Mở rộng cơ sở thuế ở Việt Nam trong bối cảnh hội nhập và một số đề xuất

ThS. Phạm Thị Mai Huyên - Đại học Tài chính - Quản trị Kinh doanh

Mở rộng cơ sở thuế phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội nhằm tăng thu ngân sách nhà nước và tăng cường khả năng quản lý của Nhà nước là xu hướng chung của tất cả các quốc gia. Mới đây, phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính – ngân sách nhà nước năm 2018 của ngành Tài chính, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo ngành Tài chính phải cập nhật sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 để mở rộng cơ sở thuế. Việc nghiên cứu, triển khai các giải pháp cụ thể để hướng tới một hệ thống thu ngân sách nhà nước bền vững, hiệu quả là cấp thiết trong bối cảnh nguồn thu ngày càng khó khăn, trong khi Việt Nam đang tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại tự do với các cam kết quốc tế về lộ trình cắt giảm thuế.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Tại sao phải mở rộng cơ sở thuế?

Năm 2017, ngành Tài chính đã chủ động, nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ, nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, điều hành thu - chi ngân sách quyết liệt, giữ bội chi ngân sách và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép. Tính đến hết ngày 31/12/2017, thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) ước đạt 1.283.000 tỷ đồng, vượt 71.000 tỷ đồng, tương đương vượt 5,9% dự toán và tăng gần 44.000 tỷ đồng so với báo cáo Quốc hội.

Chi NSNN, đạt gần 76% dự toán; Vốn trái phiếu chính phủ đạt khoảng 23,5%. Bội chi trong phạm vi dự toán Quốc hội quyết định với mức thực tế là 3,48%, số tuyệt đối là 174.000 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016-2020, theo nhận định của Bộ Tài chính, nhiệm vụ thu NSNN vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn, thách thức với những biến động phức tạp, thiên tai, quá trình toàn cầu hóa, nền kinh tế số... từ đó ảnh hưởng nhiều đến công tác thu NSNN.

Cùng với đó, viễn cảnh thu NSNN ngày càng khó khăn và có nguy cơ suy giảm cũng đã được các nhà quản lý, chuyên gia kinh tế cảnh báo khi Việt Nam đã và đang ký kết hàng loạt các Hiệp định Thương mại tự do (FTA). Tính đến nay, Việt Nam đã phê chuẩn 10 FTA song phương và đa phương, với các đối tác trong khu vực và trên thế giới, bao gồm: Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) và 5 FTA ASEAN +1 (Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, New Zealand; 4 FTA song phương giữa Việt Nam với Nhật Bản, với Hàn Quốc, với Chile với Liên minh kinh tế Á - Âu.

Việt Nam cũng đã cơ bản kết thúc đàm phán FTA với EU, cùng ASEAN ký FTA với Hong Kong vào tháng 11/2017. Bên cạnh đó, Việt Nam tiếp tục đàm phán Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực, Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương. Cam kết về thuế nhập khẩu là một phần của các hiệp định FTA và xoay quanh những nội dung cơ bản như: Chính sách cắt giảm thuế suất thuế nhập khẩu, chính sách không phân biệt đối xử, chính sách bảo hộ có chọn lọc hàng sản xuất trong nước (áp dụng hạn ngạch thuế quan) và cam kết xóa bỏ phần lớn thuế xuất khẩu, chỉ bảo lưu thuế xuất khẩu đối với một số sản phẩm quan trọng.

Việt Nam là một quốc gia có số thu từ thuế liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng cao trong tổng thuế và phí, nên việc cắt giảm thuế nhập khẩu ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn thu của NSNN từ hàng ngoại nhập. Đặc biệt, trong giai đoạn 2015-2018, phần lớn các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết sẽ bước vào giai đoạn cắt giảm và xóa bỏ thuế quan sâu. Do vậy, nguy cơ sụt giảm nguồn thu không còn là viễn cảnh xa vời, đặt ra yêu cầu cần nghiên cứu, triển khai các giải pháp cụ thể để hướng tới một hệ thống thu NSNN bền vững, hiệu quả.

