Ngành Hải quan vượt thu ngân sách 9,4% so năm 2012

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Tính đến ngày 27/12/2013, số thu của toàn ngành Hải quan ước đạt 216.000 tỷ đồng, bằng 90,9% dự toán và tăng 9,4% so với năm 2012.

Ngành Hải quan vượt thu ngân sách 9,4% so năm 2012
Tính đến ngày 27/12/2013, số thu của toàn ngành Hải quan ước đạt 216.000 tỷ đồng. Nguồn: internet

Nỗ lực từ những ngày đầu

Năm 2013, ngành Hải quan được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao dự toán thu Ngân sách Nhà nước là 237.500 tỷ đồng, tăng so với thực hiện năm 2012 là 20%, bình quân mỗi tháng phải thu 19.792 tỷ đồng.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới vẫn tiếp tục khó khăn, kinh tế trong nước có dấu hiệu hồi phục nhưng chưa vững chắc, Tổng cục Hải quan xác định thu ngân sách là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, nên ngay từ đầu năm ngành Hải quan đã chỉ đạo, điều hành, triển khai thực hiện đồng bộ các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

Theo đó, Tổng cục Hải quan đã tập trung nguồn lực tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra thuế, chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Thực hiện các biện pháp quản lý thu, chống thất thu Ngân sách Nhà nước như: Chống thất thu về giá, tăng cường kiểm soát giá nhập khẩu đã được quy định tại cơ sở dữ liệu giá, tăng cường kiểm tra giá mặt hàng xuất khẩu; phân loại hàng hóa xác định mức thuế; tăng cường kiểm tra xuất xứ hàng hóa; tăng cường công tác kiểm tra sau thông qua, đôn đốc thu hồi nợ thuế...

Song song với đó, thực hiện nghiêm túc các kết luận của cơ quan Kiểm toán Nhà nước, Thanh tra Chính phủ; Khẩn trương xử lý dứt điểm các vi phạm, tồn tại trong lĩnh vực thuế, truy thu đầy đủ, kịp thời vào ngân sách nhà nước đối với số tiền đã được cơ quan kiểm toán, thanh tra, phát hiện, kiến nghị...

Đồng thời phối hợp triển khai thực hiện giai đoạn 2 dự án Hiện đại hóa thu nộp thuế giữa 4 ngành Thuế - Hải quan - Kho bạc - Tài chính, thực hiện việc truyền nhận dữ liệu bảng kê gắn chữ ký số đã góp phần cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người nộp thuế nhanh chóng thông quan hàng hóa.

Thực hiện phối hợp thu Ngân sách Nhà nước giữa Tổng cục Hải quan và các Ngân hàng thương mại, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế nhanh chóng và có nhiều kênh lựa chọn cho việc thanh toán thuế…

Theo Tổng cục Hải quan, số thu đã đạt được đến ngày hôm nay, bên cạnh nỗ lực của toàn ngành còn có thuận lợi từ hoạt động xuất nhập khẩu. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu năm 2013 ước đạt 130,5 tỷ USD, tăng 13,9% so với cùng kỳ năm 2012, nhập khẩu ước đạt 130,8 tỷ USD, tăng 15%. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu có thuế đạt 9,7 tỷ USD, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2012, kim ngạch nhập khẩu có thuế đạt 64,9 tỷ USD, tăng 2,9% so với cùng kỳ.

Một yếu tố thuận lợi nữa là do Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý Thuế có hiệu lực từ ngày 1/7/2013 với tiền thuế phải nộp ngay, trừ trường hợp được các tổ chức tín dụng bảo lãnh và nộp tiền chậm nộp thuế. Theo đó, năm 2013 là năm duy nhất có 13 tháng thu so với các năm do thay đổi quy định về thời hạn nộp thuế. Ngoài ra, còn có thuận lợi từ việc điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu xăng dầu cũng đã góp phần tăng thu ngân sách cho ngành.

Tuy nhiên, mặc dù đã nỗ lực, cố gắng nhưng số thu ngân sách của ngành đến hôm nay vẫn chưa đạt dự toán đề ra. Theo Tổng cục Hải quan, có nguyên nhân do thực hiện cắt giảm 945 dòng thuế theo cam kết WTO với mức cắt giảm chủ yếu từ 1-3%, gồm các mặt hàng thủy hải sản, hoa quả, thực phẩm chế biến, bánh kẹo, rượu, thuốc lá…, ước giảm thu khoảng 2.000 tỷ đồng.

