Minh bạch thu phí dự án BOT giao thông

Theo mof.gov.vn

Mức phí BOT hiện nay có cao hay không? Việc thu phí có đảm bảo được minh bạch? giải pháp gì trong thời gian tới để hỗ trợ cho người dân và doanh nghiệp cũng như giảm áp lực cho nền kinh tế, tăng sức cạnh tranh hàng hóa? là những câu hỏi đã được đặt ra tại Tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Minh bạch thu phí dự án BOT giao thông” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức chiều 20/5. Tham dự buổi tọa đàm có Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường và Chủ tịch Hiệp hội vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên. Về phía Bộ Tài chính có ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế. Cổng TTĐT Bộ Tài chính xin giới thiệu những nội dung cơ bản của buối Tọa đàm.

Buổi tọa đàm về phí BOT tại Cổng TTĐT Chính phủ.
Buổi tọa đàm về phí BOT tại Cổng TTĐT Chính phủ.

BOT làm thay đổi hạ tầng giao thông

Theo quy hoạch, ngành Giao thông vận tải sẽ đầu tư xây dựng các dự án đường cao tốc nhằm mục tiêu đến năm 2020 có trên 2.000 km đường cao tốc, trong đó cơ bản nối thông cao tốc Bắc – Nam. Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết, đến nay cả nước đã hoàn thành 746 km đường cao tốc, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế của đất nước. Quá trình đầu tư số km đường cao tốc này đã sử dụng nhiều nguồn vốn, trong đó ngân sách 110.000 tỷ đồng, ngoài ngân sách 60.000 tỷ đồng. Vốn đầu tư ngoài ngân sách sử dụng nhiều phương án, trong đó chủ yếu là vốn đầu tư BOT. Phương thức đầu tư này đang đóng góp tích cực cho sự phát triển hạ tầng của đất nước và cũng là hình thức đang được nhiều nước áp dụng. Trong quá trình xây dựng, nhà đầu tư dùng nguồn vốn của mình cùng vốn vay của các tổ chức tín dụng, thực hiện kinh doanh đến khi hoàn vốn bàn giao cho nhà nước. Nhà nước phải bỏ ra lượng tiền ít. Thông qua xã hội hóa và thu phí nhiều năm để hoàn vốn cho nhà đầu tư.

Đánh giá về những hiệu quả mà đường cao tốc mang lại cho người dân và doanh nghiệp, ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội vận tải cho biết, về phương diện vận tải, đi trên đường cao tốc êm thuận hơn, an toàn hơn. Về phương diện tác nhân thúc đẩy xã hội cho thấy đường cao tốc mang lại hiệu quả kinh tế xã hội cao hơn. Người dân và DN rất hài lòng khi có những con đường cao tốc.

Ông Liên cũng cho biết việc phải thu phí hoàn cho nhà đầu tư là quy luật và theo đúng quy định của pháp luật. Tuy nhiên, đóng như thế nào, đóng đến bao giờ cần phải được cân nhắc kỹ bởi thực tế mức phí giao thông hiện nay chưa phù hợp với sức mua của người dân.

Thời gian tới, khi tiến hành đầu tư đường cao tốc phải tính toán đến hiệu quả, dựa vào khả năng thực tế và đầu tư phải có lộ trình, tuyến nào chưa cần thiết nên giãn ra, chỉ mở rộng nâng cấp không phải cố gắng bằng mọi cách để đến năm 2020 có được 2.000 km đường cao tốc.

Mức phí các dự án BOT được xây dựng trên cơ sở khoa học

Tại buổi toạ đàm, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cũng cho biết phương pháp xác định mức phí tại các dự án BOT. Theo đó, trong phương án tài chính của các dự án đều được hình thành từ hai nguồn vốn gồm: nguồn vốn của nhà đầu tư (15 – 20%) còn lại là nguồn huy động từ nguồn vốn vay tín dụng, vay thương mại. Vì vậy toàn bộ phương án tài chính được xác định đều có thời gian hoàn vốn từ 15 – 20 năm. Vì vậy, việc đưa ra mức phí là căn cứ cân đối vào mức thu nhập của người dân cũng như tình hình kinh tế của khu vực trong bối cảnh chúng ta đang hội nhập quốc tế sâu rộng. Đây là bài toán khoa học có tính đến yếu tố của doanh nghiệp, yếu tố thu nhập của người dân và lãi suất ngân hàng. Việc tính toán đưa ra mức phí là có cơ sở khoa học.

