Năm 2018: Tăng thu ngân sách 3% so với dự toán Quốc hội giao

PV.

Đó là một trong những mục tiêu về tài chính – ngân sách nhà nước (NSNN) được Chính phủ đề ra trong Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2018.

Chính phủ đặt mục tiêu tăng thu NSNN 3% so với dự toán Quốc hội giao năm 2018. Nguồn: internet
Chính phủ đặt mục tiêu tăng thu NSNN 3% so với dự toán Quốc hội giao năm 2018. Nguồn: internet

Dự thảo Nghị quyết về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2018 của Chính phủ đã đề ra một số chỉ tiêu cụ thể trong các ngành, lĩnh vực nhằm phấn đấu thực hiện thành công mục tiêu và các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 trong Nghị quyết của Quốc hội.

Theo đó, Chính phủ đặt mục tiêu năm 2018, tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,7% (Quốc hội giao từ 6,5% đến 6,7%); Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8% đến 10% (Quốc hội giao tăng từ 7% đến 8%), trong đó xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 36-37 tỷ USD; Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ khoảng 10%; Thành lập mới khoảng 135 nghìn doanh nghiệp…

Trong lĩnh vực tài chính - NSNN, Chính phủ đặt mục tiêu tăng thu NSNN 3% so với dự toán Quốc hội giao năm 2018 (Quốc hội giao dự toán thu NSNN năm 2018 là 1.319.200 tỷ đồng); Tỷ lệ nợ đọng thuế dưới 5% tổng thu; Chi đầu tư phát triển đạt 26% tổng chi NSNN, giải ngân chi đầu tư công đạt 100% dự toán Quốc hội giao; Tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi NSNN khoảng 64,1%; Dư nợ công khoảng 63,9%, nợ Chính phủ khoảng 52,5%, nợ nước ngoài của quốc gia 47,6% GDP.

Về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trong năm 2018, Chính phủ đề ra mục tiêu thực hiện đơn giản hóa, cắt giảm 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm kiểm tra chuyên ngành; Cắt giảm, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư kinh doanh; Năng lực cạnh tranh và môi trường kinh doanh đạt mức ASEAN-4.

Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ cũng đưa ra nhiều giải pháp trọng tâm cần thực hiện, cụ thể:

Thứ nhất, tăng cường kỷ luật tài chính – NSNN, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, trốn lậu thuế; Triệt để tiết kiệm chi NSNN; Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả tài sản công, nợ công; Đẩy nhanh thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm, chấn chỉnh những bất cập trong các dự án BOT.

Thứ hai, thúc đẩy xuất khẩu, đơn giản hóa thủ tục hành chính xuất nhập khẩu, nhất là kiểm tra chuyên ngành; Phát triển mạnh thị trường trong nước, xây dựng hệ thống phân phối đồng bộ và hiệu quả; Tiếp tục điều chỉnh theo lộ trình giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế; Phát triển thị trường bất động sản ổn định, bền vững.

Thứ ba, tập trung cải cách thủ tục hành chính, tạo chuyển biến mạnh mẽ về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh; Thường xuyên đối thoại, kịp thời xử lý những phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, người dân; Thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Thứ tư, đẩy mạnh cơ cấu lại NSNN và nợ công theo Nghị quyết số 07–NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về “Chủ trương, giải pháp cơ cấu lại NSNN, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững”; Cơ cấu lại đầu tư công gắn với cơ cấu lại NSNN và bảo đảm bền vững an toàn nợ công; Thu hút có chọn lọc các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.

Thứ năm, đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn theo nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch; Tạo chuyển biến căn bản trong việc xử lý các doanh nghiệp, dự án thua lỗ; Thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập gắn với thúc đẩy xã hội hóa…