Ngành đường sắt "ôm" quỹ đất khổng lồ nhưng khai thác chưa hiệu quả?

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Quản lý trên 6.000 ha đất công, ngành Đường sắt (ĐS) đang sử dụng một khối tài sản nhà nước rất lớn. Thế nhưng, cũng vì không tách bạch giữa quỹ đất là hạ tầng ĐS và quỹ đất phục vụ kinh doanh, nên khối tài sản khổng lồ này vẫn chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả.

Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải trong việc xây dựng dự thảo Nghị định.
Ông Eric Sidgwick, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam đánh giá cao sự phối hợp giữa Bộ Tài chính và Bộ Giao thông vận tải trong việc xây dựng dự thảo Nghị định.

Theo thống kê, hàng năm, ngành ĐS chỉ thu về được 350 tỷ đồng, trong khi ngân sách nhà nước (NSNN) vẫn phải cấp bù khoảng 1.200 tỷ đồng mỗi năm để thực hiện bảo trì… Từ những bất cập này, Bộ Tài chính đã phối hợp với Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tổ chức hội thảo diện hẹp lấy ý kiến chodự thảo nghị định quy định việc quản lý, sử dụng và kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt (TSKCHTĐS).

Mục tiêu của nghị định là mọi TSKCHTĐS đều được Nhà nước giao cho đối tượng quản lý, sử dụng và kinh doanh. Việc kinh doanh thực hiện theo cơ chế thị trường, từng bước tính đúng, tính đủ chi phí nhằm bảo đảm và phát triển loại tài sản (TS) này.

Thiếu minh bạch

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Thoa- Phó Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, phương thức vận tải ĐS có rất nhiều lợi thế chỉ sau vận tải đường thủy (giá thành thấp, vận chuyển khối lượng lớn, an toàn). Nhưng trong suốt thời gian dài, hệ thống hạ tầng ĐS không những không được đầu tư phát triển mở rộng, mà thậm chí còn bị thu hẹp. Năng lực vận tải ĐS rất thấp, chỉ đạt khoảng 4,5% tổng lượng vận tải hành khách và khoảng 1,8% tổng lượng vận tải hàng hóa.

Ông Eric Sidgwick- Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết, thời gian tới cần phải tập trung vào phát triển để khai thác tiềm năng, thế mạnh của ngành đường sắt. Ứớc tính giai đoạn 2016- 2020 cần tới 10 tỷ USD để đầu tư vào hệ thống đường sắt của VN. Qua các hoạt động cải cách thì các cơ chế cần được thay đổi để thu hút nguồn lực từ tư nhân.


ADB đánh giá cao sự hợp tác giữa Bộ Tài chính và Bộ Giao thôngvận tảitrong việc phối hợp thực hiện. ADB sẽ hỗ trợ kỹ thuật trong soạn thảo kế hoạch này. ADB đã và đang hỗ trợ phát triển hạ tầng Việt Nam trong 2 thập kỷ qua thông qua việc cấp vốn, truyền tải kinh nghiệm từ các quốc gia phát triển.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là chưa có sự thống nhất về phân loại tài sản kết cấu hạ tầng ĐS.

Về lý thuyết, tuy cùng là nhóm tài sản hạ tầng, nhưng tính chất hoạt động, sử dụng, kinh doanh khác nhau thì phương thức quản lý, mức thu, giá thuê phải khác nhau.

Tuy nhiên, trên thực tế, việc tách bạch mục đích sử dụng quỹ đất này lại chưa rõ ràng, dẫn đến áp dụng thu đối với từng loại tài sản hạ tầng chồng chéo, khó kiểm soát.

Theo Bộ Tài chính, trong 6.000 ha đất công được giao, quỹ đất công trình hạ tầng ĐS chiếm tới 90%. Quỹ đất sử dụng vào mục đích liên doanh, liên kết để tạo vốn phát triển ĐS chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chỉ 0,16%. Các kho hàng, bãi hàng có diện tích khiêm tốn, khối lượng xếp dỡ hàng hóa ít, nhỏ lẻ.

