Mở đường cho doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Chia sẻ với thành viên tham dự Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán (TTCK) năm 2015 diễn ra vừa qua tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho rằng, tiến trình cổ phần hóa sắp xếp doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) gắn với TTCK được xem là một trong những thế mạnh của TTCK Việt Nam để thu hút nguồn vốn từ các nhà đầu tư nước ngoài.

Mở đường cho doanh nghiệp Nhà nước thực hiện cổ phần hóa
Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Tính đến nay, đã tổ chức được 99 phiên đấu giá trên 2 Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh và qua các công ty chứng khoán, với tổng giá trị đạt hơn 13 nghìn tỷ đồng (bao gồm cổ phần hóa, thoái vốn của DNNN), tăng gấp 4 lần so với năm 2013.

Tỷ lệ đấu giá thành công bình quân đạt 66%, cao hơn mức 62% của năm 2013. Theo lộ trình trong năm 2015 và chậm nhất là sang năm 2016, Việt Nam phải cổ phần hóa 200 DN còn lại.

Tuy nhiên, công tác thoái vốn, cổ phần hóa DNNN mặc dù đã được tháo gỡ nhiều vấn đề tại Quyết định 51 nhưng vẫn còn những điểm vướng mắc với các điều kiện trong Luật Chứng khoán…

Do vậy, theo ông Vũ Bằng - Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước, trong năm 2015, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước sẽ rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ, hướng dẫn tập đoàn, tổng công ty, DNNN trong việc đấu giá cổ phần hóa, làm thủ tục niêm yết hoặc đăng ký giao dịch trên sàn Upcom…

Cụ thể, sẽ sửa Nghị định 58/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán. Trong đó, tập trung tháo gỡ vướng mắc thoái vốn như: Các vấn đề liên quan kiểm toán, liên quan đến sự khác biệt giữa Luật Chứng khoán với Quyết định 51.

Tuy nhiên, những nội dung sửa đổi vẫn phải tuân theo quan điểm trong Chiến lược phát triển TTCK là nâng cao chất lượng phát hành, chất lượng công ty niêm yết.

“Chúng ta không được làm tổn thương những chuẩn mực này. Vì vậy, các yêu cầu đối với tiêu chuẩn niêm yết không vận dụng với bất kỳ các DN nào và các DNNN niêm yết cũng phải bình đẳng như các công ty cổ phần khác bởi vì muốn lên niêm yết không chỉ chất lượng, quy mô của DN, không chỉ báo cáo tài chính về lợi nhuận lỗ, lãi mà còn vấn đề quản trị công ty.

Một DNNN muốn lên niêm yết thì phải có sự thay đổi về quản trị công ty, phải có sự tập dượt thì khi DN đó lên niêm yết sẽ tôn trọng cổ đông, tôn trọng quy định của thị trường. Vì vậy, chúng tôi không hy sinh chuẩn niêm yết, có đặc cách đối với các DNNN”- ông Vũ Bằng khẳng định.