Ngành Hải quan tiên phong ứng dụng công nghệ thông tin

PV.

Nhằm đáp ứng yêu cầu góp phần bảo đảm an ninh an toàn xã hội, phát triển kinh tế, hội nhập quốc tế sâu rộng, ngành Hải quan xác định ứng dụng công nghệ thông tin vừa là yêu cầu, vừa là giải pháp quan trọng nhất để hiện thực hóa các mục tiêu, nội dung của tiến trình cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Công cụ để cải cách thủ tục hành chính

Công nghệ thông tin đã được ứng dụng mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi tối đa cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình làm thủ tục hải quan.

Đến nay, sau 10 năm (2005 – 2015) ứng dụng CNTT, 100% thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa, 100% Cục Hải quan, Chi cục hải quan thực hiện thủ tục hải quan điện tử với 99,65% doanh nghiệp tham gia. Theo đó, việc khai báo, tiếp nhận, xử lý thông tin và ra quyết định thông quan được thực hiện với mức độ tự động hóa rất cao thông qua Hệ thống VNACCS/VCIS. Việc thực hiện thủ tục hải quan điện tử nói trên đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp như: Thực hiện thủ tục hải quan mọi lúc, mọi nơi; hồ sơ hải quan đơn giản; thời gian xử lý bộ hồ sơ hải quan nhanh (chỉ từ 1 - 3 giây); giảm chi phí cho doanh nghiệp và xã hội do không phải thực hiện hồ sơ giấy.

Trong lĩnh vực thanh toán thuế cũng đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ về ứng dụng công nghệ thông tin. Từ năm 2007, Ngành Hải quan đã từng bước áp dụng CNTT để thực hiện cải cách hành chính trong lĩnh vực thu, nộp thuế. Đến nay, việc thu nộp thuế xuất nhập khẩu được thực hiện tự động hóa thông qua trao đổi thông tin về các khoản thu ngân sách giữa Hải quan và các Ngân hàng thương mại. Tính đến ngày 15/5/2015, đã thực hiện kết nối, trao đổi thông tin với 22 ngân hàng thương mại, tổng số tiền thuế thực hiện qua hình thức thanh toán điện tử đạt hơn 57.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 64 % tổng số thu của Ngành Hải quan. 100% các Cục Hải quan và chi cục hải quan đã thực hiện thanh toán điện tử. Việc thực hiện thanh toán điện tử đã giúp doanh nghiệp thanh toán tiền thuế mọi lúc, mọi nơi, thời gian nộp thuế giảm (trước đây mất thời gian từ 1 - 2 ngày, cá biệt có thể mất 5 ngày, nay chỉ còn 3 phút); hạn chế tình trạng cưỡng chế, xét ân hạn nhầm, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của doanh nghiệp. Đây là tiền đề cho việc mở rộng thanh toán điện tử đối với các loại phí và lệ phí khi thực hiện các thủ tục hành chính của các Bộ, Ngành tham gia vào Cơ chế một cửa quốc gia.

Bên cạnh đó, ngành Hải quan đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm không ngừng nâng cao chất lượng và số lượng dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp thông qua việc vận hành Cổng thông tin điện tử hải quan như: (i) Tuyên truyền, phổ biến các cơ chế, chính sách, các quy trình, hướng dẫn; (ii) Tiếp nhận các ý kiến phản ánh của người dân và doanh nghiệp để tổng hợp, xử lý; (iii) Cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong các lĩnh vực: thông quan hàng hóa và phương tiện; nộp thuế điện tử; tra cứu và xác định mã số hàng hóa, thuế suất; đăng ký sử dụng chữ ký số, tài khoản tham gia thủ tục hải quan điện tử; tra cứu quá trình thực hiện thủ tục hải quan; cung cấp thông tin xuất nhập khẩu cho các Bộ, ngành và cơ quan liên quan; phổ biến số liệu thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu,…

Trong những năm qua, ngành Hải quan đã triển khai ứng dụng CNTT một cách toàn diện trong các mặt công tác nghiệp vụ hải quan. Cụ thể là: Trong lĩnh vực giám sát quản lý nhà nước về hải quan: Đã xây dựng và triển khai trong toàn Ngành các hệ thống CNTT phục vụ cho công tác quản lý theo từng chế độ, loại hình nghiệp vụ như: quản lý gia công, sản xuất xuất khẩu, tạm nhập tái xuất, chế xuất, theo dõi và quản lý cửa hàng miễn thuế, kho ngoại quan, chế độ riêng,… Các hệ thống này đã tạo ra một môi trường điện tử cho phép doanh nghiệp khai báo các thông tin về đối tượng hàng hóa chịu sự quản lý, giúp cơ quan hải quan tiếp nhận, xử lý, theo dõi tình hình thực hiện thủ tục hải quan của doanh nghiệp, quản lý các số liệu một cách đầy đủ, kịp thời. Từ năm 2014, ngành Hải quan đã triển khai áp dụng hệ thống mã vạch trong công tác giám sát hải quan tại các chi cục hải quan lớn cho phép giảm thời gian xử lý hải quan tại khu vực giám sát từ 30 phút/lô hàng xuống còn dưới 3 phút/lô hàng.

