Bộ Tài chính hết sức quan tâm đến sự phát triển của TTCK, coi đây là giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy tiến trình cải cách nền kinh tế; một khi kinh tế phát triển, yếu tố vĩ mô ổn định sẽ tạo điều kiện cho TTCK phát triển. Vì vậy, mong rằng UBCKNN chủ động thực hiện tốt chức trách nhiệm vụ được giao, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của ngành Tài chính.


Phát biểu tại Hội nghị, theo Thứ trưởng Trần Xuân Hà, trong bối cảnh tình hình kinh tế, tài chính thế giới và trong nước dự báo tiếp tục có những khó khăn, UBCKNN cần tiếp tục nỗ lực, tích cực trong công tác chỉ đạo, điều hành nhằm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ được giao trong thời gian tới. Đồng thời UBCKNN cần tiếp tục tích cực, chủ động triển khai các giải pháp, nhiệm vụ nhằm triển khai tái cấu trúc TTCK theo Đề án tái cấu trúc TTCK đã được phê duyệt và Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2020.

Theo Thứ trưởng, UBCKNN cần bám sát các nội dung chỉ đạo và những nhiệm vụ được Chính phủ, Bộ Tài chính giao và chủ động phối hợp chặt chẽ với các đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các Bộ, ngành liên quan trong quá trình triển khai nhiệm vụ, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

* Tít bài đã được lược lại cho phù hợp với nội dung và hình thức của trang FinancePlus.vn