Trước đó, các chuyên gia của Ngân hàng Thế giới  (WB) cũng khuyến cáo, để tăng thu NSNN hiệu quả hơn, trong dài hạn, Việt Nam nên tìm nguồn thu để bù đắp giảm thu ngân sách. Theo đó, Việt Nam hiện có nhiều cơ hội mở rộng nguồn thu thuế, trong đó có các khoản thuế đang được miễn trừ như: Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), Thuế giá trị gia tăng (GTGT); Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB). WB cho rằng, cần mở rộng cơ sở thu thuế và rà soát các hình thức ưu đãi thuế để điều chỉnh hợp lý các quy định ưu đãi thuế, tránh ưu đãi không phù hợp, dàn trải, gây lãng phí nguồn lực…

Trước tình hình này, đầu năm 2017, Văn phòng Chính phủ cũng đã có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV giao. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan tăng cường các giải pháp điều chỉnh chính sách thu theo hướng mở rộng cơ sở thuế, điều chỉnh phạm vi, đối tượng, rà soát thu hẹp diện miễn, giảm thuế; Bảo đảm thực hiện thu ngân sách theo đúng dự toán, tiến độ đề ra, bảo đảm cân đối NSNN.

Mới đây, tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2018 của ngành Tài chính vừa được tổ chức ngày 8/1/2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo ngành Tài chính phải cập nhật sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để mở rộng cơ sở thuế hướng tới một hệ thống thu NSNN bền vững, hiệu quả, tránh tình trạng cơ chế chính sách về thu NSNN hiện nay vẫn “tư duy theo hướng coi trọng tăng thuế suất”.

Tác động của mở rộng cơ sở thuế

Mở rộng cơ sở thuế là một xu hướng của cải cách thuế trên thế giới và là biện pháp phổ biến của Chính phủ các nước nhằm hướng tới một hệ thống chính sách thuế công bằng hơn và đảm bảo nguồn thu bền vững cho NSNN. Theo PGS.,TS. Lê Xuân Trường (2017), mở rộng cơ sở thuế có tác động tích cực trên nhiều phương diện. Tác động tích cực nhất của mở rộng cơ sở thuế là tạo nền tảng đảm bảo thu NSNN bền vững trong khi vẫn có thể hạ thấp thuế suất. Điều này có nghĩa là mở rộng cơ sở thuế có tác động phân bổ lại chỉ tiêu thu và nộp thuế giữa các chủ thể khác nhau trong nền kinh tế.

Mở rộng cơ sở thuế cho phép giảm mức thu thuế vào những đối tượng đã đánh thuế trước đó. Chính từ việc giảm thuế suất giúp làm giảm tác động của thuế đến những quyết định kinh tế, từ đó nâng cao hiệu quả kinh tế và năng suất của nền kinh tế (John Freebairn, 2015). Mở rộng cơ sở thuế giúp hệ thống thuế đáp ứng tốt hơn tiêu chí công bằng theo chiều ngang (John Freebairn, 2015). Điều này hàm ý rằng, khi mở rộng cơ sở thuế thì những trường hợp trước đó mặc dù có cùng điều kiện hoàn cảnh như những đối tượng phải chịu thuế khác nhưng chưa phải trả thuế sẽ phải chuyển sang trả thuế.

Trong khi đó, mặt trái của mở rộng cơ sở thuế cần được cân nhắc kỹ lưỡng khi thực hiện những sự thay đổi pháp luật nhằm mở rộng cơ sở thuế. Cụ thể, Tsui Nga Ni (2007) cho rằng, mở rộng cơ sở thuế đối với thuế tiêu dùng là hợp lý vì ai cũng cần tiêu dùng nên mỗi người phải trả thuế theo mức độ tiêu dùng của mình; tuy nhiên, trong trường hợp này chỉ tiêu nộp thuế sẽ đẩy sang cho người nghèo nhiều hơn. PGS.,TS. Lê Xuân Trường (2017) cho rằng, đây chính là vấn đề phải cân nhắc khi mở rộng cơ sở thuế tiêu dùng, đặc biệt là mở rộng cơ sở thuế đối với loại thuế đánh vào hầu hết hàng hóa, dịch vụ là thuế GTGT.

