Ngành Hải quan nỗ lực cải cách, đồng hành cùng doanh nghiệp

PV.

Bên cạnh những nỗ lực và giải pháp thu ngân sách nhà nước, trong năm vừa qua, Tổng cục Hải quan đã thực hiện nhiều giải pháp góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Sát cánh cùng doanh nghiệp

Để thực hiện thành công mục tiêu, yêu cầu của Nghị quyết 19-2016/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia 2 năm 2016 - 2017, định hướng đến năm 2020, trên cơ sở Chương trình hành động của Bộ Tài chính thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP tại Quyết định 1134/QĐ-BTC, Tổng cục Hải quan đã ký Quyết định số 1722/QĐ-TCHQ ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP.

Với mục tiêu tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu của cộng đồng doanh nghiệp (DN), giảm thiểu thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hải quan, năm 2016 ngành Hải quan đã nỗ lực triển khai công tác cải cách, hiện đại hóa trên tất cả các mặt và đã đạt được kết quả tích cực.

Năm 2016, ngành Hải quan đã tham gia xây dựng Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (đã được Quốc hội thông qua), tạo nền tảng pháp lý để hội nhập quốc tế sâu rộng hơn, khuyến khích phát triển sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu và bảo hộ hợp lý, có điều kiện, có chọn lọc, phù hợp với tiến trình hội nhập, đơn giản, thuận lợi cho người nộp thuế; đồng thời, xây dựng, trình Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành 03 nghị định, 04 Quyết định, tạo nền tảng pháp lý quan trọng để triển khai thực hiện Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu 2016; triển khai hoạt động của Ủy ban chỉ đạo quốc gia về Cơ chế một cửa ASEAN, Cơ chế một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại…

Với trọng trách được giao, ngành Hải quan đã tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh triển khai mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia. Đến nay, Cơ chế một cửa quốc gia đã kết nối chính thức với 10/14 bộ, ngành, với 36 thủ tục, trên 184.000 bộ hồ sơ và 7900 DN tham gia.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành, hệ thống Hải quan đã chủ trì, phối hợp với các Bộ quản lý chuyên ngành mở rộng thành lập địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại cửa khẩu đối với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK), đến nay đã thành lập được 10 địa điểm kiểm tra chuyên ngành tập trung tại 8 địa bàn hải quan trọng điểm; triển khai 29 thủ tục liên quan đến hoạt động quản lý chuyên ngành và kiểm tra chuyên ngành trên cổng thông tin một cửa quốc gia.

Ngành cũng đã kiến nghị và được Bộ Công Thương (Tổng cục năng lượng) thống nhất chuyển việc dán nhãn năng lượng trước khi thông quan sang thời điểm sau khi hàng hóa đã thông quan (trước khi đưa ra lưu thông). Đây là bước cải cách căn bản, giúp giảm thời gian làm thủ tục thông quan đối với hàng hóa thuộc đối tượng dán nhãn năng lượng, từ đó, giảm chi phí thủ tục cho DN.

Bên cạnh đó, việc vận hành ổn định và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động hệ thống thông quan điện tử tự động VNACCS/VCIS cũng đã tạo thuận lợi và niềm tin cho cộng đồng DN. Hệ thống được vận hành ổn định tại 100% đơn vị Hải quan (với sự tham gia của trên 99% tổng số DN, trên 99% tổng kim ngạch XNK và hơn 99% tổng số tờ khai hải quan trên cả nước) với mức độ tự động hóa cao, thời gian thông quan đối với các lô hàng phân luồng xanh không phải nộp thuế chỉ có 4 giây.

Để đạt được yêu cầu rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, Tổng cục Hải quan đã tích cực, chủ động triển khai cải cách, hiện đại hóa toàn diện, đồng bộ trên tất cả các mặt, từ thể chế, thủ tục hải quan đến đầu tư máy móc trang thiết bị công nghệ hiện đại, nâng cao năng lực của cán bộ công chức, tăng cường liêm chính, phối hợp tích cực với các bộ, ngành liên quan… nhằm thực thi hiệu quả nhiệm vụ quản lý nhà nước về hải quan, tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu, giảm thiểu thời gian và chi phí thực hiện thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan.