Trong khi, theo quy định hiện hành, Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng với quỹ đất phục vụ mục đích công cộng. Đất sử dụng vào mục đích sản xuất - kinh doanh phải nộp tiền thuê đất.

Thế nhưng, việc thiếu tách bạch giữa đất phục vụ hạ tầng và đất phục vụ kinh doanh nên quỹ đất của ngành ĐS quản lý được bao cấp hoàn toàn.

Hướng tới xã hội hóa hạ tầng đường sắt

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí cho biết, nhiệm vụ đặt ra lúc này là phải khẩn trương đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, hiện đại hóa các tuyến giao thông đường sắt; cũng như đổi mới cơ chế quản lý, sử dụng, bảo trì và khai thác hạ tầng hiện có, nhằm duy trì năng lực phục vụ hiện tại và kéo dài tuổi thọ của các công trình.

Để thực hiện được nhiệm vụ này rất cần những cơ chế cụ thể cho phép ngành ĐS được khai thác, kinh doanh các tài sản (TS) như đất đai, kho bãi, nhà ga được Nhà nước giao và tổ chức các dịch vụ hỗ trợ vận tải khác.

Tại dự thảo nghị định, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ các quy định giao đất và các TS khác thuộc KCHTĐS cho các doanh nghiệp để tăng tính tự chủ và hiệu quả sản xuất kinh doanh.

Cụ thể, đối với quỹ đất gắn với công trình kết cấu hạ tầng đường sắt trực tiếp liên quan đến chạy tàu, Nhà nước giao đất cho cơ quan quản lý chuyên ngành về đường sắt theo quy hoạch. Kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch đường sắt được duyệt theo hình thức giao đất không thu tiền sử dụng đất.

Đối với quỹ đất không trực tiếp liên quan đến chạy tàu sẽ để doanh nghiệp thuê đất với Nhà nước; trong đó đất sử dụng vào mục đích công cộng được miễn tiền thuê đất, đất sử dụng vào mục đích sản xuất kinh doanh có thu tiền thuê đất theo quy định.

Theo Bộ Tài chính, quy định này phù hợp với quy định tại pháp luật đất đai hiện hành và tăng tính tự chủ động cho doanh nghiệp kinh doanh.

Cũng theo Bộ Tài chính, để khắc phục tồn tại và hướng tới việc kinh doanh TSKCHTĐS dần theo cơ chế thị trường, dự thảo nghị định quy định: Việc sử dụng, kinh doanh TS được thực hiện thông qua hợp đồng cho thuê TS ký giữa cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về đường sắt với doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường sắt.

TSKCHTĐS trực tiếp liên quan đến chạy tàu sẽ quy định lộ trình, dự kiến giai đoạn đầu (hết năm 2020) ký hợp đồng cho thuê TS trực tiếp với Tổng công ty ĐS Việt Nam.

Giai đoạn tiếp theo thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu. Đây là bước chuẩn bị để tiến tới thực hiện xã hội hóa hoạt động kinh doanh TSKCHTĐS.

Đối với TS không trực tiếp liên quan đến chạy tàu, theo Bộ Tài chính, để đồng bộ với phương án quản lý quỹ đất theo pháp luật đất đai hiện hành, dự thảo quy định cơ quan có thẩm quyền xác định và giao vốn cho doanh nghiệp. Doanh nghiệp này có trách nhiệm quản lý và bảo toàn vốn nhà nước...

Ông Nguyễn Ngọc Đông - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải khẳng định, cần phải hướng tới xã hội hóa trong việc kinh doanh tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt. Tuy nhiên, đối với những tuyến đường khai thác không hiệu quả nhưng vẫn phải duy trì thì Nhà nước cần phải hỗ trợ tối đa nguồn lực, kể cả hỗ trợ 100% việc duy tu, còn với những tuyến có thể kinh doanh tốt thì Nhà nước sẽ không hỗ trợ 100% mà đơn vị kinh doanh cần phải kinh doanh tối đa hạ tầng để bù đắp các chi phí đầu tư.