Ngành Hải quan: Triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết 19/NQ-CP

PV.

Nhằm tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, theo tinh thần Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ, trong thời gian qua ngành Hải quan đã triển khai mạnh mẽ nhiều giải pháp. Bước đầu tạo nhiều chuyển biến tích cực không chỉ cải cách không thể chỉ trên giấy tờ mà các giải pháp đã đạt hiệu quả trong thực tế.

Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh
Triển khai Cơ chế một cửa quốc gia sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thực hiện thủ tục xuất cảnh, nhập cảnh và quá cảnh

Ban hành kế hoạch hành động

Ngay sau khi Nghị quyết 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia được Chính phủ ban hành không lâu, Tổng cục Hải quan ra Quyết định để đưa ra kế hoạch thực hiện. Theo kế hoạch, Tổng cục Hải quan sẽ chủ trì 17 nhóm việc lớn và phối hợp triển khai, tham gia ý kiến với các bộ, ngành 14 nhóm việc khác.

Trong đó, Tổng cục sẽ chủ trì, phối hợp các bộ, ngành liên quan rà soát, đánh giá, sửa đổi quy trình, nghiên cứu phương án đơn giản hóa hồ sơ và thủ tục cho doanh nghiệp, phấn đấu đạt mức trung bình của nhóm nước Asean-6. Giảm thời gian xuất khẩu là 13 ngày, thời gian nhập khẩu là 14 ngày (đến hết năm 2015). Đến hết năm 2016, đạt mức trung bình nhóm nước Asean-4, thời gian xuất khẩu còn dưới 10 ngày, nhập khẩu là dưới 12 ngày.

Ngành Hải quan sẽ tiếp tục triển khai có hiệu quả Luật Hải quan năm 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành. Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy trình, thủ tục hải quan theo quy định của Luật.

Tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, trong đó đảm bảo Hệ thống VNACCS/VCIS vận hành ổn định, mở rộng thanh toán điện tử, cơ chế một cửa quốc gia, tiến tới kết nối cơ chế một cửa Asean. Tiếp tục thực hiện phương thức quản lý rủi ro trên cơ sở phân loại DN, người khai hải quan.

Chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành rà soát, đánh giá các quy định pháp luật về quản lý hàng hóa, dịch vụ xuất nhập khẩu thuộc diện quản lý chuyên ngành (cấp giấy phép xuất nhập khẩu, kiểm dịch, kiểm tra tiêu chuẩn, chất lượng, dịch vụ xuất nhập khẩu). Kết quả là xây dựng đề án và các văn bản liên quan trình Thủ tướng Chính phủ...

Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan yêu cầu thủ tưởng các đơn vị căn cứ chức năng, nhiệm vụ và các nội dung phân côngđể xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai, cụ thể hóa thành các đề án, sản phẩm cụ thể theo đúng tiến độ đề ra. Định kỳ báo cáo Tổng cục để theo dõi, tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính.

Kết quả tích cực ban đầu

​Với tinh thần trách nhiệm cao trong việc triển khai nhiều giải pháp, trong quý III/2015, ngành Hải quan tiếp tục thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ với nhiều kết quả cụ thể.

Một là, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện thể chế, chính sách: Trong quý III/2015, TCHQ đã trình BTC để trình cấp có thẩm quyền ban hành nhiều văn bản nhằm cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong lĩnh vực hải quan.

Cụ thể: Quyết định số 31/2015/QĐ-TTg về tiêu chuẩn định mức hành lý được miễn thuế, Thông tư số 103/2015/TT-BTC về danh mục hàng hóa XNK Việt Nam, Thông tư liên tịch số 112/2015/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn cơ chế phối hợp và xử lý trong việc kiểm tra, phát hiện chất phóng xạ tại các cửa khẩu, Thông tư 120/TT-BTC quy định về mẫu, chế độ in, phát hành, quản lý và sử dụng tờ khai hải quan dùng cho người xuất cảnh, nhập cảnh... Qua đó đã tạo cơ sở pháp lý đẩy mạnh cải cách thủ tục, hiện đại hóa quản lý hải quan, rút ngắn thời gian thực hiện cho doanh nghiệp.

