Ngành Hải quan: Triển khai biện pháp mạnh đối với hàng hóa quá cảnh

PV.

Bên cạnh nhiều doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật, thông lệ quốc tế về tạm nhập tái xuất, quá cảnh, trung chuyển hàng hóa, cũng có không ít doanh nghiệp cố tình vi phạm nhằm trục lợi. Để ngăn chặn thực trạng này, thời gian qua, ngành Hải quan đã quyết liệt triển khai nhiều giải pháp đông bộ...

Cán bộ hải quan thực hiện kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu
Cán bộ hải quan thực hiện kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu

Quá cảnh hàng hóa là một phương thức phổ biến trong vận tải hàng hóa quốc tế. Đây là phương thức nhằm giúp hàng hóa được luân chuyển, lưu thông một cách dễ dàng, thuận tiện giữa các quốc gia.

Đặc biệt, đối với những quốc gia có điều kiện thuận lợi với hệ thống đường bờ biển dài, có những cảng biển nước sâu được xác định là địa điểm trung chuyển hàng hóa quan trọng trong khu vực và trên hệ thống vận tải biển quốc tế như Việt Nam.

Hoạt động quá cảnh hàng hóa của Việt Nam được áp dụng theo những hiệp định, điều ước quốc tế mà nước ta là thành viên như: Hiệp định quá cảnh giữa Việt Nam với Lào, Campuchia, Trung Quốc và Thông tư hướng dẫn các hiệp định này; Công ước Kyoto sửa đổi năm 2006.

Để tạo thuận lợi cho hoạt động quá cảnh hàng hóa và đảm bảo công tác quản lý, đáp ứng thông lệ quốc tế, Việt Nam đã ban hành hệ thống văn bản tương đối đầy đủ, thống nhất để quy định về hoạt động quá cảnh hàng hóa như Luật Thương mại, Luật Hải quan, Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Nghị định 187/2013/NĐ-CP…

Đặc biệt, ngành Hải quan đã tích cực chủ động thực hiện cải cách thủ tục hành chính hiện đại hoá hải quan, áp dụng thông quan điện tử nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, bên cạnh nhiều doanh nghiệp (DN) chấp hành tốt pháp luật, tuân thủ đúng thông lệ quốc tế về tạm nhập tái xuất (TNTX), quá cảnh, trung chuyển hàng hóa, cũng có không ít DN lợi dụng các hoạt động xuất nhập khẩu (XNK) này để thực hiện hành vi vi phạm.

Trước những nghi vấn về hiện tượng lợi dụng loại hình quá cảnh để thẩm lậu hàng hóa vào nội địa, Tổng cục Hải quan đã triển khai đồng bộ, quyết liệt hàng loạt các giải pháp để chủ động đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm.

Theo đó, Tổng cục Hải quan đã ban hành hàng loạt văn bản như: Công văn 3216/TCHQ-GSQL ngày 19/4/2016; Công văn 7900/TCHQ-GSQL ngày 16/8/2016… để chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương tăng cường cường công tác quản lý, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, quy trình của Ngành trong quá trình thực hiện thủ tục với hàng hóa XNK qua loại hình quá cảnh.

Đồng thời, thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện hệ thống thông quan điện tử cho phù hợp với thực tiễn quản lý ở Việt Nam nhằm hạn chế các thiếu sót mà các đối tượng có thể lợi dụng.

Từ năm 2015 đến nay, Tổng cục Hải quan đã chủ động triển khai nhiều kế hoạch và chỉ đạo lực lượng Kiểm soát hải quan và phối hợp với các lực lượng chức năng đấu tranh, kiểm soát hàng hóa thuộc loại hình quá cảnh, trung chuyển.

Cụ thể như, ngành Hải quan đã chủ động thu thập thông tin, xác lập các chuyên án và khởi tố điều tra hàng chục vụ án buôn lậu thông qua việc lợi dụng loại hình này chuyển cho cơ quan công an tiếp tục điều tra; bắt giữ hàng trăm container hàng cấm, hàng đã qua sử dụng, hàng chục kg ma tuý.

Tích cực, chủ động phối hợp với Thanh tra Chính phủ, các đơn vị thuộc Tổng cục An ninh, Tổng cục Cảnh sát, Công an các tỉnh, thành phố, quản lý thị trường các địa phương để kịp thời xử lý các sai phạm của doanh nghiệp lợi dụng hoạt động theo loại hình này.

Cùng với đó, thành lập các đoàn kiểm tra việc thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa vận chuyển độc lập tại một số Cục Hải quan tỉnh, thành phố khu vực trọng điểm phía Bắc và phía Nam.

Bằng sự vào cuộc quyết liệt, chủ động trong công tác thanh tra, kiểm tra, thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã phát hiện nhiều vụ việc. Điển hình như, vào giữa năm 2015 có 213 container của 56 doanh nghiệp vận chuyển quá cảnh qua cảng Cát Lái – TP. Hồ Chí Minh (cửa khẩu nơi đi) để trung chuyển bằng đường bộ, sau đó xuất đi Campuchia (cửa khẩu nơi đến), tuy nhiên, số container trên đã được doanh nghiệp vận chuyển khỏi cảng Cát Lái nhưng không được đưa đến cửa khẩu xuất theo quy định.

Liên quan đến vụ việc này, Tổng cục Hải quan xác định ngoài nguyên nhân một số công chức thừa hành tại Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I - Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh chưa thực hiện đúng quy trình nghiệp vụ thì có những nguyên nhân rất quan trọng như: Đối tượng đã lợi dụng các yếu tố thuận lợi trong khâu cấp phép đăng ký kinh doanh và quản lý sau cấp phép để hoạt động buôn lậu. Qua xác minh của cơ quan Hải quan thì 56 DN có 213 container nêu trên đều đã không còn hoạt động hoặc không có trụ sở tại địa chỉ đã đăng ký.

Hiện tại Tổng cục Hải quan đang phối hợp với cơ quan cảnh sát điều tra, các đơn vị thuộc Tổng cục An ninh – Bộ Công an và Công an TP. Hồ Chí Minh khám xét, điều tra các container và doanh nghiệp vi phạm

Từ những nội dung nêu trên, Tổng cục Hải quan đã chỉ đạo Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh xem xét, xử lý nghiêm những công chức có hành vi sai phạm, đồng thời kiến nghị cần phải chấn chỉnh khâu cấp phép và tăng cường công tác quản lý sau cấp phép đối với doanh nghiệp của các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương.

Thời gian tới, bên cạnh việc đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa hải quan, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại theo chủ trương của Chính phủ, Tổng cục Hải quan tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát hải quan.

Đồng thời, Tổng cục Hải quan cũng tăng cường phối hợp với các cơ quan chức năng để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong hoạt động XNK, đồng thời tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra nội bộ và kiên quyết xử lý nghiêm minh công chức có hành vi vi phạm.