Ngành Hải quan phấn đấu quyết liệt hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN

Thu Hà

(Tài chính) Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan đang triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN năm 2012 của Ngành.

Hoạt động nghiệp vụ tại Hải quan Hải Phòng. Nguồn: Báo Hải quan.
Hoạt động nghiệp vụ tại Hải quan Hải Phòng. Nguồn: Báo Hải quan.

Năm 2012, ngành Hải quan được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao dự toán thu NSNN là 223.900 tỷ đồng, tăng 3,23% so với thực hiện năm 2011. Theo số liệu thống kê của ngành Hải quan, tính đến cuối tháng 9/2012, số thu ngân sách của toàn ngành đạt 142.134 tỷ đồng. Trên cơ sở số thu 9 tháng như trên và số thu 20 ngày đầu tháng 10/2012 là 10.324 tỷ đồng, Tổng cục Hải quan dự kiến số thu ngân sách toàn ngành trong tháng 10/2012 đạt 18.000 tỷ đồng và 10 tháng năm 2012 đạt khoảng 158.271 tỷ đồng, bằng 70,7% so với dự toán, giảm 12% so với cùng kỳ 2011. Trong đó, thuế xuất nhập khẩu, tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường đạt 55.569 tỷ đồng; thuế GTGT là 102.987 tỷ đồng và thu khác 215 tỷ đồng.

Để đạt được những kết quả trên, Ngành Hải quan đã triển khai nhiều giải pháp quyết liệt trong thực hiện thu ngân sách. Toàn ngành Hải quan đã đề ra hàng loạt các giải pháp tăng thu NSNN. Đó là tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động xuất nhập khẩu: Triển khai mở rộng thủ tục hải quan điện tử nhằm thu hút nhiều DN tham gia thủ tục hải quan điện tử , tăng số lượng tờ khai và kim ngạch xuất nhập khẩu tương ứng, tăng số lượng DN ưu tiên; thu hồi nợ đọng; rà soát các nguồn thu, đảm bảo thu đúng, thu đủ, nộp kịp thời vào NSNN, điều chỉnh các chính sách thuế cho phù hợp, nhất là những mặt hàng không khuyến khích nhập khẩu. Cùng với đó, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc phát sinh liên quan đến công tác quản lý thuế. Tăng cường chống thất thu qua áp giá, mã tính thuế, nhất là đối với một số mặt hàng có dấu hiệu gian lận, trốn thuế như sữa, gạch ốp lát, đồ gia dụng… Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành để ngăn ngừa, kiểm tra, phát hiện các hành vi gian lận thương mại qua xuất xứ hàng hoá, xác định trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng có dấu hiệu kim ngạch bất thường.

Bên cạnh đó, ngành Hải quan cũng chú trọng tăng cường nâng cao hiệu quả quản lý rủi ro: Đẩy mạnh công tác phân tích, xác định trọng điểm trong hoạt động xuất nhập khẩu trên địa bàn toàn quốc. Tăng cường công tác kiểm tra sau thông quan, đẩy mạnh kiểm tra đánh giá sự tuân thủ pháp luật, giúp DN nâng cao năng lực tuân thủ pháp luật, tăng cường kiểm tra sau thông quan tại trụ sở DN, phát hiện kịp thời các sai sót và hành vi gian lận trốn thuế. Bên cạnh đó, mở rộng áp dụng DN ưu tiên tham gia chuỗi cung ứng hàng hoá, dịch vụ đối với hàng hoá xuất nhập khẩu như: Nhà sản xuất, DN logistic, kho bãi, bến cảng… theo đúng thông lệ quốc và chế độ này. Tăng cường kiểm soát hải quan, phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung triển khai quyết liệt các chuyên đề chống buôn lậu… Song song với việc triển khai các giải pháp trên thì việc các bộ ngành tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng, thực hiện các cơ chế, chính sách của Chính phủ về bảo lãnh, về hỗ trợ lãi suất, đảm bảo thực hiện miễn, giảm, giãn thuế được minh bạch, đúng đối tượng chính là một yếu tố quan trọng giúp ngành Hải quan hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN.   

Tổng cục Hải quan cũng đã và đang tập trung rà soát, chấn chỉnh công tác quản lý về hải quan đối với hàng tạm nhập - tái xuất, hàng kho ngoại quan và hàng gia công, sản xuất - xuất khẩu. Tăng cường kiểm tra các trường hợp miễn, giảm, hoàn thuế. Đặc biệt tập trung kiểm tra các trường hợp kê khai miễn thuế hàng hóa nhập đầu tư, hoàn thuế. Thực hiện nghiêm túc, triệt để các kiến nghị của Thanh tra, Kiểm toán Nhà nước. Bên cạnh đó, tăng cường công tác đôn đốc, thu hồi nợ cũ; Giao chỉ tiêu thu nợ thuế quá hạn 90 ngày cho các cục hải quan tỉnh, thành phố; Hạn chế phát sinh nợ thuế mới quá hạn trong 90 ngày hàng năm; Áp dụng các biện pháp cưỡng chế cần thiết để thu hồi nợ đọng thuế, không để tình trạng nợ đọng thuế kéo dài.

