Mua sắm tập trung - Bước chuyển trong quản lý tài sản công

Theo baohaiquan.vn

(Tài chính) Bộ Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để sớm đưa hình thức mua sắm tập trung (MSTT) nhân rộng trong cả nước nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ cho công tác mua sắm tài sản công.

Mua sắm tập trung - Bước chuyển trong quản lý tài sản công
Việc mua sắm tập trung sẽ được thực hiện theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp hoặc theo cách thức ký thỏa thuận khung. Nguồn: internet

Hướng đi đúng

Theo Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính, sau gần 6 năm triển khai thí điểm tại 24 bộ, ngành, địa phương, việc mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung đã chứng tỏ rõ những hiệu quả quan trọng và cho thấy đây là một hướng đi đúng, phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Hiệu quả có thể nhận thấy rõ nhất chính là việc tiết kiệm ngân sách Nhà nước. Theo số liệu tổng hợp trong 5 năm, chênh lệch giữa dự toán và số thực tế mua sắm của các bộ, ngành, địa phương tham gia thí điểm là hơn 467 tỷ đồng. Hiệu quả này không chỉ thể hiện ở số tiền giảm chi do mua sắm theo lô lớn mà còn được thể hiện ở chỗ chất lượng đầu vào tốt, giá mua thống nhất, tương đồng về kỹ thuật. Nếu mở rộng phạm vi áp dụng thì số tiền chênh lệch và hiệu quả mua sắm công sẽ lớn hơn rất nhiều.

Rào cản

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bộ Tài chính cũng đã nhận thấy những tồn tại, hạn chế trong quá trình thí điểm.

Trước hết, phương thức MSTT đang được áp dụng dựa trên tinh thần tự nguyện tham gia của các bộ, ngành, địa phương đăng ký tham gia thí điểm; danh mục hàng hóa, tài sản mua sắm chủ yếu do các bộ, ngành, địa phương quyết định; chưa có quy định bắt buộc áp dụng, vì vậy, phạm vi triển khai còn hẹp, chưa đồng nhất. Trong khi đó, nhận thức của các cấp, các ngành về phương thức MSTT với vị trí là công cụ hữu hiệu để phòng, chống tham nhũng, lãng phí, nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn tài chính, tài sản công chưa đầy đủ; còn có tâm lý e ngại, chưa chủ động và tích cực khi áp dụng phương thức này. Nhiều bộ, ngành, địa phương có số lượng tài sản mua sắm lớn chưa tham gia vào quá trình thí điểm.

Về cách thức và quy trình MSTT, giai đoạn thí điểm chỉ áp dụng một cách thức MSTT duy nhất là đơn vị được giao nhiệm vụ MSTT ký hợp đồng trực tiếp với nhà cung cấp được lựa chọn. Với cách thức này, quy trình, thủ tục mua sắm sẽ bị kéo dài, chưa phù hợp với quy trình chung về giao dự toán ngân sách, hạn chế quyền chủ động của các cơ quan, đơn vị trực tiếp sử dụng tài sản dẫn đến bộ máy thực hiện mua sắm cồng kềnh, không hiệu quả, khó có thể nhân rộng.

Một rào cản lớn khác nằm ở mô hình tổ chức của đơn vị MSTT. Ở hầu hết các bộ, cơ quan Trung ương, địa phương thực hiện thí điểm, việc thực hiện MSTT được giao cho Vụ Kế hoạch - Tài chính, Cục quản lý chuyên ngành, Sở Tài chính, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế,… thực hiện. Đến nay mới chỉ có Bình Thuận có tổ chức chuyên trách về mua sắm tài sản, hàng hoá theo phương thức tập trung là Trung tâm Mua tài sản công thuộc Sở Tài chính. Cán bộ làm nhiệm vụ MSTT hoạt động kiêm nhiệm. Việc kiêm nhiệm tại các đơn vị gặp nhiều khó khăn trong quá trình tổ chức thực hiện, hiệu quả mua sắm tài sản không cao.