Với sự vào cuộc quyết liệt của tập thể Lãnh đạo các cấp và sự nỗ lực của công chức toàn ngành, năm 2016 ngành Hải quan đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Theo kết quả Báo cáo Môi trường kinh doanh 2017 do Ngân hàng Thế giới công bố tháng 10/2016, chỉ số về giao thương hàng hóa qua biên giới Việt Nam đứng vị trí số 93/190, tăng 15 bậc so với năm 2015, là 1 trong 3 lĩnh vực có sự cải cách, thay đổi đáng kể trong năm 2016 (gồm bảo vệ nhà đầu tư nhỏ, giao thương hàng hóa qua biên giới và nộp thuế).

Trong đó, chỉ số thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới đã rút ngắn đáng kể, đứng trong top 4 khu vực Đông Nam Á (gồm Singapore, Thai Lan, Malaysia, Việt Nam). Đặc biệt là thời gian chuẩn bị hồ sơ XNK đã giảm đi đáng kể (thời gian chuẩn bị hồ sơ nhập khẩu giảm từ 106 giờ xuống còn 76 giờ, thời gian chuẩn bị hồ sơ xuất khẩu giảm từ 83 giờ xuống còn 50 giờ).

Thời gian qua ngành Hải quan luôn đồng hành cùng DN trong công tác cải cách thủ tục hành chính nhằm rút ngắn thời gian, giảm chi phí thực hiện thủ tục cho DN. Thông qua các hoạt động tham vấn và khảo sát sự hài lòng của DN, cơ quan hải quan đã tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng và những khó khăn vướng mắc của cộng đồng DN để kịp thời tập trung nguồn lực giải quyết, tháo gỡ. Tháng 9/2016, Tổng cục Hải quan đã tiến hành khảo sát cộng đồng DN và tổ chức Hội nghị triển khai công tác cải cách hiện đại hóa đến các bên liên quan (DN, các hiệp hội, các bộ, ngành). Kết quả khảo sát và ý kiến tại hội nghị cho thấy DN đánh giá cao công tác cải cách, hiện đại hóa của ngành Hải quan

Tiếp tục thực hiện cải cách trong năm 2017

Đáp ứng mong muốn của cộng đồng DN, đồng thời bám sát các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đề ra tại các nghị quyết của Chính phủ, trong năm 2017, đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, ngành Hải quan sẽ tập trung triển khai: Rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới, mục tiêu đến năm 2020, thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới dưới 36 giờ đối với hàng hóa xuất khẩu, 41 giờ đối với hàng hóa nhập khẩu; Bảo đảm hàng năm cắt giảm tối thiểu 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính.

Các giải pháp tập trung vào 4 nhóm: (i) Hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn Luật Hải quan, Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu; (ii) Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra chuyên ngành; (iii) Hoàn thiện cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa ASEAN và (iv) triển khai các biện pháp nâng cao hiệu quả quản lý hải quan, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, triển khai hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ hải quan, mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân, DN.

Bên cạnh đó, ngành Hải quan sẽ tiếp tục thực hiện thành công Kế hoạch cải cách, phát triển và hiện đại hóa ngành Hải quan giai đoạn 2016-2020 được ban hành theo Quyết định 1614/QĐ-BTC, ngày 19/7/2016 của Bộ Tài chính theo các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ, lộ trình đề ra, nhằm đạt được 3 mục đích chiến lược:

Thứ nhất, tạo thuận lợi và kiểm soát trong thực hiện quản lý hải quan đối với DN, tổ chức cá nhân nhằm thúc đẩy an ninh và tạo thuận lợi thương mại quốc tế, đảm bảo nguồn thu, bảo vệ an ninh, an toàn xã hội và sức khỏe cộng đồng;

Thứ hai, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hải quan trên cơ sở thúc đẩy trao đổi thông tin và hợp tác với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức trong và ngoài nước có liên quan trong thực hiện các hoạt động quản lý nhà nước về hải quan.

Thứ ba, từng bước xây dựng cơ quan hải quan điện tử dựa trên mô hình kiến trúc bộ, ngành điện tử, để thực hiện yêu cầu của Chính phủ về triển khai Chính phủ điện tử.