Đặc biệt, Ngành đã thành lập đoàn kiểm tra đến làm việc với 10 Cục Hải quan có số thu lớn trên cả nước (Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Đà Nẵng, Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh…) nhằm đánh giá một cách cụ thể về tình hình thu ngân sách tại các đơn vị; chỉ đạo hướng dẫn nghiệp vụ, đôn đốc Hải quan các địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp quyết liệt trên các lĩnh vực nhằm đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách.

Với tình hình kinh tế như hiện nay, và thực tế số thu đến hết tháng 10, việc thực hiện hoàn thành dự toán thu NSNN được Quốc hội và Chính phủ đã giao đối với ngành Hải quan là hết sức khó khăn. Tổng cục Hải quan đang chỉ đạo Thủ trưởng các đơn vị thuộc và trực thuộc ngành Hải quan quyết liệt triển khai các giải pháp nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu thu NSNN năm 2012 của Ngành. Cụ thể:

- Tiếp tục cải cách thủ tục hải quan, quản lý thuế, làm giảm thời gian thông quan, giảm chi  phí cho DN.

- Tăng cường kiểm tra sau thông quan đối với các hồ sơ luồng xanh, trong đó đặc biệt chú ý các mặt hàng, lĩnh vực có khả năng gian lận, trốn thuế; giao chỉ tiêu thu NSNN từ kiểm tra sau thông quan cho từng địa phương đảm bảo tăng tối thiểu gấp 2 lần so với kế hoạch đề ra đầu năm.

- Rà soát số tiền thuế đã thu, phải thu, số thuế còn nợ, xác định rõ số nợ của từng nhóm nợ, thời gian nợ, DN nợ, từ đó đưa ra các giải pháp thu nợ thuế phù hợp, đảm bảo thu hồi 100% nợ mới phát sinh trong năm 2012, không để phát sinh nợ mới.

- Rà soát chặt các trường hợp miễn thuế, hoàn thuế, gia hạn, xóa nợ thuế đảm bảo đúng đối tượng, đáp ứng điều kiện thủ tục hồ sơ.

- Tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát các địa bàn trọng điểm, điều tra xử lý các trường hợp buôn lậu, gian lận thương mại, tập trung vào các loại hình, các mặt hàng, khu vực trọng điểm, tuyến đường vận chuyển hàng hóa tạm nhập tái xuất, chuyển khẩu.  Yêu cầu các Cục hải quan địa phương áp dụng các biện pháp cưỡng chế thu hồi nợ có hiệu quả.

­- Kiểm tra, rà soát hệ thống dữ liệu các mặt hàng có giá trị khai báo thấp, có dấu hiệu gian lận thương mại, các mặt hàng nhạy cảm không khuyến khích nhập khẩu để sửa đổi bổ sung vào các danh mục quản lý rủi ro hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Thực hiện công tác kiểm tra tham vấn giá tính thuế đạt hiệu quả, qua đó ngăn chặn kịp thời các hành vi gian lận thương mại qua giá. Thực hiện tốt công tác xây dựng và lưu trữ kho dữ liệu về giá nhằm phục vụ công tác tham vấn giá tại đơn vị đảm bảo thu đúng, thu đủ các khoản phải thu cho ngân sách nhà nước. Tổ chức phổ biến tuyên truyền chính sách thuế đến cộng đồng DN; tổ chức một số hội nghị chuyên đề về quản lý thu hồi thuế nợ đọng, trị giá tính thuế và phân loại hàng hóa, chống thất thu NSNN.

 Tổng cục Hải quan cũng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để DN tiếp cận nguồn vốn tín dụng; Nới lỏng các chính sách xuất nhập khẩu, kích cầu đầu tư, kích cầu tiêu dùng để giải phóng hàng tồn kho, tăng kim ngạch xuất nhập khẩu, tăng trưởng kinh tế.

Bên cạnh đó, Tổng cục Hải quan sẽ sửa biểu thuế nhập khẩu theo hướng giảm mức thuế suất, đơn giản biểu thuế chung cho các mặt hàng dễ lẫn, bảo đảm bảo hộ có chọn lọc, có điều kiện, có thời hạn trên cơ sở lợi thế cạnh tranh của mặt hàng, ngành hàng, góp phần định hướng đầu tư; Xây dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu về phân loại hàng hóa trên trang web của Tổng cục Hải quan tạo điều kiện cho DN tiếp cận thông tin về Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt, phân loại hàng hóa, áp dụng mức thuế. Tăng cường nhân lực có trình độ chuyên môn sâu về phân loại hàng hóa để làm công tác phân loại hàng hóa.