Thêm vào đó, việc mở rộng cơ sở thuế thu nhập bằng cách thu hẹp miễn thuế đối với những đối tượng xã hội nhất định cũng gia tăng gánh nặng thuế đối với người có thu nhập thấp. Điều này cho thấy, khi lựa chọn mở rộng cơ sở thuế cần có các giải pháp đồng bộ để xử lý vấn đề công bằng trong đánh thuế bằng cách điều chỉnh thuế suất các sắc thuế khác và chính sách chi ngân sách.

Bên cạnh đó, theo PGS.,TS. Nguyễn Hồng Thắng (2017), khi mở rộng cơ sở thuế sẽ đối diện với một số thách thức sau: Năng lực cạnh tranh quốc gia thấp, chủ yếu cạnh tranh về giá rẻ, GTGT thấp gây khó cho mở rộng cơ sở thuế về mặt giá trị; Chất lượng tăng trưởng kinh tế chưa có chiều sâu gây khó khăn cho mở rộng cơ sở thuế một cách bền vững; Trình độ cán bộ và chất lượng quản lý thuế còn thấp, chưa có công nghệ quản lý thuế theo kịp quốc gia tiên tiến, gây khó khăn cho mở rộng cơ sở thuế về mặt số lượng; Dữ liệu về thuế còn mỏng và chưa toàn diện nên khó kiểm soát những giao dịch có khả năng bào mòn cơ sở thuế; Yếu tố xã hội chưa thuận lợi, bởi văn hóa thuế trong cộng đồng hơn 90 triệu dân có thể nói là chưa hình thành, nên mức tuân thủ tự nguyện của cư dân mờ nhạt.

Để giải quyết hài hòa những ảnh hưởng tích cực và tiêu cực từ việc mở rộng cơ sở thuế, các chuyên gia kinh tế cho rằng, cùng với việc mở rộng cơ sở thuế, cần nghiên cứu điều chỉnh các chính sách kinh tế - xã hội khác nhằm khỏa lấp những khoảng trống mà chính sách thuế bỏ lại khi điều chỉnh để mở rộng cơ sở thuế.

Cần thiết phải có những biện pháp quyết liệt và hiệu quả đối với các hành vi trốn thuế, tránh thuế để đảm bảo được các mục tiêu về tính công bằng và hiệu quả trong toàn hệ thống thuế. Bên cạnh đó, cần tăng cường chống xói mòn cơ sở thuế thông qua việc nghiên cứu để cụ thể hóa và áp dụng những khuyến nghị của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế trong BEPS, đồng thời đẩy mạnh hợp tác quốc tế như các cam kết đã được trao đổi tại sự kiện Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 diễn ra tại Việt Nam năm 2017.

Nhiều ý kiến cũng cho rằng, cần đối xử công bằng, minh bạch mọi thông tin liên quan đến thuế và hợp tác quốc tế toàn diện. Công khai thông tin, trợ giúp người nộp thuế, cư xử văn minh, công bằng và tôn trọng quyền của người nộp thuế. Tính công bằng thể hiện qua việc mở rộng đối tượng chịu thuế, không phân biệt hàng sản xuất trong nước hay hàng nhập khẩu và mở rộng người nộp thuế không phân biệt cơ sở kinh doanh Việt Nam hay cơ sở kinh doanh có vốn đầu tư nước ngoài.

Bởi một khi người dân có niềm tin vào tính công bằng và minh bạch của hệ thống chính sách thuế cùng với tính liêm chính và hiệu quả của Chính phủ thì chúng ta hoàn toàn có khả năng và còn khoảng trống tài khóa để gia tăng số thu thuế so với GDP trên nền tảng mở rộng cơ sở thuế. Ngoài ra, mở rộng cơ sở thuế phải dựa trên nền tảng hợp tác và thống nhất hành động với cộng đồng quốc tế, tìm kiếm sự trợ giúp quốc tế nhằm giải quyết toàn diện mọi vấn đề về thuế trong nước và xuyên qua biên giới (PGS.,TS. Nguyễn Hồng Thắng, 2017).

