Nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho công chức Kho bạc Nhà nước địa phương

ThS. Nguyễn Ngọc Đản

Để thực hiện Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2020, thời gian qua công nghệ thông tin (CNTT) đã được áp dụng mạnh mẽ vào hoạt động của hệ thống KBNN.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet.
Ảnh minh họa. Nguồn: internet.

Hầu như các phần hành nghiệp vụ,các hoạt động quản lý, quản trị nội bộ đã được tin học hóa, qua đó đã giúp hệ thống KBNN hoàn thành tốt nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của công cuộc đồi mới và hội nhập quốc tế. Tuy nhiện, đội ngũ công chức chuyên môn có trình độ không đồng đều, công chức tại KBNN địa phương hiện nay đang tồn tại một số vấn đề cần có hướng đào tạo, bồi dướng cho phù hợp.

Trong thời gian qua, KBNN đã xây dựng được hệ thống ứng dụng CNTT cơ bản cốt lõi, phục vụ cho công tác quản lý quỹ NSNN, quỹ tài chính nhà nước và các quỹ nhà nước giao KBNN quản lý, công tác kế toán NSNN và hoạt động nghiệp vụ KBNN và công tác thanh toán giữa các đơn vị trong hệ thống KBNN và với các ngân hàng, phục vụ một phần công tác quản lý nội bộ KBNN (tài chính kế toán nội bộ, quản lý cán bộ, văn bản điện tử...).

Việc phát triển các chương trình ứng dụng đang chuyển dần từ mô hình phân tán cơ sở dữ liệu (CSDL) ở từng đơn vị KBNN sang mô hình CSDL tập trung tại Trung ương đã và đang là nền tảng cho việc tổng hợp thông tin một cách nhanh chóng, chính xác.

Trong quá trình xây dựng và triển khai các chương trình ứng dụng, thông qua tác động của công nghệ, nhiều quy trình tác nghiệp đã được cải tiến, đổi mới nhằm rút ngắn thời gian thực hiện và đơn giản hóa nhiều khâu công việc góp phần đẩy nhanh tốc độ xử lý và cải cách thủ tục hành chính.

Bên cạnh đó, KBNN đã thiết lập hệ thống hạ tầng CNTT tương đối mạnh, tạo cơ sở cho việc ứng dụng các chương trình phần mềm. Hệ thống máy chủ, máy trạm, máy in, thiết bị  tin học đã được kết nối hình thành nên mạng CNTT diện rộng toàn ngành KBNN, kết nối với mạng cục bộ của các đơn vị KBNN cấp huyện, tỉnh và Trung ương trong môi trường mạng truyền thông thống nhất ngành Tài chính tốc độ cao, là nền tảng vững chắc cho việc vận hành các chương trình phần mềm ứng dụng của hệ thống KBNN.

Sự hình thành Trung tâm dữ liệu tập trung hiện đại, đặt tại trụ sở cơ quan KBNN, cùng với chiến lược xây dựng các ứng dụng sử dụng cơ sở dữ liệu tập trung đặt tại Trung tâm dữ liệu, thì khả năng sẵn sàng của hệ thống CNTT KBNN cho việc vận hành một hệ thống quản lý hiện đại đang dần được cải thiện.

KBNN cấp tỉnh giữ vai trò là trung tâm truyền thông ngành Tài chính cho các đơn vị cấp tỉnh, cấp huyện. Với việc đầu tư hệ thống nguồn tập trung 24/24 và các điều kiện khác, đã không chỉ tạo cơ sở hạ tầng truyền thông để các chương trình của KBNN vận hành ổn định mà còn đáp ứng yêu cầu sẵn sàng về truyền thông của toàn ngành Tài chính.

