“Năm 2013: Ngành bảo hiểm Việt Nam có thể tăng trưởng từ 15 -17%”

Văn Trường

(Tài chính) Đó là nhận định của Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà khi đánh giá về thị trường bảo hiểm Việt Nam tại Hội nghị ngành Bảo hiểm năm 2013 do Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) tổ chức sáng 2/4/2013 tại Hà Nội.

Tăng trưởng nhưng chưa bền vững

Thứ trưởng Trần Xuân Hà chia sẻ, trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn đi sâu phân tích thì bảo hiểm còn nhiều khó khăn. Điều này thể hiện qua hiệu quả kinh doanh của năm 2012 cho thấy, phí bảo hiểm, doanh thu thì tăng so với năm 2011 những lợi nhuận trước thuế thì lại giảm. Ví dụ: khối phi nhân thọ, doanh thu bảo hiểm tăng 10,7% nhưng lợi nhuận trước thuế giảm 12%.

“Vấn đề  chính của thị trường bảo hiểm hiện nay là do đầu tư không hiệu quả nên dẫn tới tình trạng mất an toàn, đầu tư không thu hồi được vốn, do đó, tới đây chúng ta phải xem xét phân loại đánh giá lại tiêu chí để có những biện pháp chấn chỉnh và cải thiện xếp hạng của doanh nghiệp bảo hiểm”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhấn mạnh.

“Năm 2013: Ngành bảo hiểm Việt Nam có thể tăng trưởng từ 15 -17%” - Ảnh 1

Thứ trưởng Trần Xuân Hà: Ngành bảo hiểm Việt Nam có thể tăng trưởng từ 15-17% trong năm 2013. Ảnh: FinancePlus.vn.

Các chuyên gia tại Hội nghị cũng cho rằng, hiệu quả kinh doanh trong năm 2012 là quá thấp, thậm chí thị trường có lúc bị “rối loạn” không kiểm soát nổi.

Ông Phùng Ngọc Khánh, Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã đánh giá toàn cảnh thị trường bảo hiểm Việt Nam năm 2012, là vẫn duy trì đà tăng trưởng nhưng tốc độ tăng trưởng giảm so với các năm. Theo đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường năm 2012 đạt 40.968 tỷ đồng, tăng 12% so với năm 2011, trong đó doanh thu phí bảo hiểm phi nhân thọ đạt 22.777 tỷ đồng, tăng 10,69% và doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ đạt 18.191 tỷ đồng, tăng 13,71% so với năm 2011.

Đáng chú ý, tổng số tiền đầu tư năm 2012 đạt 88.002 tỷ đồng, tăng 5,9% so với năm 2011; doanh thu hoạt động đầu tư đạt 9.321 tỷ đồng, giảm 10,7% so với năm 2011 (trong đó doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhân thọ đạt 7.576 tỷ đồng, tăng 4,7%, DNBH phi nhân thọ đạt 1.745 tỷ đồng, giảm 10,9% so với năm 2011). Tổng số tiền thực bồi thường và trả tiền bảo hiểm đạt 13.363 tỷ đồng, trong đó các DNBH nhân thọ đạt 4.615 tỷ đồng, các DNBH phi nhân thọ đạt 8.748 tỷ đồng.

Đánh giá về lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ và bảo hiểm nhân thọ trong năm 2012, ông Khánh cho rằng, trong năm 2012 cả hai lĩnh vực bảo hiểm này đều tăng trưởng khả quan cả về số lượng và chất lượng so với năm 2011. Đối với lĩnh vực bảo hiểm phi nhân thọ, năm 2012 có 23/29 DNBH phi nhân thọ tăng trưởng về thu phí bảo hiểm gốc so với năm 2011. Điển hình một số DNBH chiếm thị phần dẫn đầu thị trường như: Bảo Việt (23,71%), PVI (20,31%), Bảo Minh (9,93%)… Đối với lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, hoạt động khai thác mới đạt kết quả khả quan, đạt 1.004.825 hợp đồng, tăng 12,51%; doanh thu phí khai thác mới đạt 5.339 tỷ đồng, tăng 15,79%...

“100% doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm về hoa hồng và bồi thường”

Nói về công tác quản lý, giám sát các DNBH, ông Trịnh Thanh Hoan, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm thẳng thắn, qua công tác thanh kiểm tra phát hiện 100% DNBH đều vi phạm về hoa hồng và bồi thường, cá biệt có lúc thị trường “rối loạn”.