Một số khuyến nghị

Theo các chuyên gia kinh tế, mở rộng cơ sở thuế là thẩm quyền của mỗi chính phủ, song cần tuân thủ luật pháp nội địa cùng những thông lệ và cam kết quốc tế.  Việc mở rộng cơ sở thuế cần chú ý một số vấn đề sau:

Nhóm giải pháp về chính sách thuế

Thứ nhất, đối với thuế GTGT: Cơ sở thuế GTGT hiện hành của Việt Nam bị thu hẹp khá nhiều do có tới 25 nhóm hàng hóa, dịch vụ không thuộc diện chịu thuế GTGT. So với thông lệ quốc tế (thường từ 4 đến 8 nhóm), số lượng hàng hóa, dịch vụ không chịu thuế GTGT như vậy là quá nhiều. Tuy nhiên, với danh mục đối tượng không chịu thuế GTGT rộng không chỉ làm thu hẹp cơ sở thuế. Trong thời gian tới cần nghiên cứu thu hẹp đối tượng không thuộc diện chịu thuế GTGT.

Do vậy, cần rà soát danh mục hàng hóa dịch vụ không chịu thuế GTGT, nghiên cứu chuyển dần một số hàng hóa dịch vụ hiện nằm trong danh mục không chịu thuế sang chịu thuế GTGT. Việc chuyển các nhóm này sang đối tượng chịu thuế không chỉ góp phần mở rộng cơ sở thuế, tạo nguồn thu cho NSNN, mà còn đảm bảo công bằng giữa các hoạt động sản xuất kinh doanh; đồng thời giúp cho hoạt động bảo hộ sản xuất nội địa tốt hơn, do các hàng hóa này chịu thuế GTGT ở khâu nhập khẩu.

Thứ hai, đối với thuế TNDN: Rà soát giảm bớt các nhóm thu nhập được miễn thuế cho các đối tượng chính sách, hạn chế việc lồng ghép các chính sách xã hội vào chính sách ưu thuế TNDN để đảm bảo tính trung lập của thuế TNDN. Nghiên cứu thu hẹp diện ưu đãi thuế TNDN. Rà soát và chỉ giữ lại ưu đãi thuế TNDN vì mục tiêu điều tiết và phân bổ nguồn lực kinh tế đối với những trường hợp đặc biệt có ý nghĩa quan trọng cho phát triển kinh tế.

Thứ ba, đối với thuế TTĐB: Có thể nghiên cứu bổ sung vào đối tượng chịu thuế TTĐB đối với một số hàng hóa, dịch vụ sau: Điện thoại di động, camera, nước hoa, mỹ phẩm, dịch vụ kinh doanh game, dịch vụ thẩm mỹ. Ngoài ra, hiện nay ở Việt Nam có khá nhiều mặt hàng là tiêu dùng cao cấp nhưng chưa bị đánh thuế TTĐB như: mỹ phẩm cao cấp, vàng bạc, đá quý, dịch vụ thẩm mỹ viện... do vậy, cần có sự nghiên cứu để đưa dần các hàng hóa, dịch vụ này vào diện chịu thuế TTĐB.

Bởi đây là những loại hàng hóa, dịch vụ cao cấp mà thành phần sử dụng đa số là những người có thu nhập cao trong xã hội. Việc mở rộng diện chịu thuế TTĐB với những hàng hóa dịch vụ này sẽ góp phần điều tiết thu nhập, định hướng tiêu dùng, mở rộng thêm được nguồn thu.

Thứ tư, đối với thuế TNCN: Để mở rộng cơ sở thuế TNCN, cần nghiên cứu giảm bớt một số khoản thu nhập được trừ không tính vào thu nhập chịu thuế và các khoản thu nhập miễn thuế để vừa mở rộng cơ sở thuế vừa đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập. Ngoài ra, nên duy trì mức giảm trừ gia cảnh hiện nay trong một thời gian thích hợp trong tương lai; Cần loại bỏ một số khoản trợ cấp, phụ cấp được miễn thuế và đưa lương hưu vào thu nhập chịu thuế.

Thu hẹp đối tượng được giảm trừ gia cảnh bằng cách quy định về người phụ thuộc là con của đối tượng nộp thuế phải thỏa mãn điều kiện chưa kết hôn. Thu hẹp quy định về nhóm đối tượng “cá nhân khác không nơi nương tựa” được coi là người phụ thuộc. Nhóm đối tượng này chỉ nên áp dụng đối với: bố mẹ, anh chị em ruột và xa hơn nữa có thể loại bỏ hoàn toàn nhóm cá nhân khác này khỏi đối tượng được giảm trừ gia cảnh.

