Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp thực thi pháp luật trên biển

Theo customs.gov.vn

Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn, kịp thời của lãnh đạo Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, các lực lượng Hải quan, Biên phòng và Cảnh sát biển đã phối hợp chặt chẽ từ công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, quy trình nghiệp vụ, trao đổi thông tin, hiệp đồng tác chiến, phá thành công nhiều chuyên án, bắt giữ, xử lý nhiều vụ việc phức tạp, nổi cộm đến việc đào tạo, tập huấn nghiệp vụ giữa các lực lượng, góp phần không nhỏ vào việc bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống thất thu ngân sách.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet


Phối hợp chặt chẽ trên mọi mặt

Việc xây dựng, triển khai các Quy chế phối hợp

Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Hải quan xây dựng Quy chế phối hợp giữa Hải quan và Cảnh sát biển (số 10472/QC-TCHQ-BTLCSB ngày 21/8/2014) và Quy chế phối hợp giữa Hải quan và Bộ đội biên phòng (số 5000/QC-TCHQ-BTLBĐBP ngày 20/9/2012). Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi lực lượng, TCHQ, Bộ Tư lệnh BĐBP, Bộ Tư lệnh CSB đã quán triệt, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc triển khai sâu, rộng các nhiệm vụ chung đã được cụ thể hóa tại Quy chế mà hai bên đã ký kết. Quá trình thực hiện, các lực lượng đã duy trì tốt việc định kỳ sơ, tổng kết thực hiện Quy chế ở các cấp, qua đó nâng cao một bước về nhận thức và tầm quan trọng của việc thực hiện Quy chế phối hợp.

Công tác trao đổi thông tin

Thông tin cung cấp, trao đổi giữa các lực lượng rất đa dạng và phong phú từ công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật đến cơ chế, chính sách quản lý ngành, lĩnh vực đến thông tin về doanh nghiệp, hàng hóa xuất nhập khẩu, phương tiện xuất nhập cảnh… Trong đó, có nhiều thông tin nóng liên quan đến đối tượng, phương tiện buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trên biển đã được các đơn vị thông báo cho nhau, tổ chức lực lượng, phương tiện, hiệp đồng tác chiến, bắt giữ, xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm, góp phần không nhỏ vào kết quả thực thi pháp luật trên biển của ba lực lượng trong thời gian qua.

Công tác tuần tra, kiểm soát

Từ năm 2015 đến nay, lực lượng Hải quan đã phối hợp với lực lượng Biên phòng và Cảnh sát biển xây dựng kế hoạch, tổ chức lực lượng, phương tiện tổ chức 327 lượt tuần tra chung để đảm bảo thực thi pháp luật trên biển. Ngoài ra, lực lượng kiểm soát hải quan đã chủ động xây dựng kế hoạch tuần tra, kiểm soát nhằm phát hiện, xử lý kịp thời các đối tượng, phương tiện vi phạm trên tuyến đường biển.

Công tác bắt giữ, xử lý

Tính từ tháng 01/2015 đến ngày 10/5/2016, lực lượng kiểm soát hải quan đã chủ trì, phối hợp với lực lượng Bộ đội biên phòng, Cảnh sát biển phát hiện, bắt giữ 23 vụ; tang vật thu giữ 31,6 kg cocain, 90,4 kg pháo, 928 tấn than; 62.820 lít dầu DO; 2.740 lít xăng; 3.150 lít dầu Diezel; 40,2 tấn gạo; 20 loa, 11 âm ly, 04 tủ lạnh, 06 quạt, 01 máy giặt, 20 ti vi, 19 đàn, 04 đầu đĩa, 06 điều hòa, 2.000 quần áo, đồ chơi trẻ em. Kết quả bắt giữ, xử lý đã góp phần không nhỏ vào việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống thất thu ngân sách nhà nước.

