Nâng cao vai trò, vị trí của Thanh tra Tài chính trong tình hình mới

NCS. Hoàng Ngọc Sơn - Thanh tra Bộ Tài chính

Trải qua 71 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Thanh tra Tài chính đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Đồng chí Trần Văn Vượng - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính phát biểu khai mạc Hội nghị  tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ công chức làm công tác thanh tra Bộ 2017. Nguồn: mof.gov.vn
Đồng chí Trần Văn Vượng - Chánh Thanh tra Bộ Tài chính phát biểu khai mạc Hội nghị tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ công chức làm công tác thanh tra Bộ 2017. Nguồn: mof.gov.vn

Trong mỗi giai đoạn lịch sử, Ngành luôn chủ động bám sát mọi chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao; kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính và kiến nghị với các ngành, các cấp nhằm chấn chỉnh hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, hoàn thiện cơ chế quản lý về tài chính trên mọi mặt của đời sống xã hội. 

Lịch sử và truyền thống Thanh tra Tài chính

Ngay từ những ngày đầu Cách mạng tháng Tám thành công, trong Tuyên cáo của Chính phủ Lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà công bố Chính phủ Lâm thời (nội các thống nhất quốc gia) ngày 28/8/1945, đã nêu Bộ Tài chính do ông Phạm Văn Đồng làm Bộ trưởng.

Ngày 20/11/1945, Bộ trưởng Bộ Tài chính Phạm Văn Đồng đã ký Nghị định số 56/TC cử ông Lê Trần Đức làm Tổng Thanh tra Tài chính. Kể từ đó, ngày 20/11 hàng năm được chọn làm Ngày truyền thống của Thanh tra Tài chính Việt Nam. Ngày 29/5/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 75-SL quy định tổ chức bộ máy Bộ Tài chính, tại Điều 1 và Điều 6 quy định thành lập Nha Thanh tra Tài chính.

Ngày 14/4/1948 Chủ tịch Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hoà Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 159/SL ấn định nhiệm vụ của Nha Tổng Thanh tra Tài chính. Sắc lệnh quy định, nhiệm vụ của Nha Tổng thanh tra tài chính bao gồm: Chấn chỉnh và hợp lý hoá công việc kế toán của các cơ quan các cấp; thanh tra kiểm soát việc thi hành thể lệ kế toán và tài chính của cơ quan trực tiếp hay gián tiếp dưới quyền điều khiển của Chính phủ; điều tra những việc có liên quan đến tài chính và kế toán để lập bảng kê. Khi thừa hành nhiệm vụ, Thanh tra Tài chính có giấy uỷ nhiệm của Tổng Thanh tra Tài chính, được hưởng đặc quyền tài phán định đoạt sự truy tố thuộc quyền của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Trải qua 71 năm xây dựng và trưởng thành, đến nay ngành Thanh tra Tài chính đã có những đóng góp quan trọng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Trong mỗi giai đoạn lịch sử, Ngành luôn chủ động bám sát mọi chủ trương, đường lối lãnh đạo của Đảng và Nhà nước để phấn đấu thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị được giao. Kết quả công tác thanh tra đã giúp phát hiện những bất cập, hạn chế nảy sinh trong cơ chế quản lý kinh tế - xã hội, đặc biệt là trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta.

Trên cơ sở đó, Thanh tra Tài chính đã kịp thời tham mưu cho lãnh đạo Bộ Tài chính và kiến nghị với các ngành, các cấp nhằm chấn chỉnh hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, qua đó hoàn thiện cơ chế quản lý về tài chính trên mọi mặt của đời sống xã hội. Thanh tra Tài chính cũng đã phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật xảy ra trên nhiều lĩnh vực quản lý nhà nước, qua đó giúp thu hồi tiền, tài sản về cho Nhà nước, bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của tổ chức, cá nhân và góp phần duy trì trật tự, kỷ cương xã hội.

Nghị định số 82/2012/NĐ-CP ngày 9/10/2012 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động Thanh tra Tài chính có hiệu lực thi hành kể từ ngày 25/11/2012. Các quy định đề cập trong Nghị định 82/2012/NĐ-CP là cơ sở pháp lý quan trọng cho việc triển khai tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác thanh tra ngành Tài chính, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý của ngành Tài chính trong giai đoạn hiện nay.