“Năm 2013: Ngành bảo hiểm Việt Nam có thể tăng trưởng từ 15 -17%” - Ảnh 2

Toàn cảnh Hội nghị ngành Bảo hiểm năm 2013. Ảnh: FinancePlus.vn.

Trong năm 2012, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã tiến hành thanh tra 3 DN: Công ty TNHH Aon Việt Nam, Công ty TNHH Manulife Việt Nam, Công ty cổ phần bảo hiểm Ngân hàng nông nghiệp (ABIC); Kểm tra toàn diện hoạt động kinh doanh bảo hiểm của 5 DNBH phi nhân thọ… Qua thanh, kiểm tra, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã kiến nghị DN hạch toán tăng thu nhập trên 5 tỷ đồng; giảm doanh thu, thu nhập trên 19 tỷ đồng; giảm chi phí trên 41 tỷ đồng… ; kiến nghị nộp vào ngân sách nhà nước gần 6 tỷ đồng.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng thẳng thắn chỉ ra việc các DNBH chưa chấp hành quy định pháp luật, nhất là các điều kiện của hợp đồng bảo hiểm cam kết với khách hàng. “Với khối bảo hiểm nhân thọ và phi nhân thọ vấn đề bất cập là sử dụng đại lý bảo hiểm chưa đủ điều kiện, thứ hai là chi hoa hồng chưa đúng và bồi thương chưa đúng chế độ”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho biết.

Một vấn đề quan trọng khác cũng được các diễn giả chỉ ra, đó là thực trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DNBH vẫn diễn ra phổ biến. Thể hiện rõ nét nhất là mức phí bảo hiểm cạnh tranh giữa các DN với nhau.

Phân tích về thị trường bảo hiểm hiện nay, ông Trần Vĩnh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo Minh cho rằng, vấn đề nhức nhối nhất của thị trường bảo hiểm hiện nay là hoa hồng. Về nguyên tắc, quy định của Nhà nước là đúng, chỉ trả cho đại lý môi giới mang lại dịch vụ và có tỷ lệ ấn định mức trích hoa hồng rõ ràng. Tuy nhiên trong lĩnh vực phi nhân thọ cái này thực hiện chưa đúng khi quản lý kiểm tra có vi phạm.

Ông Trịnh Quang Tuyến, Chủ tịch Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam bức xúc về tính cộng đồng của DN ở Việt Nam chưa phát huy tác dụng, hợp tác ngành Bảo hiểm chưa cao, mạnh ai người nấy làm.

Hướng tới phát triển bền vững 

Ông Vũ Văn Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Tái bảo hiểm PVI (PVI Re) khuyến nghị, để thị trường bảo hiểm Việt Nam phát triển bền vững thì Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sớm công khai kết quả xếp hạng DNBH và chi tiết hơn về tình hình kinh doanh của DN đề từ đó đưa ra những cảnh báo cho DN có kế hoạch kinh doanh.

Ông Trần Vĩnh Đức, Chủ tịch Hội đồng quản trị Bảo Minh cho rằng, 2013 là năm cần phải tăng cường kiểm tra, giám sát và có chế tài xử phạt nặng và công bố thông tin các DN vi phạm rộng rãi để mọi người cùng biết.  

Thứ trưởng Trần Xuân Hà nhận định, năm 2013 kỳ vọng các DNBH sẽ đạt mức tăng trưởng 15 - 17% thậm chí cao hơn nếu các DNBH tích cực nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên để đạt được mức tăng trưởng trên cần phải khắc phục tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các DNBH với nhau, nhất là phí, hoa hồng cho môi giới và đại lý. Bên cạnh đó, chúng ta phải có giải pháp giám sát tình trạng trục lợi bảo hiểm.

“Thời gian tới sẽ trình Chính phủ ký ban hành Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm với khung rộng hơn và mạnh hơn”, Thứ trưởng Trần Xuân Hà, nói.

Về phía Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ tăng cường công tác thanh, kiểm tra hoạt động của các DNBH, DN môi giới. Trong năm 2013, Cục sẽ tiến hành thanh tra 4 DNBH là: Tổng Công ty cổ phần Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIC), Công ty cổ phần bảo hiểm hàng không (VNI), Công ty Liên doaanh bảo hiểm Bảo Việt – Tokyo Marine và Công ty TNHH bảo hiểm nhân thọ ACE (ACE life)…