Mở rộng khoán kinh phí sử dụng xe công: Sẽ có lộ trình hợp lý

PV.

Đó là khẳng định của ông Trần Đức Thắng – Cục trưởng Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) tại buổi họp báo chuyên đề “Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (sửa đổi)” do Bộ Tài chính đã tổ chức chiều ngày 27/9/2016.

Khoán kinh phí sử dụng xe công: Cần phải có lộ trình.
Khoán kinh phí sử dụng xe công: Cần phải có lộ trình.

Với việc ban hành Quyết định số 1997/QĐ-BTC ngày 16/9/2016 vừa qua quy định chế độ khoán kinh phí sử dụng xe ô tô đưa đón từ nơi ở đến nơi làm việc đối với một số chức danh Thứ trưởng, Tổng cục trưởng và tương đương thuộc Bộ, Bộ Tài chính là cơ quan đầu tiên áp dụng cơ chế này.

Ông Thắng khẳng định, dù chưa tính toán cụ thể nhưng chắc chắn cách làm này sẽ tiết kiệm được đáng kể ngân sách Nhà nước. Ông cũng cho biết, sau một thời gian thực hiện, Bộ Tài chính sẽ tiến hành đánh giá lại mức độ hợp lý để điều chỉnh hoặc mở rộng một cách thận trọng.

Theo kết quả rà soát, sắp xếp xe công theo Quyết định 32/2015 của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay, cả nước có hơn 37.000 xe công, chưa kể xe của lực lượng công an, quân đội. Trong đó, có 901 xe phục vụ chức danh.

Trước ý kiến về việc mở rộng áp dụng cơ chế khoán kinh phí sử dụng xe công với các chức danh, ông Trần Đức Thắng cho rằng, cơ chế khoán này cần phải được thực hiện thận trọng, có lộ trình, theo từng địa bàn cụ thể và khó có thể áp dụng đồng loạt trên cả nước.

Theo đó, ông Thắng cho biết, trên thế giới, chế độ khoán kinh phí xe công chỉ nên áp dụng từ cấp thứ trưởng của bộ, ngành và cấp phó của các địa phương trở xuống.

Quan trọng hơn, nếu mở rộng cơ chế khoán này thì phải tính đến vấn đề an ninh, an toàn và bảo đảm không ảnh hưởng tới việc đi lại chung của lãnh đạo.