Thứ năm, đối với thuế tài sản: Trong thời gian tới, chính sách thuế tài sản của Việt Nam cần được hoàn thiện theo hướng mở rộng, bao quát được các cơ sở thuế nhằm phát huy hơn nữa các vai trò của thuế tài sản, đặc biệt là trong việc tăng thu NSNN phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội, nhất là trong điều kiện nguồn lực tài sản trong dân cư ngày càng tăng trưởng.

Các tài sản chịu thuế tài sản có thể điều tiết hàng năm ở Việt Nam trong thời gian tới cần xem xét bao gồm: Quyền sử dụng đất (nông nghiệp, phi nông nghiệp); nhà, vật kiến trúc trên đất. Xem xét nghiên cứu việc đánh thuế tài sản một lần đối với các tài sản mới được tạo dựng và được chủ sở hữu thực hiện việc đăng ký quyền sở hữu tài sản. Khi đó, hệ thống thuế tài sản Việt Nam sẽ đảm bảo tính đầy đủ xét trên góc độ cơ sở thuế, phù hợp với điều kiện phát triển của nền kinh tế cũng như mục tiêu đánh thuế tài sản.

Thứ sáu, đối với thuế BVMT: Tiếp tục rà soát để bổ sung thêm một số hàng hóa mà quá trình sản xuất và sử dụng gây ô nhiễm môi trường, cần đánh thuế BVMT để hướng dẫn sản xuất và tiêu dùng hợp lý.

Nhóm giải pháp bổ sung

- Để mở rộng cơ sở thuế hiệu quả, bền vững và có thể dự đoán cần thiết kế phải xây dựng một hệ thống thuế mang tính co giãn, tức là gắn chặt với GDP, bởi GDP là cơ sở trực tiếp của các sắc thuế đánh vào tiêu dùng (thuế GTGT, thuế nhập khẩu và thuế TTĐB) và cơ sở gián tiếp của thuế trực thu.

- Việc mở rộng cơ sở thuế cũng cần hướng đến đối tượng là những hộ kinh doanh có điều kiện chuyển được sang doanh nghiệp, mở rộng thuế từ khu vực kinh doanh phi chính thức sang chính thức; Cần rà soát các hộ kinh doanh một cách cụ thể trên tinh thần nghĩa vụ kinh doanh phải nộp thuế, nhưng cần bình đẳng trong nộp thuế. Đây là cách để đảm bảo nguồn thu bền vững, lâu dài.

- Chủ động cập nhật xu hướng phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang xuất hiện trên nhiều lĩnh vực kinh tế, thương mại, dịch vụ mới như kinh tế liên kết toàn cầu, kinh tế chia sẻ, thương mại điện tử, dịch vụ điện tử trực tuyến, trò chơi điện tử, đặc biệt chú trọng đối với các loại hình mới như: Uber, Grab, du lịch trực tuyến, bán hàng qua mạng… Đây là những “mỏ vàng để mở rộng cơ sở thuế”như nhận định của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại tại Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2018 của ngành Tài chính.         

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính (2018), Báo cáo Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2017, triển khai nhiệm vụ tài chính – NSNN năm 2018 của ngành Tài chính;

2. Thông tấn xã Việt Nam (2018), Phải cập nhật Cách mạng công nghiệp 4.0 để mở rộng cơ sở thuế;

3. PGS., TS. Lê Xuân Trường (2017), Mở rộng cơ sở thuế: Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 8/2017;

4. PGS., TS. Nguyễn Hồng Thắng (2017), Một số vấn đề đặt ra trong mở rộng cơ sở thuế thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế, Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 8/2017;

5. PGS., TS. Lý Phương Duyên (2017), Mở rộng cơ sở thuế đối với thu nhập ở Việt Nam hiện nay, Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 8/2017;

6. PGS., TS. Nguyễn Thị Thanh Hoài (2017), Mở rộng cơ sở thuế tiêu dùng ở Việt Nam, Tạp chí Tài chính số kỳ 1 tháng 8/2017;

7. Hà Linh (2018), Những “mỏ vàng” để mở rộng cơ sở thuế, Thời báo Ngân hàng.