Hai là, ứng dụng công nghệ thông tin: Tính đến ngày 15/9/2015, 100% quy trình thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên phạm vi toàn quốc. Tổng số doanh nghiệp tham gia là 63,7 nghìn doanh nghiệp; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu là 411,34 tỷ USD; tổng số tờ khai là 10,31 triệu tờ.

Sau hơn 1 năm triển khai, Hệ thống VNACCS/VCIS đã chứng tỏ sự ưu việt, mang lại hiệu qủa rõ rệt và lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu như giảm thời gian làm thủ tục hải quan, giảm thiểu giấy tờ trong hồ sơ thủ tục hải quan nhờ sử dụng chữ ký số, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp khi làm thủ tục hải quan và làm tăng tính minh bạch trong quá trình làm thủ tục hải quan.

Ngoài ra, việc triển khai Hệ thống VNACCS/VCIS còn góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về hải quan, giúp hoàn thiện chính sách, cơ sở pháp lý theo hướng quản lý hải quan hiện đại.

Ba là, triển khai cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN: Trong quý III/2015, Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành mở rộng Cơ chế một cửa quốc gia đảm bảo đúng tiến độ.

Tính đến ngày 15/9/2015, Cơ chế một cửa quốc gia đã chính thức kết nối để thực hiện 12 thủ tục của 05 Bộ, gồm: Bộ Công Thương (03 thủ tục), Bộ GTVT (05 thủ tục), Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (01 thủ tục), Bộ Tài nguyên môi trường (01 thủ tục) và Bộ Y tế (02 thủ tục). Ngày8/9/2015, triển khai kết nối mở rộng Cơ chế với 03 Bộ gồm: Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Thông tin và truyền thông; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Đã sẵn sàng triển khai kết nối kỹ thuật với 04 nước ASEAN (Indonesia, Sigapore, Malaysia, Thái Lan) trong khuôn khổ Dự án thí điểm Cơ chế một cửa ASEAN. Ngày 8/9/2015, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức bấm nút thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật Cơ chế một cửa ASEAN.

Bốn là, triển khai thanh toán điện tử: Nhằm hướng tới mục tiêu cải cách thủ tục hành chính, giảm thời gian nộp thuế, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, công tác thu nộp thuế xuất nhập khẩu đã được thực hiện bằng phương thức điện tử trên toàn quốc thông qua việc triển khai rộng rãi thanh toán điện tử, trao đổi thông tin về các khoản thu ngân sách giữa Hải quan và các Ngân hàng thương mại.

Theo đó, thời gian thực hiện việc thu nộp thuế của doanh nghiệp đã được thực hiện rất nhanh chóng, chỉ diễn ra trong khoảng 15 phút thay vì 2 ngày như trước dây, giảm thiểu tình trạng cưỡng chế không chính xác, giảm thời gian thông quan của doanh nghiệp.

Năm là, tăng cường trang thiết bị, máy móc kỹ thuật phục vụ công tác kiểm tra, giám sát hải quan: Ngành Hải quan đã trang bị 11 hệ thống máy soi container tại các địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung, địa bàn trong điểm có lưu lượng hành hóa lớn thuộc 06 Cục Hải quan.Đã đưa vào sử dụng 97 máy soi hành lý, hàng hóa; các hệ thống, thiết bị an toàn phóng xạ và trang thiết bị kiểm tra, giám sát; 19 hệ thống camera tại 09 Cục Hải quan tỉnh, thành phố; các hệ thống, thiết bị an toàn phóng xạ và trang thiết bị kiểm tra, giám sát.

Đồng thời bổ sung trang bị 05 máy soi container tại những địa bàn trọng điểm có lưu lượng hàng hóa xuất nhập khẩu bằng container lớn và có yêu cầu lớn về công tác kiểm tra, giám sát hải quan.

Sáu là, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu: Tổng cục Hải quan đang chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan tích cực xây dựng đề án “Nâng cao năng lực và hiệu quả của công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu” để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Đề án là cơ sở triển khai thực hiện, phối hợp với các bộ, ngành rà soát, công bố danh mục hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra chuyên ngành và quản lý chuyên ngành.

Ngành Hải quan cũng đang tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện cuộc đo giải phóng hàng hóa xuất nhập khẩu năm 2015.