Có thể nói, bằng sự phát triển của công nghệ, của hạ tầng truyền thông, KBNN đã trở thành lực lượng tiên phong trong ngành Tài chính áp dụng mạnh mẽ CNTT vào các hoạt động quản lý và tác nghiệp nghiệp vụ của ngành. Hiện nay tại mỗi đơn vị KBNN, CNTT đã hiện diện tại tất cả các phần hành công việc, hầu như mọi công chức nghiêp vụ đều cần có máy tính cá nhân để làm việc. Điều đó muốn nói rằng, các hoạt động tương tác với máy tính và chương trình ứng dụng đã chiếm phần lớn hoạt động tác nghiệp của công chức nghiệp vụ hệ thống KBNN.

Thời gian làm việc với máy tính và mạng máy tính đã chiếm tỷ trọng lớn trong làm việc thời gian làm việc hàng ngày. Có thể nói CNTT nói chung, tin học nói riêng đã trở thành một phần lực lượng sản xuất của hệ thống KBNN.

Do đó muốn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của hệ thống KBNN, cũng như Chiến lược phát triển của hệ thống KBNN, xây dựng KBNN trở thành Kho bạc điện tử, thì năng lực tin học của công chức KBNN cũng là vấn đề rất thiết yếu trong xây dựng cấu trúc nền tảng CNTT hiện nay.

Thực trạng trình độ tin học của công chức KBNN địa phương

Có thể nói hiện nay đội ngũ công chức chuyên môn về cơ bản đều đã nắm bắt, khai thác và sử dụng các phần mềm ứng dụng trong thực hiện nhiệm vụ. Đối với công chức tin học có kiến thức và kỹ thuật khá vững. Tuy nhiên trình độ tin học của công chức kho bạc địa phương hiện nay đang tồn tại một số vấn đề sau:

Đối với công chức chuyên môn: Khi được tuyển dụng vào hệ thống KBNN, mỗi công chức đều đạt trình độ tin học cơ bản ở mức nhất định (chứng chỉ Tin học Văn phòng A, B…) và đạt yêu cầu khi được kiểm tra qua thi tuyển. Nhưng cũng một thực trạng cho thấy, những kiến thức tin học được sử dụng khá hạn chế trong khi tác nghiệp.

Phần vì những kiến thức tin học được đào tạo cũng là khá ít ỏi, trang bị kiến thức cơ bản về CNTT và chiếm phần nhỏ về tin học văn phòng, dần dần bị mai một do không được sử dụng thường xuyên, phần vì ứng dụng CNTT trong hoạt động nghiệp vụ KBNN đòi hỏi người sử dụng phải được trang bị những kỹ năng và mức độ cao hơn so với trình độ đào tạo được cấp chứng chỉ.

Nói cách khác là cần phải được đào tạo lại để có thể sử dụng có hiệu quả các phần mềm nghiệp vụ của ngành, cũng như môi trường làm việc đặc thù của hệ thống KBNN.

Thực tế cho thấy, trình độ tin học của công chức tại các đơn vị KBNN địa phương hiện nay còn khiếm khuyết khá nhiều kiến thức về thiết bị máy tính và cách sử dụng thiết bị máy tính an toàn, hiệu quả; hạn chế khả năng phát hiện lỗi và khắc phục lỗi cơ bản của hệ điều hành, của phần mềm ứng dụng; hạn chế cả về kỹ năng tương tác và cách bảo quản máy tính, bảo dưỡng máy tính. Dẫn tới năng lực và hiệu quả làm việc với chương trình và thiết bị CNTT là khá hạn chế, chưa đáp ứng tốt nhu cầu hiện tại và chưa đồng hành với tiến độ phát triển CNTT của hệ thống KBNN.

Đối với công chức tin học chuyên trách: Hiện nay, tại mỗi kho bạc tỉnh đều có phòng Tin học với biên chế 4-5 công chức, có trình độ đại học hoặc cao đẳng về CNTT. Tại các kho bạc huyện, có phân công một công chức thuộc tổ Kế toán Nhà nước (hoặc tổ Tổng hợp hành chính) kiêm nhiệm công tác tin học, công chức này thì phần lớn không có trình độ chuyên ngành CNTT, mà hầu hết chỉ đạt trình độ Tin học Văn phòng A, B.

