Mục tiêu đạt 100% dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3 năm 2017

PV.

Nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực hải quan, ngành Hải quan đề ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2017, 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến tối thiểu mắc độ 3; 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn tham quan địa điểm kiểm tra chuyên ngành tại sân bay quốc tế Nội Bài.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn tham quan địa điểm kiểm tra chuyên ngành tại sân bay quốc tế Nội Bài.

Tập trung triển khai nhiều mục tiêu quan trọng

Trên cơ sở nghiên cứu khoa học, nghiêm túc, đầy đủ, toàn diện quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), Tổng cục Hải quan đã cụ thể hóa thành Kế hoạch, chương trình hành động ứng dụng CNTT trong lĩnh vực hải quan.

Trong đó, việc triển khai thành công Nghị quyết 36a/NQ-CP và triển khai Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN là một trong những mục tiêu quan trọng hàng đầu của ứng dụng CNTT giai đoạn 2016-2020 của Tổng cục Hải quan.

Theo báo cáo của Cục CNTT và Thống kê Hải quan (Tổng cục Hải quan), đến nay Tổng cục Hải quan có 168 thủ tục hành chính, trong đó thủ tục hành chính đã triển khai gồm: Dịch vụ công trực tuyến mức 1 là 58 thủ tục; Dịch vụ công trực tuyến mức 2 là 37 thủ tục; Dịch vụ công trực tuyến mức 3 là 1 thủ tục; Dịch vụ công trực tuyến mức 4 là 72 thủ tục.

Các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 cho phép doanh nghiệp thực hiện thông qua mạng internet các thủ tục hành chính liên quan đến thông quan hàng hóa; nộp thuế, phí, lệ phí; thủ tục đối với các phương tiện vận tải đường biển…

Các dịch vụ công trực tuyến này được cung cấp thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS, Cổng thanh toán điện tử thu thuế xuất nhập khẩu và Cổng thông tin một cửa quốc gia.

Được biết, để triển khai hiệu quả Nghị quyết 36a/NQ-CP, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch hành động số 356/QĐ-TCHQ ngày 1/3/2016, trong đó có một nội dung rất quan trọng là triển khai dịch vụ công trực tuyến.

Theo đó, phấn đấu đến hết năm 2016, 70% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến tối thiểu mức độ 3; 50% dịch vụ công trực thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4.

Đến năm 2017, 100% dịch vụ công được cung cấp trực tuyến tối thiểu mắc độ 3; 70% dịch vụ công thuộc các lĩnh vực cốt lõi của ngành Hải quan được cung cấp trực tuyến mức độ 4.

Ngày 27/5/2016, Tổng cục Hải quan cũng đã ban hành Quyết định 1533/QĐ-TCHQ về việc ban hành Kế hoạch triển khai dịch vụ công trực tuyến năm 2016 với mục tiêu: Hoàn thành việc xây dựng và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3 cho 46 thủ tục hành chính; Nâng tổng số thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến tối thiểu ở mức độ 3 là 119/168 thủ tục hành chính (chiếm 71%), trong đó 114/168 thủ tục hành chính được cung cấp trực tuyến mức độ 4 (chiếm 68%).

Với nhiệm vụ là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN và Cơ chế một cửa quốc gia, thời gian qua Tổng cục Hải quan cũng đã nỗ lực cùng với bộ, ngành liên quan triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và tham gia Cơ chế một cửa ASEAN của Việt Nam kể từ thời điểm Hiệp định và Nghị định thư về thiết lập và thực thi Cơ chế một cửa ASEAN có hiệu lực.

Những giải pháp cho trung và dài hạn

Kết quả ứng dụng CNTT của Tổng cục Hải quan đã được Chính phủ đánh giá rất tích cực tại Nghị quyết 36a/NQ-CP. cụ thể, việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử theo Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) và Cơ chế một cửa quốc gia tại cảng biển đã giảm thời gian thông quan hàng hóa bình quân 21 ngày xuống còn 14 ngày đối với xuất khẩu, 13 ngày đối với nhập khẩu, giảm được 10-20% chi phí và 30% thời gian thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu cho doanh nghiệp.

Thống kê cũng cho thấy, đến nay đã có 10 bộ, ngành tham gia triển khai thủ tục hành chính thông qua Cổng thông tin một cửa quốc gia. Tổng số hồ sơ hành chính đã được xử lý trên Cổng thông tin một cửa quốc gia tính đến ngày 1/8/2016 đạt trên 150.000 bộ hồ sơ.

Thông qua Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp không còn phải trực tiếp làm việc với từng cơ quan nhà nước để hoàn thành các thủ tục hành chính nên giảm bớt phiền hà, tiêu cực. Chi phí chuẩn bị hồ sơ được giảm bớt, thơi gian chuẩn bị hồ sơ được rút ngắn.

Theo công bố của Cục Đăng kiểm Việt Nam, khi áp dụng Cơ chế một cửa quốc gia, doanh nghiệp rút ngắn được khoảng 4/5 thời gian làm thủ tục. Đối với thủ tục hành chính của các bộ, ngành, khi triển khai thực hiện theo Cơ chế một cửa quốc gia, mặc dù chưa có số liệu đo cụ thể song mục tiêu đề ra sẽ rút ngắn từ 15-30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính hoặc nhiều hơn.

Bên cạnh đó, khi triển khai đầy đủ dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 trên Cơ chế một cửa quốc gia, ước tính hầu hết bộ hồ sơ do doanh nghiệp phải nộp/xuất trình sẽ được đơn giản hóa và điện tử hóa, qua đó, giảm thời gian và chi phí cho chuẩn bị chứng từ, hồ sơ thực hiện thủ tục hành chính…

Đối với khu vực quốc tế, từ tháng 9/2015, Cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam đã kết nối kỹ thuật thành công với 4 nước ASEAN (Indonesia, Malaysia, Singapore, Thái Lan) để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa xuất khẩu có xuất xứ ASEAN; Sẵn sàng để chính thức kết nối Cơ chế một cửa ASEAN khi Nghị định thư pháp lý để thực hiện Cơ chế một cửa ASEAN có hiệu lực trong năm 2016. Đến nay đã có 4 nước thành viên bao gồm: Malaysia, Myanmar, Thái Lan và Việt Nam đã phê duyệt Nghị định thư này.

Phát huy những kết quả trên, Tổng cục Hải quan đặt mục tiêu giai đoạn từ nay đến 2018, sẽ hoàn thành triển khai mở rộng ra phạm vi toàn quốc các thủ tục đối với phương tiện, hàng hóa vận tải vào, rời cảng biển, cảng thủy nội địa, cảng dầu khí ngoài khơi; các thủ tục đối với phương tiện vận tải vào, rời cảng hàng không thông qua Cơ chế một cửa quốc gia.

Bên cạnh đó, triển khai ít nhất 80% trên tổng số các thủ tục hành chính của các bộ, ngành có liên quan đến hoạt động xuất/nhập khẩu, xuất/nhập cảnh, quá cảnh đối với hàng hóa, người và phương tiện.

Trong dài hạn (2016-2020), tất cả các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý nhà nước đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; người và phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh sẽ được thực hiện thông qua Cơ chế một cửa quốc gia dưới hình thức dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Việc thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia sẽ được mở rộng về cả phạm vi và quy mô tới tất cả các bộ, ngành…