Bên cạnh kết quả đạt được, quá trình thực thi nhiệm vụ, lực lượng hải quan đã gặp một số khó khăn, vướng mắc, cụ thể: Chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của lực lượng Hải quan còn hạn chế so với nhiệm vụ được giao; đội tàu chống buôn lậu trang bị cho lực lượng hải quan đã cũ, công suất nhỏ nên việc tuần tra, bắt giữ tàu buôn lậu trên biển gặp nhiều khó khăn; công tác phối hợp, chia sẻ thông tin, tuần tra kiểm soát tại một số đơn vị chưa thực sự hiệu quả trong khi đó các đối tượng buôn lậu hoạt động ngày càng tinh vi, liều lĩnh, manh động, trang bị xuồng cao tốc công suất cực lớn để vận chuyển hàng lậu và sẵn sàng chống trả lại các lực lượng chức năng khi bị truy đuổi, bắt giữ. Bên cạnh đó, một số quy định tại Nghị định 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 và Thông tư 09/2016/8TT-BQP ngày 03/02/2016 có sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ với cơ quan Hải quan trong việc kiểm tra, giám sát, kiểm soát phương tiện vận tải xuất, nhập cảnh, hàng hóa xuất, nhập khẩu tại các địa bàn nói chung và tuyến đường biển nói riêng.

Giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phối hợp thực thi pháp luật trên biển

Để tăng cường có hiệu quả công tác thực thi pháp luật trên biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chống thất thu ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp sau:

Thứ nhất: Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính cần tiếp tục quán triệt, chỉ đạo lực lượng Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển bám sát quan điểm, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tội phạm, phòng, chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới. Thường xuyên tăng cường tuyên truyền, phổ biến chỉ đạo của lãnh đạo hai Bộ nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sỹ các lực lượng, quyết tâm, không để sót, lọt đối tượng tội phạm, tích cực đấu tranh với các hành vi sai trái làm ảnh hưởng đến chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, an ninh kinh tế và toàn vẹn lãnh thổ.

Thứ hai: Hai ngành Tài chính, Quốc phòng cần đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các lực lượng Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển trong công tác phòng, chống tội phạm trên biển.

Thứ ba: Chỉ đạo Tổng cục Hải quan, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng và Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đẩy mạnh công tác thu thập, chia sẻ thông tin, tổ chức tuần tra kiểm soát, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh triệt để với hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, vi phạm pháp luật trên biển, tập trung vào các đường dây, ổ nhóm, các đối tượng chủ mưu, cầm đầu.

Thứ tư: Đề nghị Chính phủ đầu tư, trang bị đội tàu công suất lớn cho lực lượng hải quan, tăng cường đầu tư, trang bị phương tiện như ống nhòm đêm, tàu, xuồng cao tốc trang cấp cho lực lượng kiểm soát hải quan. Đồng thời kiến nghị Quốc hội, Chính phủ nâng mức xử phạt đối với hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển.

Thứ năm: Bộ Tài chính và Bộ Quốc phòng cần họp, bàn, tháo gỡ vướng mắc để tăng cường sự phối hợp hiệu quả giữa các lực lượng chức năng, nhiệm vụ lực lượng Hải quan và Biên phòng đảm bảo công tác phối hợp giữa các lực lượng tại khu vực biên giới, cửa khẩu vẫn được gắn bó, bền chặt, tình hình an ninh, an toàn biên giới vẫn được giữ vững. Chủ động hơn nữa trong việc phối hợp với chính quyền địa phương, các lực lượng chức năng như Công an, Quản lý thị trường, Nông nghiệp, Y tế nhằm phát hiện, bắt giữ, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên tuyến đường biển.

Thứ sáu: Đề nghị Bộ GTVT lắp hệ thống giám sát, định vị đối với tàu cá, tàu hàng nội địa và chia sẻ thông tin cho lực lượng Hải quan, Biên phòng, Cảnh sát biển để tổ chức theo dõi, giám sát hoạt động nghi ngờ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa trên biển.