Hiện nay, mặc dù phần lớn các chương trình ứng dụng đã tập trung tại KBNN trung ương, vai trò của tin học kho bạc cấp tỉnh đối với quản trị phần mềm ứng dụng đã trở nên nhẹ nhàng hơn, tuy nhiên về mặt kỹ thuật lực lượng Tin học tại KBNN tỉnh vẫn đóng vai trò rất quan trọng đối với việc duy trì sự định và thông suốt hệ thống CNTT và các chương trình ứng dụng.

Do vậy cần phải căn cứ vào tình hình thực tế và hướng phát triển, mô hình quản lý của hệ thống KBNN về CNTT mà cần có hướng tuyển dụng, bố trí và đào tạo, bồi dưỡng cán bộ CNTT cho phù hợp, trong đó công tác đào tạo và bồi dưỡng, cập nhật kiến thức là hết sức quan trọng và cần thiết.

Yêu cầu trình độ CNTT của công chức KBNN

Đối với công chức chuyên môn: Để đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, mỗi công chức KBNN cần phải đạt trình độ tin học chủ yếu: Kiến thức về hệ điều hành; kiến thức các phần mềm nói chung và phần nghiệp vụ chuyên ngành; về cấu tạo thiết bị tin học, sử dụng thiết bị tin học; tin học văn phòng; về bảo mật và an toàn thông tin hệ thống KBNN.

Mức độ khối kiến thức đó cũng cần phải được đào tạo từ mức cơ bản cho đến mức chuyên sâu tùy theo vị trí công tác và cũng cần được bồi dưỡng và cập nhật, nâng cao một cách thường xuyên.

Đối với công chức tin học chuyên trách: Ngoài trình độ chuyên môn như hiện nay cần đào tạo kỹ năng quản lý hành chính trong lĩnh vực tin học của hệ thống KBNN, thường xuyên cập nhật kiến thức quản trị mạng, quản trị ứng dụng…

Nói cách khác, mỗi công chức tin học chuyên trách phải đảm bảo nắm chắc các nhiệm vụ và thực hiện tốt chức năng của phòng Tin học, có phong cách, phương thức làm việc chuyên nghiệp; có khả năng quản lý, quản trị hệ thống mạng, hạ tầng truyền thông cũng như các phần mềm ứng dụng một cách hiệu quả. Trong đó cần chú ý:

Đối với mảng chuyên môn kỹ thuật: Cần đi sâu về quản lý bảo dưỡng, bảo trì hệ thống trang thiết bị tin học; công chức phòng Tin học phải tự đảm nhận được công tác sửa chữa trang thiết bị tin học, không phải đem thuê ngoài vừa tốn kém chi phí vừa không đảm bảo về an toàn bảo mật. Đây cũng là mảng công việc mà chưa được quan tâm đào tạo cho công chức tin học.

Đối với công việc quản lý, tham mưu cho lãnh đạo: Phòng Tin học phải nắm vững các quy định của hệ thống KBNN về lĩnh vực tin học, bên cạnh đó phải thực hiện tốt được quản trị nội bộ của phòng.

Công việc của phòng Tin học có đặc thù khác với các phần hành công việc các phòng đó là hoạt động, xử lý công việc của phòng mang nặng tính kỹ thuật, sự tác nghiệp có tính đơn lẻ. Vai trò giám sát thực hiện công việc của của lãnh đạo đối với việc thực hiện nhiệm vụ của thành viên trong phòng rất hạn chế, khó thực hiện, trong khi tính chất công việc lại rất phức tạp và khó quan sát được.

Do vậy để thực hiện quản trị nội bộ hoạt động của phòng nói chung, hay quá trình thực hiện nhiệm vụ của các thành viên trong phòng trong quá trình tác nghiệp đòi hỏi phải có kỹ năng và phương pháp riêng đặc thù và chuyên nghiệp.

