Mua sắm hàng hóa, dịch vụ theo phương thức tập trung

PV.

Chỉ tính riêng việc áp dụng phương thức mua sắm tập trung, ngân sách nhà nước có thể tiết kiệm được từ 10 - 20% kinh phí so với mua sắm phân tán. Đây cũng là phương thức được các quốc gia trên thế giới áp dụng và mang lại hiệu quả thiết thực.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện thí điểm mua sắm tài sản, hàng hoá từ ngân sách nhà nước theo phương thức tập trung.

Trên cơ sở đó, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định quy định việc mua sắm tài sản nhà nước theo phương thức tập trung; đồng thời chủ động xây dựng dự thảo các Thông tư hướng dẫn về quy trình mua sắm tập trung, danh mục tài sản mua sắm tập trung cấp quốc gia, dự kiến áp dụng từ năm 2016.

Phương thức mua sắm tập trung sẽ có sự thay đổi căn bản theo hướng chủ yếu áp dụng cách thức ký thỏa thuận khung (là cách thức đã được áp dụng có kết quả ở nhiều nước nhưng còn mới đối với Việt Nam). Theo đó, đơn vị mua sắm tập trung tổng hợp nhu cầu mua sắm, tiến hành lựa chọn nhà thầu theo quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc thuê tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp lựa chọn nhà thầu, ký thỏa thuận khung với nhà thầu được lựa chọn.

Cơ quan, tổ chức, đơn vị sử dụng tài sản đề xuất nhu cầu mua sắm, lập dự toán mua sắm trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, trực tiếp ký hợp đồng mua sắm với nhà thầu được lựa chọn, trực tiếp thanh toán cho nhà thầu được lựa chọn (trừ trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền giao dự toán cho đơn vị mua sắm tập trung), tiếp nhận tài sản, hồ sơ về tài sản và thực hiện nghĩa vụ hợp đồng, chế độ bảo hành, bảo trì từ nhà thầu được lựa chọn.

Cách thức này vừa bảo đảm được mục tiêu của mua sắm tập trung, vừa không làm ảnh hưởng tới phân cấp ngân sách, quyền tự chủ của các đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản./.