Còn trong công tác quản lý thu thuế xuất nhập khẩu, Ngành Hải quan đã triển khai trên phạm vi toàn quốc hệ thống Kế toán thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và Hệ thống Quản lý thông tin giá tính thuế trên phạm vi toàn quốc. Hệ thống đã giúp nâng cao hiệu quả công tác kế toán và xác định trị giá hàng hóa.

Trong công tác quản lý rủi ro, từ tháng 12/2005, ngành Hải quan đã triển khai trên phạm vi toàn quốc Hệ thống quản lý rủi ro. Với tốc độ tăng trưởng không tương xứng giữa cán bộ và khối lượng công việc thì việc ứng dụng CNTT trong công tác quản lý rủi ro có một ý nghĩa rất to lớn. Cho đến nay, hệ thống quản lý rủi ro hàng ngày, hàng giờ đang cung cấp thông tin phục vụ quá trình thông quan tự động cũng như giúp ngành hải quan tập trung nguồn lực để xử lý hồ sơ có nghi vấn.

Hướng đến nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến

Các dịch vụ công trực tuyến của cơ quan Hải quan đã tiếp cận được hầu hết tiêu chuẩn của mức độ 4- mức độ cao nhất về dịch vụ công trực tuyến của nước ta hiện nay. Để đạt được dịch công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực hải quan, căn cứ Nghị định 43 và Quyết định 1605/QĐ-TTg năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan Hải quan phải cung cấp các dịch vụ công trực tuyến liên quan đến các thủ tục hành chính: Tiếp nhận hồ sơ hải quan điện tử; quản lý cấp giấy phép trực tuyến trong lĩnh vực hải quan; quản lý thu thuế, phí, lệ phí liên quan đến hoạt động XNK. Ngoài ra, cơ quan Hải quan phải giúp người dân, DN tra cứu thông tin về thuế, trạng thái hồ sơ hải quan.

Phân tích cụ thể về dịch vụ công trực tuyến mà cơ quan Hải quan đang thực hiện, lãnh đạo Phòng Quản lý Giao dịch và Thông tin điện tử (Cục Công nghệ thông tin và Thống kê hải quan) cho biết: 3 thủ tục hành chính nêu trên đã được cơ quan Hải quan cung cấp trực tuyến. Cụ thể, đối với hồ sơ hải quan điện tử, cơ quan Hải quan đã thực hiện thủ tục hải quan điện tử từ nhiều năm nay và từ 1-4-2014 đã thực hiện trên Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS. Cơ quan Hải quan không chỉ tiếp nhận hồ sơ bằng phương thức điện tử mà còn xử lý thủ tục, thông quan hàng hóa qua phương thức điện tử qua Hệ thống này.

Đối với công tác quản lý cấp giấy phép trực tuyến trong lĩnh vực hải quan, hiện nay, Tổng cục Hải quan đã phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công Thương thưc hiện Cơ chế một cửa quốc gia (NSW) để tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính qua phương thức điện tử đối với nhiều thủ tục liên quan đến phương tiện XNC, quá cảnh và hàng hóa XNK. Theo kế hoạch, trong tháng 6, NSW sẽ được mở rộng kết nối với các bộ: Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường.

Liên quan đến thủ tục quản lý thu thuế, phí, lệ phí liên quan đến hoạt động XNK, cơ quan Hải quan cũng đang đẩy mạnh việc thu thuế, lệ phí và bảo lãnh thuế bằng phương thức điện tử qua ngân hàng thương mại. Hiện nay đã có 19 ngân hàng thương mại lớn trong và ngoài nước tham gia.

Đối với dịch vụ tra cứu thông tin về thuế, trạng thái hồ sơ hải quan, hiện nay, cơ quản Hải quan đã hỗ trợ người dân, DN tra cứu được thông tin nợ thuế thông quan Cổng thông tin điện tử của Tổng cục Hải quan (www.customs.gov.vn). Tổng cục Hải quan đang khẩn trương hoàn thiện để cung cấp thêm dịch vụ liên quan đến việc tra cứu tính trạng nộp thuế và trạng thái hồ sơ của DN.

Trong thời gian tới với sự phát triển như vũ bão của khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ thông tin sẽ tiếp tục mang lại nhiều cơ hội lớn trong ứng dụng công nghệ thông tin ngành Hải quan, bởi vậy, trong thời gian tới ngành Hải quan tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa hải quan, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Một là: Đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đối với các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực: khai báo hải quan và thông quan hàng hóa, khai báo phương tiện vận tải đường biển, đường hàng không, thanh toán thuế, phí và lệ phí, miễn giảm hoàn thuế.

Hai là: Đảm bảo cung cấp dịch vụ công trực tuyến tối thiểu mức độ 3 đối với 70% các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực còn lại. Đảm bảo cung cấp công cụ hỗ trợ cho phép người dân và doanh nghiệp tra cứu trạng thái xử lý hồ sơ của các thủ tục hành chính thông qua Cổng thông tin điện tử hải quan.