Năm 2017, giá trị hàng hóa vi phạm pháp luật hải quan tăng hơn 89%

Thái Hằng

Tính đến 15/12/2017, lực lượng kiểm soát Hải quan toàn ngành đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý 15.184 vụ vi phạm pháp luật Hải quan (giảm 1,97% so với cùng kỳ năm 2016), trị giá hàng hóa vi phạm gần 790 tỷ đồng (tăng 89,5% so với cùng kỳ năm 2016), thu nộp ngân sách nhà nước gần 335 tỷ đồng, khởi tố 51 vụ, kiến nghị cơ quan khác khởi tố 68 vụ.

Phát hiện, bắt giữ, xử lý hơn 15 nghìn vụ vi phạm pháp luật Hải quan

Kết quả phòng chống, gian lận thương mại và hàng giả trên đã ghi nhận sự chủ động và nỗ lực của các đơn vị trong toàn ngành Hải quan. Phát biểu tại buổi họp báo chuyên đề sáng ngày 28/12/2017 về một số kết quả công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới năm 2017, ông Võ Quang Khánh, Phó Cục trưởng Cục Điều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) cho biết: Trong năm 2017, hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới có nhiều diễn biến phức tạp. Các đối tượng vi phạm hoạt động với nhiều phương thức, thủ đoạn, tinh vi, liều lĩnh, tạo báo, tổ chức thành đường dây, ổ nhóm để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa vào Việt Nam.

“Qua số liệu công tác kiểm soát hải quan năm 2017 cho thấy, mặc dù số vụ vi phạm pháp luật Hải quan có giảm so với cùng kỳ năm 2016 nhưng trị giá hàng hóa vi phạm lại tăng”, khẳng định điều này, ông Võ Quang Khánh cho biết: Tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ nổi lên là hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng tạm nhập tái xuất, hàng bách hóa tiêu dùng như: Ma túy, ngoại tệ, tiền giả, pháo, rượu, bia, thuốc lá, nước giải khát, đường, gia cầm, thực phẩm, quần áo, giày dép, điện thoại di động, đồ chơi trẻ em…

Hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên tuyến đường biển, các cảng biển quốc tế tập trung vào các mặt hàng: xăng, dầu, gỗ, khoáng sản, động thực vật hoang dã, đồ điện tử, điện lạnh đã qua sử dụng…

Tại các cửa khẩu hàng không quốc tế, bưu điện quốc tế đáng chú ý là hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép các mặt hàng cấm, hàng nhỏ gọn, có giá trị cao, dễ cất dấu như: Ma túy, vũ khí, vàng, sản phẩm của động vật hoang dã, điện thoại, thuốc lá, rượu, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng…

Trước tình hình trên, với quyết tâm tích cực chủ động trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, Tổng cục Hải quan, nòng cốt là Cục Điều tra chống buôn lậu (ĐTCBL) đã bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia, Ban Chỉ đạo 138/CP và Bộ Tài chính, lực lượng hải quan đã tổ chức thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các nhiệm vụ được giao từ công tác tham mưu đến công tác đấu tranh trực tiếp, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với tội phạm buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới.

Tính đến 15/12/2017, lực lượng kiểm soát Hải quan toàn ngành đã đấu tranh, phát hiện, bắt giữ, xử lý 15.184 vụ vi phạm pháp luật Hải quan (giảm 1,97% so với cùng kỳ năm 2016), trị giá hàng hóa vi phạm gần 790 tỷ đồng (tăng 89,5% so với cùng kỳ năm 2016), thu nộp ngân sách nhà nước gần 335 tỷ đồng, khởi tố 51 vụ, kiến nghị cơ quan khác khởi tố 68 vụ.

Một số khó khăn còn tồn tại

Bên cạnh những thành tích đạt được trong công tác phòng, chống buôn lậu, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ ngành Hải quan đã vấp phải không ít khó khăn, thách thức. Điển hình như: Theo quy định tại Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định 127/2013/NĐ-CP ngày 15/10/2013, thì thẩm quyền cấp Đội, Hải Đội chỉ được tịch thu tang vật vi phạm có giá trị không vượt quá 25 triệu đồng với cá nhân và không quá 50 triệu đồng với tổ chức; thẩm quyền của cấp Cục trưởng chỉ được phạt và tịch thu hàng hóa vi phạm có giá trị không vượt quá 50 triệu đồng đối với cá nhân, 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Trong hoạt động tổ chức điều tra hình sự thì việc thu giữ, bảo quản, sử dụng vật chứng để phục vụ công tác điều tra là hết sức quan trọng, nhưng cơ quan Hải quan không được pháp luật cho phép xây dựng kho tạm giữ vật chứng, do vậy, khi thu giữ vật chứng, cơ quan Hải quan phải gửi ở cơ quan Công an nên ảnh hưởng nhất định đến tiến độ, hiệu quả điều tra vụ án.

Thời hạn điều tra theo quy định đối với lực lượng Hải quan cũng khá ngắn, vì có những vụ việc khi cơ quan Hải quan yêu cầu giám định thì chất lượng và thời hạn chưa được đảm bảo và kịp thời cho công tác điều tra và xử lý vụ án…

Định hướng cho thời gian tới

Để nâng cao năng lực, hiệu quả trong công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; Thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ được giao, thời gian tới, ngành Hải quan tập trung vào một số công tác trọng tâm sau:

Thứ nhất, bám sát quan điểm chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Ban chỉ đạo 389/QG, Ban Chỉ đạo 138/CP và chỉ đạo của Lãnh đạo Bộ Tài chính về công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả. Từ đó, xây dựng kế hoạch kiểm soát, ngăn chặn sát với tình hình thực tế cho từng địa bàn.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực thực hiện công tác quản lý Nhà nước về Hải quan nói chung và công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới nói riêng.

Thứ ba, ứng dụng khai thác triệt để công nghệ thông tin, các trang thiết bị hiện đại vào hoạt động nghiệp vụ kiểm soát hải quan; Nắm vững diễn biến tình hình tại các địa bàn trọng điểm, tăng cường công tác tham mưu, chỉ đạo; Tổ chức lực lượng đấu tranh quyết liệt, có hiệu quả với hoạt động buôn lậu, sản xuất, vận chuyển, mua bán hàng cấm, vận chuyện trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả.

Thứ tư, tiếp tục cải cách hiện đại hóa hải quan góp phần nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu…

Thứ năm, chủ động mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là các nước có chung đường biên giới trong công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả từ công tác thu thập, trao đổi thông tin, điều tra, hỗ trợ xác minh đến đào tạo tập huấn, phục cụ tốt nhất cho công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới của Hải quan Việt Nam.

Thứ sáu, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về cả bề rộng và chiều sâu về mối nguy hại của hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới, gian lận thương mại và hàng giả để mọi công dân tham gia, không tiếp tay, không bao che, không làm ngơ đối với hoạt động này.