Nâng cao vai trò, vị trí của Thanh tra Tài chính trong tình hình mới - Ảnh 1
 Các tổ chức Thanh tra Tài chính và cơ quan thực hiện chức năng thanh tra tài chính được thành lập từ Trung ương đến cấp huyện. Nghị định quy định, cơ quan thanh tra nhà nước là Thanh tra Bộ Tài chính và Thanh tra Sở Tài chính; các cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành ở cấp Tổng cục, Cục thuộc Bộ Tài chính gồm: Tổng cục Thuế; Tổng cục Hải quan; Tổng cục Dự trữ Nhà nước; Kho bạc Nhà nước; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước; Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm. Ở cấp Cục thuộc Tổng cục gồm: Cục Thuế; Cục Hải quan; Cục Dự trữ Nhà nước khu vực; Kho bạc Nhà nước ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực thuộc Kho bạc Nhà nước. Ở cấp Chi cục có chi cục Thuế…

Nâng cao vai trò, vị trí của Thanh tra Tài chính

Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến kiện toàn tổ chức, hoạt động của ngành Thanh tra và đã đề ra nhiều chủ trương, định hướng chỉ đạo về vấn đề này. Cụ thể như: Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, Nghị quyết 48/2005/NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020; Nghị quyết Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Kết luận Hội nghị Trung ương 5 (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; Nghị quyết 21/2009/NQ-CP ngày 12/5/2009 ban hành Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020… Trong đó nêu rõ: Cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra của cấp trên đối với cấp dưới, bảo đảm mọi hoạt động đều chịu sự thanh tra, kiểm tra của Chính phủ; Tăng cường tính độc lập và chịu trách nhiệm của cơ quan thanh tra; Đổi mới phương thức hoạt động của cơ quan thanh tra theo hướng cơ quan theo cấp hành chính chuyển mạnh sang thực hiện chức năng giám sát, đánh giá hành chính và tăng cường thanh tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ công vụ, thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng, cơ quan theo ngành, lĩnh vực tập trung vào thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân; tăng cường hiệu lực thi hành các kết luận của cơ quan...

Hội nhập và toàn cầu hóa tạo điều kiện để Thanh tra Tài chính hợp tác, học tập, trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức, cơ quan của các nước tiên tiến trên thế giới về công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực tài chính. Bên cạnh đó, cũng thu hút được nguồn vốn tài trợ của nước ngoài để tăng cường năng lực tổng thể cho Thanh tra Bộ Tài chính.

Nắm bắt được tinh thần chỉ đạo của Đảng và Nhà nước trong thời kỳ mới, Thanh tra Tài chính đã có những sự thay đổi, điều chỉnh thích hợp trong tổ chức bộ máy, công việc nhằm đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra  đối với các cấp trong lĩnh vực tài chính. Nhận thức “Sức mạnh của thương hiệu (uy tín) là nền tảng cho sự tồn tại và phát triển”, Thanh tra Tài chính đã xây dựng cho mình các chiến lược cụ thể cũng như đặt ra các tiêu chí cụ thể trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ chính trị, đó là “chuyên nghiệp, minh bạch, hiện đại”:

- Chuyên nghiệp: Có đầy đủ năng lực, kiến thức chuyên môn và kỹ năng thành thạo; luôn tận tâm trong công việc và thân thiện với đối tượng thanh tra.

- Minh bạch: Thực hiện công tác thanh tra rõ ràng, công khai, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của mọi tổ chức, cá nhân.

- Hiện đại: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; ứng dụng các kỹ năng, phương pháp tiên tiến về đánh giá, phân tích rủi ro trong quản lý; chuẩn hóa các quy trình, quy chế, các kỹ năng nghiệp vụ về thanh tra, kiểm tra, báo cáo.