Đề cập đến việc các trạm thu phí đồng loạt điều chỉnh tăng giá trong thời gian vừa qua, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết theo phương án tài chính, 3 năm xem xét điều chỉnh giá vé một lần. Mức giá được xây dựng từ năm 2011 – 2012 và nay đến thời điểm xem xét điều chỉnh tăng phí nên Bộ GTVT có đề nghị Bộ Tài chính xem xét đưa ra lộ trình tăng phí hợp lý. Tuy nhiên, trước những khó khăn của DN, Bộ Giao thông vận tải cũng đã có văn bản gửi các nhà đầu tư BOT cao tốc xem xét việc tăng phí đó để thu hút lượng xe vào tuyến cao tốc thay vì tăng phí mà không có xe vào, tổng thu nhập sẽ thấp hơn. Trong đó, đặc biệt quan tâm đến các xe vận tải lớn như container 20 feet, 40 feet, các loại xe chở hàng cồng kềnh. Hiện hầu hết các nhà đầu tư đã giảm phí với xe lớn.

Như vậy có thể khẳng định "Trong quá trình xây dựng dự án BOT là có tính toán hết sức khoa học, chứ không chỉ quan tâm đến quyền lợi của nhà đầu tư", Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định.

Theo ông Vũ Khắc Liêm, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính) cho biết, trước đây do không có sự thay đổi về mức phí nên việc thu hút nguồn vốn BOT đầu tư vào hạ tầng giao thông rất hạn chế. Vì vậy năm 2013, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp Bộ GTVT điều chỉnh mức phí cơ bản để đến năm 2016, mức phí cao gấp 3,5 lần mức cơ bản trước đây. Ông Liêm cũng khẳng định: sau khi nhà đầu tư triển khai xây dựng hoàn thành, căn cứ vào múc thu phí tại Hợp đồng BOT, Nhà đầu tư có văn bản đề nghị Bộ GTVT xem xét. Sau khi xem xét Bộ GTVT có văn bản đề nghị Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định thu phí hoàn vốn của từng dự án. Thực hiện quy định pháp luật về phí và lệ phí, trên cơ sở đề xuất của Bộ GTVT và Hợp đồng BOT, Bộ Tài chính thống nhất với Bộ GTVT để ban hành Thông tư quy định mức thu phí của từng dự án. Mức phí đã đảm bảo được quyền lợi của nhà đầu tư, quyền lợi của người tiêu dùng và lợi ích của nhà nước.

Sẽ xem xét kéo dài thời gian hoàn vốn BOT đối với các dự án mới

Về khả năng điều chỉnh mức phí các dự án BOT thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, Bộ GTVT sẽ làm việc với Bộ Tài chính để rà soát, điều chỉnh các trạm thu phí chưa đảm bảo khoảng cách. Đối với các trạm đang thu, tạm thời chưa tăng phí theo hợp đồng 3 năm/1 lần. Đối với dự án chuẩn bị thu phí, sẽ xem xét kéo dài tối đa thời gian hoàn vốn để ít nhất bằng hoặc không cao hơn các trạm đã có.

Nêu quan điểm về việc điều chỉnh phí BOT, kéo dài thời gian thu phí để giảm áp lực lên doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết Bộ GTVT yêu cầu chủ đầu tư BOT tiếp tục giảm phí, thu hút xe vào lưu thông trên các tuyến cao tốc để thúc đẩy phát triển kinh tế. Bộ cũng tiến hành rà soát lại các trạm thu phí, rà soát lại mức thu, xem xét nhập các trạm thu phí với nhau để giảm bớt số lượng trạm nhưng vẫn đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và DN; giảm phí cho các phương tiện vận tải lớn, tiến hành thu tự động, tiến tới năm 2020 giảm chi phí thu, tăng hiệu quả dự án.

Còn theo ông Vũ Khắc Liêm Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thuế, mức thu phí hoàn vốn các dự án đã được Bộ GTVT cam kết với Nhà đầu tư, việc điều chỉnh mức thu phí cần có đánh giá cụ thể. Bộ GTVT đã giao cho các cơ quan, đơn vị đánh giá những kết quả đạt được, tồn tại, khó khăn và đề xuất phương án. Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với Bộ GTVT để điều chỉnh theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Về câu hỏi, Bộ GTVT có ý định mua lại các trạm thu phí hay không? Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, việc huy động các nguồn lực để đầu tư dự án giao thông BOT xuất phát từ nguyên nhân ngân sách khó khăn. Vì vậy đến thời điểm này chưa tính đến việc mua lại các trạm thu phí mà phải đợi khi nền kinh tế tốt lên hoặc có các giải pháp phù hợp hơn. Các đai biểu tham dự Tọa đàm đều chung quan điểm cho rằng các dự án BOT có mức đầu tư rất lớn nên nếu đặt vấn đề mua lại bây giờ, ngân sách sẽ rất khó khăn, nợ công sẽ tăng lên. Chính vì vậy các Bộ, ngành có liên quan trong thời gian tới phải tham mưu cho Chính phủ một lộ trình hết sức thận trọng, trong đó phải tính toán kỹ các hiệu ứng, hiệu quả về kinh tế - xã hội của đất nước.