Một số giải pháp thực hiện

Phải thường xuyên đào tạo, cập nhập kiến thức cho công chức, viên chức của hệ thống KBNN về CNTT. Đối với KBNN địa phương, chức trách nhiệm vụ của Phòng Tin học cần được hoàn thiện hơn. Phòng tin học phải phát huy vai trò của mình trong đào tạo, cập nhập kiến thức cho công chức, viên chức của hệ thống KBNN về CNTT.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, phòng Tin học cần tập hợp những vấn đề vướng mắc, những lỗi kỹ thuật… thường gặp phải trong quá sử dụng máy tính, sử dụng phần mền ứng dụng để tham mưu cho lãnh đạo có kế hoạch đào tạo, cập nhật, bổ sung kiến thức, kỹ năng cho công chức, viên chức.

Bên cạnh đó, cần có chương trình đào tạo nâng cao và cập nhật kiến thức CNTT bảo đảm tính kịp thời và đồng nhất với yêu cầu sử dụng và vận hành của các thiết bị và chương trình ứng dụng CNTT theo tiến độ phát triển một cách tối ưu và thiết thực.

Phòng Tin học kho bạc tỉnh cần xây dựng quy trình quản lý, quản trị nội bộ khoa học, minh bạch. Vừa đảm bảo đơn giản, thuận tiện trong phối hợp thực hiện nhiệm vụ với các phòng và kho bạc huyện, nhưng cũng đảm bảo được sự thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của phòng Tin học đối với người dùng cũng như công chức của phòng Tin học trong quá trình tác nghiệp.

Cục công nghệ thông tin KBNN xây dựng, hoàn thiện các tiêu chí chuẩn hóa các vị trí công việc trong phòng Tin học KBNN tỉnh để làm cơ sở bố trí luân phiên công việc. Định kỳ tổ chức thi kiểm tra đánh giá năng lực của mỗi công chức tin học, để thúc đẩy công chức tin học tự học tập nâng cao trình độ cũng như có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng công chức tin học theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại.

KBNN cần tăng chế độ phụ cấp cho người làm công tác phụ trách tin học KBNN huyện để động viên khuyến khích, đồng thời phải chuẩn hóa chức danh và trình độ chuyên môn của phụ trách tin học kho bạc huyện. Cũng như có kế hoạch đào tạo bồi dưỡng để cán bộ tin học huyện thực hiện tốt nhiệm vụ.

KBNN xây dựng cơ chế cho công tác sửa chữa thiết bị tin học theo hướng giao cho phòng Tin học KBNN tỉnh tự sửa chữa. Có định hướng nâng cao trình độ cho cán bộ tin học về kỹ thuật sửa chữa, trên cơ sở đào tạo tập trung hoặc cho phép tự liên hệ học. Qua đó sẽ nâng cao trình độ cán bộ tin học, giảm thời gian chờ đợi sửa chữa, giảm chi phí, đảm bảo được an toàn bảo mật.

Có thể thấy rằng, với sự phát triển mạnh mẽ như “vũ bão” của khoa học kỹ thuật, của CNTT và với mục tiêu xây dựng Kho bạc điện tử, thì việc áp dụng CNTT vào trong hoạt động của KBNN sẽ ngày càng nhiều hơn nữa. CNTT, tin học sẽ trở thành lực lượng lao động không thể thiếu và chiếm phần lớn trong hoạt động của hệ thống KBNN; sự giao tiếp, tương tác giữa công chức (người sử dụng ) với máy tính, mạng máy tính… sẽ ngày càng nhiều hơn, sâu hơn. Điều đó đòi hỏi người sử dụng phải hiểu biết hơn về máy tính, mạng máy tính, kỹ thuật phần mềm, biết sử dụng máy tính đúng cách…

Nói cách khác, người sử dụng phải thân thiện hơn, đồng cảm hơn và tương tác với máy tính tốt hơn. Có như vậy mới giao tiếp, hợp tác, xử lý công việc hiệu quả hơn. Năng lực, trình độ về CNTT của công chức, viên chức KBNN, là nhân tố góp phần thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược phát triển của hệ thống KBNN, đẩy nhanh quá trình xây dựng kho bạc điện tử.