Nhờ nỗ lực trên, đến nay Thanh tra Tài chính đã định vị cho mình là một trong những đơn vị dẫn đầu trong thanh tra, kiểm tra tài chính, kiến nghị, tham mưu, giúp lãnh đạo Bộ Tài chính chấn chỉnh hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật, qua đó hoàn thiện cơ chế quản lý về tài chính trên mọi mặt của đời sống xã hội.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, việc định vị thương hiệu, uy tín của Thanh tra Tài chính hiện vẫn còn khá rời rạc và chưa được như kỳ vọng, bởi những lý do sau:

i) Thanh tra Tài chính là cơ quan hành chính nhà nước, sử dụng kinh phí 100% từ ngân sách nhà nước, nên không được dùng kinh phí để thực hiện quảng bá thương thương hiệu trên phương thông tin đại chúng.

ii) Việc xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm thường phải phụ thuộc vào kế hoạch của Thanh tra Chính phủ và Kiểm toán Nhà nước lập trước đó.

iii) Cạnh tranh gay gắt chống trùng lắp, chồng chéo của việc lập và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra của Thanh tra Tài chính với cơ quan Kiểm toán Nhà nước và cơ quan Thanh tra khác.

iv) Yêu cầu về chất lượng của mỗi cuộc thanh tra ngày càng cao…

Một số đề xuất, khuyến nghị

Nhằm khẳng định hơn nữa vị trí và vai trò của Thanh tra Tài chính trong bối cảnh hiện nay, xin đề xuất một số giải pháp sau:

- Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện về thể chế cũng như bộ máy tổ chức của hệ thống Thanh tra ngành Tài chính, đảm bảo sự tinh gọn, thống nhất, năng động và hiệu quả.

- Xây dựng một đội ngũ thanh tra tài chính thật sự trong sạch, vững mạnh, vừa hồng, vừa chuyên; Mỗi cán bộ Thanh tra Tài chính phải thực sự là người có năng lực, có đạo đức trong sáng, có kỹ năng nghiệp vụ giỏi và có bản lĩnh chính trị vững vàng, sẵn sàng đảm nhận và hoàn thành tốt nhất mọi nhiệm vụ được giao.

- Thường xuyên có sự đổi mới về nội dung cũng như phương thức hoạt động; Phân tích, nắm bắt kịp thời những diễn biến của tình hình kinh tế xã hội; Bám sát các yêu cầu, nhiệm vụ về quản lý tài chính-ngân sách của đất nước, của Bộ Tài chính và của nghành Tài chính, để tổ chức triển khai các hoạt động thanh tra, kiểm tra đạt hiệu quả cao nhất.

- Từng bước hiện đại hóa công tác thanh tra, kiểm tra thông qua việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; Ứng dụng các kỹ năng, phương pháp tiên tiến về đánh giá, phân tích rủi ro trong quản lý; Chuẩn hóa các quy trình, quy chế, các kỹ năng nghiệp vụ về thanh tra, kiểm tra, báo cáo.

- Thiết lập mối quan hệ chặt chẽ, thường xuyên giữa các tổ chức trong hệ thống Thanh tra Tài chính; giữa Thanh tra ngành Tài chính với các cơ quan Thanh tra, Kiểm toán, Công an, Tòa án, Kiểm sát.. và các cơ quản lý nhà nước khác ở Trung ương, địa phương cũng như cơ quan bảo vệ pháp luật, để xử lý những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai công tác thanh tra, kiểm tra và đặc biệt là trong việc xử lý sau thanh tra, xử lý những vi phạm pháp luật cũng như những bất cập trong cơ chế chính sách phát hiện qua công tác thanh tra, kiểm tra.

- Đẩy mạnh và tăng cường hợp tác học tập, trao đổi kinh nghiệm hơn nữa với các tổ chức và cơ quan của các nước tiên tiến trên thế giới về công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực quản lý tài chính, ngân sách quốc gia.      

Tài liệu tham khảo:

1. Phạm Sỹ Danh, Thanh tra tài chính là công cụ thiết yếu trong công tác quản lý Tài chính - Ngân sách nhà nước, mof.gov.vn, ngày 25/11/2008;

2. Thanh Hoa, Thanh tra Tài chính: Góp phần tích cực tăng cường kỷ cương, kỷ luật tài chính - ngân sách, Tạp chí Tài chính, ngày 29/4/2015;

3. Thanh tra Bộ Tài chính: Tăng cường công tác thanh tra tài chính ngân sách nhà nước, https://stc.quangbinh.gov.vn/3cms/thanh-tra-bo-tang-cuong-cong-tac-thanh-tra-tai-chinh-ngan-sach-nha-nuoc.htm.