Đặc biệt, khi thực hiện MSTT, hợp đồng mua sắm do chủ đầu tư ký với các nhà thầu, các đơn vị nhận hàng hoá, tài sản không được tham gia các điều khoản trong hợp đồng nên có những điều khoản trong hợp đồng khó thực hiện, nhất là điều khoản về bảo hành, bảo trì.

Công cụ chống tham nhũng, lãng phí

Trong dự thảo Quyết định mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung mà Bộ Tài chính đang dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ, việc MSTT phải theo đúng tiêu chuẩn, định mức quy định; thực hiện mua sắm trong phạm vi nguồn kinh phí được phép sử dụng, bảo đảm công khai, minh bạch, tiết kiệm và có hiệu quả; bảo đảm mua sắm đồng bộ, hiện đại phù hợp với yêu cầu, nội dung hoạt động và quá trình cải cách nền hành chính Nhà nước, cải cách tài chính công; việc MSTT phải được thực hiện thông qua đơn vị MSTT và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Về cách thức thực hiện mua sắm, dự thảo đã cụ thể hóa khoản 3 Điều 44 Luật Đấu thầu với quy định: Việc mua sắm tập trung sẽ được thực hiện theo cách thức ký hợp đồng trực tiếp hoặc theo cách thức ký thỏa thuận khung, trong đó, cách thức ký thỏa thuận khung là cách thức chủ yếu được áp dụng.

Trong công tác MSTT, việc xác định danh mục tài sản MSTT là hết sức cần thiết, vừa đảm bảo yêu cầu về tiết kiệm, hiệu quả, vừa phải phù hợp với năng lực của đơn vị MSTT, phù hợp với khả năng cung ứng của thị trường. Sau khi tiếp thu ý kiến tham gia của các bộ, ngành, địa phương, Bộ Tài chính đề xuất danh mục mua sắm tập trung cấp quốc gia (ngoài thuốc), gồm 4 mặt hàng là xe ô tô, máy vi tính, máy in và máy photocopy.

Căn cứ vào Đề án hình thành Đơn vị MSTT Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 7-2014, Bộ Tài chính dự kiến chia đơn vị MSTT thành các cấp. Trong đó có đơn vị MSTT quốc gia (đơn vị MSTT tại Bộ Tài chính thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản thuộc Danh mục mua sắm tài sản tập trung quốc gia, trừ thuốc); đơn vị MSTT thuốc quốc gia (đơn vị MSTT tại Bộ Y tế thực hiện nhiệm vụ MSTT thuốc quốc gia) và đơn vị MSTT tại các bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh (thực hiện nhiệm vụ mua sắm tài sản thuộc danh mục MSTT của các bộ, cơ quan Trung ương, các tỉnh).

Trong các cấp đó, đơn vị MSTT được tổ chức theo mô hình chuyên nghiệp hoặc kiêm nhiệm. Nếu chuyên nghiệp, các bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh hình thành đơn vị sự nghiệp để thực hiện nhiệm vụ MSTT, đủ điều kiện là tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Nếu kiêm nhiệm, các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương giao nhiệm vụ MSTT cho cơ quan chuyên môn về quản lý tài chính, tài sản thuộc đơn vị. Việc hình thành đơn vị MSTT kiêm nhiệm phải đảm bảo nguyên tắc độc lập giữa đơn vị MSTT và đơn vị được bộ, cơ quan Trung ương và các tỉnh giao nhiệm vụ thẩm định, trình phê duyệt kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu.

Với những nội dung cụ thể nêu trên, Bộ Tài chính cho rằng, khi cơ chế mua sắm tài sản Nhà nước theo phương thức tập trung chính thức được áp dụng thống nhất trong phạm vi cả nước, các tồn tại, hạn chế hiện nay sẽ có cơ sở để khắc phục, đồng thời góp phần tiết kiệm chi tiêu công, nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước, phòng, chống lãng phí, tham nhũng. Việc đó cũng nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong quản lý tài sản công.