Ngoài ra còn có nguyên nhân giảm thu từ việc gia hạn thời gian nộp thuế đối với Công ty ô tô Trường Hải 6 tháng cuối năm 2013 khoảng 341 tỷ đồng. Hay việc hoàn thuế cho các lô hàng từ năm 2011 có C/O form D ước khoảng 200 tỷ đồng...

Phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu năm 2014

Từ những kết quả đã đạt được trong năm 2013, để hoàn thành nhiệm thu của năm 2014, Tổng cục Hải quan cho biết sẽ tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Cụ thể, sẽ chỉ đạo các Cục Hải quan địa phương triển khai thực hiện thu đạt và vượt kế hoạch thu ngân sách năm 2014; theo dõi, quản lý sát tình hình thu nộp Ngân sách Nhà nước, xử lý kịp thời vướng mắc về chế độ chính sách thuế ảnh hưởng tới quản lý thu nộp Ngân sách Nhà nước; đưa ra các giải pháp chống thất thu, tăng thu Ngân sách Nhà nước.

Theo dõi, phân tích kết quả thu đề ra các giải pháp quản lý hiệu quả, chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố tổ chức rà soát toàn bộ nguồn thu, phát hiện kịp thời các địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng, loại hình kinh doanh còn thất thu để có biện pháp quản lý thu phù hợp.

Đẩy mạnh công tác quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu, qua công tác tham vấn giá, xác định trị giá, xác định mã số tính thuế; Kiểm tra sau thông quan. Tăng cường cơ chế phối hợp liên ngành để ngăn ngừa, kiểm tra, phát hiện các hành vi gian lận thương mại qua xuất xứ hàng hóa, xác định trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng có dấu hiệu kim ngạch bất thường, thuế suất cao.

Tiếp tục triển khai, mở rộng kết nối với các Ngân hàng thương mại để tạo thuận lợi tối đa cho việc thu và nộp thuế, hoàn thiện triển khai mở rộng cổng thanh toán điện tử, nâng cấp hệ thống sử dụng bảng kê điện từ có gắn chữ ký số, ngân cấp hệ thống trao đổi thông tin với Ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước.

Đẩy mạnh công tác thu nợ; Xây dựng hoàn thiện hệ thống quản lý rủi ro, đảm bảo thông tin quản lý rủi ro có hiệu quả đối với từng khâu nghiệp vụ; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra thuế, trong đó đặc biệt chú trọng các doanh nghiệp có rủi ro cao về thuế, các doanh nghiệp tạm nhập, tái xuất...

Tăng cường kiểm soát hải quan, phòng chống buôn lậu; thực hiện có hiệu quả công tác đấu tranh chống gian lận thương mại, vận chuyển trái phép hàng hoá, các chất ma tuý qua biên giới trong điều kiện môi trường thông quan điện tử.

Tăng cường kiểm tra các trường hợp miễn, giảm, hoàn thuế, không thu thuế, tập trung kiểm tra, hướng dẫn cơ quan hải quan địa phương thực hiện việc quản lý, miễn thuế hàng hóa thuộc dự án ưu đãi đầu tư, yêu cầu các đơn vị hải quan thực hiện miễn thuế theo đúng đối tượng đã được quy định

Chỉ đạo các Cục Hải quan tỉnh, thành phố thực hiện chặt chẽ, đúng quy trình, thủ tục hải quan. Tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ hàng tạm nhập - tái xuất, hàng gia công, nhập sản xuất xuất khẩu... nếu quá thời hạn nhưng chưa thanh khoản hoặc chưa xuất khẩu sản phẩm để yêu cầu doanh nghiệp nộp thuế. Thường xuyên rà soát tài khoản tạm thu, tạm giữ để chuyển nộp ngân sách các khoản quá 135 ngày đúng quy định.

Xây dựng Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập ưu đãi năm 2014 theo hướng thu gọn mức thuế suất, hàng hóa tương tự dễ lẫn thì quy định thuế suất tương tự nhau, nếu chênh lệch phải có tiêu chí phân biệt, điều chỉnh tăng thuế suất một số mặt hàng trong nước sản xuất được; điều chỉnh giảm thuế suất hàng hóa là nguyên liệu vật tư phục vụ cho sản xuất…