Năm 2016: “Chặn đứng” buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả

N. Ánh

Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi trên phạm vi cả nước và trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế. Bởi vậy, công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đang là yêu cầu cấp bách hiện nay.

Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi trên phạm vi cả nước và trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.
Buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả hiện nay ngày càng diễn biến phức tạp và tinh vi trên phạm vi cả nước và trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế.

Phức tạp trên nhiều địa bàn

Theo Ban chỉ đạo 398 Bộ Tài chính, thời gian qua, tình hình hoat động buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh trái phép, vi phạm an toàn thực phẩm, sở hữu trí tuệ, hàng giả, hàng kém chất lượng diễn biến khá phức tạp và có nhiều diễn biến mới trên tất cả các địa bàn. Theo đó, tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ xảy ra tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy, pháo nổ, rượu, bia, thuốc lá điếu, mỹ phẩm, gia cầm và sản phẩm của gia cầm, đồ điện tử, điện lạnh, hàng tiêu dùng các loại...

Trên các vùng biển Đông Bắc, Miền Trung và Tây Nam, tình trạng buôn lậu xăng, dầu, than, quặng, gỗ, thuốc lá điếu... cũng diễn biến ngày càng phức tạp. Tại các cảng biển quốc tế là buôn lậu mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và các mặt hàng cấm là sản phẩm của động vật hoang dã, đồ điện tử, điện lạnh, điện gia dụng, thiết bị y tế cũ, đã qua sử dụng... Trên địa bàn các cửa khẩu cảng hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế, buôn lậu, vận chuyển trái phép ma túy, vũ khí, tài liệu cấm, sản phẩm của động vật hoang dã và các loại hàng hóa có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, trong nội địa, tình trạng sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng vẫn còn xảy ra tại nhiều tỉnh, thành phố tiềm ẩn nguy cơ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống, sức khỏe người tiêu dùng.

Trước tình hình trên, Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính cùng các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng đã đấu tranh, bắt giữ và xử lý hiệu quả các đối tượng vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, góp phần ổn định tình hình an ninh - chính trị, kinh tế - xã hội, được nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Theo Văn phòng thường trực chỉ đạo 389 Quốc gia, năm 2015, hơn 206.000 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đã bị phát hiện trên toàn quốc,tăng 3,37% so với năm 2014; số tiền xử phạt, tịch thu và truy thu thuế từ các vụ việc ước đạt trên 13.500 tỷ đồng.

Quyết liệt các giải pháp đấu tranh

Để tiếp tục duy trì, phát huy những kết quả đã đạt được, từng bước nâng cao hiệu quả công tác điều hành, chỉ đạo các hoạt động phối hợp lực lượng trong đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, đơn vị Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Bộ Tài chính đã tham mưu Ban Chỉ đạo 389 quốc gia định hướng công tác trọng tâm năm 2016.

Theo đó, tiếp tục bám sát, thực hiện có hiệu quả các nội dung chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Xây dựng và triển khai Kế hoạch công tác năm 2016 của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, các Bộ, ngành, địa phương trên cơ sở bám sát Nghị quyết số 41/NQ-CP, đảm bảo các yêu cầu về định hướng, mục tiêu hoạt động, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền và diễn biến tình hình thực tế của từng đơn vị, địa phương. Tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản qui phạm pháp luật, cơ chế, chính sách liên quan đến công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả đảm bảo tạo thuận lợi cho các lực lượng chức năng trong thực thi nhiệm vụ.

Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tại các Bộ, ngành, địa phương. Tham mưu, đề xuất thành lập, triển khai các Đoàn kiểm tra do đồng chí Trưởng Ban, các đồng chí Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm Trưởng đoàn đi kiểm tra, nắm tình hình tại các địa phương, địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm.

Quán triệt đến Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra tại các địa bàn thành phố, thị xã, huyện, khu kinh tế cửa khẩu,... để nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của chính quyền, các lực lượng chức năng tại cơ sở để có thông tin kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và các hoạt động tuyên truyền của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Quán triệt đến các Bộ, ngành, địa phương đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng triển khai các phương án, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và theo chức năng, địa bàn, lĩnh vực quản lý; xác lập các chuyên án, kế hoạch đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm để tổ chức phối hợp bắt giữ đảm bảo kịp thời, hiệu quả.

Công tác thông tin, tuyên truyền; vận động quần chúng nhân dân đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; tăng cường phòng chống tiêu cực, tham nhũng cũng cần được đẩy mạnh. Từng bước xã hội hóa công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại thông qua việc tăng cường phối hợp, trao đổi thông tin, hỗ trợ của các hiệp hội, tổ chức, cộng đồng doanh nghiệp trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống hàng giả, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Bên cạnh đó, triệt khai mạnh mẽ công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ, phòng chống các biểu hiện tiêu cực, tham nhũng của cán bộ, công chức các lực lượng chức năng từ Trung ương đến các địa phương; chỉ đạo khen thưởng, động viên kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích, kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, có dấu hiệu, hành vi tiếp tay cho buôn lậu.