Ngành Tài chính: Đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin

Lê Bảo Khánh – Cục Tin học và Thống kê Tài chính (Bộ Tài chính)

Ngày 24/3/2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 556/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch 5 năm về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Bộ Tài chính giai đoạn 2016-2020. Kế hoạch này được Bộ Tài chính chuẩn bị sớm và kỹ lưỡng, mang tính khả thi cao. Theo đó, trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2020, ứng dụng công nghệ thông tin của ngành Tài chính sẽ không ngừng được đẩy mạnh, tập trung mọi nguồn lực để từng bước hình thành nền tài chính điện tử, góp phần phục vụ tốt hơn người dân, doanh nghiệp, đơn vị có quan hệ với ngân sách.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu phát triển

Công nghệ thông tin (CNTT) được Đảng và Nhà nước ta xác định là công cụ hữu hiệu để thực hiện 3 đột phá chiến lược trong phát triển đất nước, là chìa khóa mở ra cánh cửa để dân tộc ta bước vào giai đoạn mới.

Thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT, ngày 15/04/2015 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 26/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện nghị quyết số 36-NQ/TW. Chính phủ đặt nhiệm vụ trọng tâm là tăng cường và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức và kiến thức về CNTT trong xã hội. Đặc biệt, sẽ xây dựng và đưa vào khai thác Hệ thống Cổng thông tin điện tử cơ quan hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến địa phương; Hệ thống thông tin tiếp nhận, xử lý phản ánh, kiến nghị về quy định hành chính và tình hình, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các cấp chính quyền.

Bên cạnh đó, từ năm 2014, Chính phủ đã ban hành các Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, nhiều nội dung về cải cách hành chính (CCHC) trong lĩnh vực thuế, hải quan được đẩy mạnh triển khai ứng dụng của CNTT.

Ngày 14/10/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử, theo đó đẩy mạnh phát triển Chính phủ điện tử, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; Nâng vị trí của Việt Nam về Chính phủ điện tử theo xếp hạng của Liên hợp quốc, thực hiện công khai, minh bạch hoạt động của các cơ quan nhà nước trên môi trường mạng.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) đang là xu thế lớn có tác động đến phát triển kinh tế - xã hội của tất cả các quốc gia. Ngày 04/5/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0, theo đó từ nay đến năm 2020 phải tập trung phát triển hạ tầng CNTT, khuyến khích doanh nghiệp đổi mới công nghệ... để tận dụng tối đa lợi thế.

Định hướng ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành Tài chính đến năm 2020

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 450/QĐ-TTg ngày 18/04/2012 phê duyệt Chiến lược Tài chính đến năm 2020, đồng thời ̃ phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành thuế, kho bạc, hải quan, dự trữ nhà nước, thị trường chứng khoán, bảo hiểm... Theo Quyết định số 450/QĐ-TTg, định hướng nghiệp vụ tài chính đến năm 2020 trong 7 lĩnh vực như sau: Lĩnh vực thu NSNN; Lĩnh vực chi NSNN; Lĩnh vực quản lý giá; Quản lý tài sản công; Quản lý dự trữ nhà nước; Phát triển đồng bộ thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; Đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực tài chính, hoàn thiện phương thức điều hành chính sách tài chính.

Định hướng triển khai CNTT của Chính phủ được thể hiện ở các văn bản cụ thể: Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước; Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 22/9/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đưa Việt Nam sớm trở thành nước mạnh về CNTT và truyền thông đến năm 2020; Nghị quyết số 36a/NQ-CP ngày 14/10/2015 của Chính phủ về Chính phủ điện tử.

Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của Chính phủ, việc triển khai ứng dụng CNTT trong ngành Tài chính giai đoạn đến 2020 được định hướng tập trung vào mục tiêu cung cấp dịch vụ công trực tuyến cho người dân và doanh nghiệp trên cơ sở chuẩn hóa thủ tục hành chính, ứng dụng CNTT trong CCHC; Áp dụng nhiều hình thức hỗ trợ dịch vụ qua các thiết bị công nghệ tích hợp; Xây dựng hệ thống thông tin quản lý, thông tin phục vụ chỉ đạo, điều hành cho lãnh đạo; cung cấp thông tin đa chiều, hỗ trợ phân tích, thống kê, dự báo: Xây dựng các kho dữ liệu chuẩn theo công nghệ hiện đại; Hệ thống thông tin quản lý Ngân sách và Kho bạc tích hợp (TABMIS), Quản lý thuế tập trung (TMS), Hệ thống tự động hóa thủ tục Hải quan và Hải quan một cửa Quốc gia (VNACCS/VCIS); Từng bước ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực quản lý tài chính (giá, công sản, doanh nghiệp, bảo hiểm...) theo lộ trình cải cách và hiện đại hóa của các đơn vị chuyên môn...    

Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin ngành Tài chính

Ngày 24/3/2016, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký Quyết định số 556/QĐ-BTC về việc phê duyệt Kế hoạch 5 năm về ứng dụng CNTT trong hoạt động của Bộ Tài chính giai đoạn 2016-2020. Kế hoạch này là một bộ phận của Chiến lược Tài chính giai đoạn 2011-2020 có vai trò và ý nghĩa rất quan trọng đối với tiến trình hiện đại hoá gắn với việc đẩy mạnh CCHC của ngành Tài chính.

Kế hoạch đặt ra 6 mục tiêu quan trọng cần đạt được trong giai đoạn 2016-2020 cụ thể như sau:

Thứ nhất, xây dựng các dịch vụ công tài chính (mức 3 và mức 4) phục vụ người dân, doanh nghiệp và các tổ chức; tăng cường chia sẻ thông tin, nội dung số đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng thông tin tài chính cho người dân và toàn xã hội, tạo nền tảng phát triển Chính phủ điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ hai, xây dựng các hệ thống ứng dụng cốt lõi và Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo công nghệ hiện đại phục vụ công tác chỉ đạo, quản lý và điều hành của các cấp trong ngành Tài chính.  

Thứ ba, xây dựng, khai thác, sử dụng hiệu quả các hệ thống ứng dụng CNTT trong hoạt động nội bộ ngành Tài chính, ưu tiên các ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính, nâng cao năng suất hiệu quả công việc.

Thứ tư, hiện đại hóa hạ tầng CNTT trong Ngành theo các công nghệ hiện đại phù hợp với yêu cầu triển khai trong từng giai đoạn.

Thứ năm, đảm bảo an ninh an toàn cho hoạt động của các hệ thống thông tin ngành Tài chính trên các phương diện: thể chế, phương án kỹ thuật và quản lý vận hành.

Thứ sáu, đổi mới công tác quản lý đầu tư, kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý, phát triển nguồn nhân lực CNTT ngành Tài chính đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hiện đại hóa ngành.

Những nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2017-2018

Mục tiêu giai đoạn 2017-2018 tiếp tục tập trung xây dựng, phát triển và duy trì hệ thống CNTT, thống kê tài chính đồng bộ, thống nhất, gắn liền với các nhiệm vụ chính trị được giao của ngành Tài chính, đáp ứng đầy đủ, kịp thời các yêu cầu điều hành nền tài chính quốc gia của Bộ Tài chính. Cụ thể những mục tiêu đề ra, các nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong năm 2017-2018 gồm:

Thứ nhất, về triển khai Chính phủ điện tử:

- Xây dựng và triển khai 100% các dịch vụ công mức độ 3 được cung cấp trực tuyến thông qua Cổng Thông tin điện tử Bộ Tài chính, Cổng thông tin điện tử của các đơn vị hệ thống thuộc Bộ Tài chính (Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Tổng cục Dự trữ Nhà nước).

- Xây dựng, triển khai ứng dụng cung cấp dịch vụ công mức độ 3 và tích hợp lên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, từng bước tích hợp lên Cổng dịch vụ công Quốc gia theo lộ trình của Chính phủ.

- Thực hiện ứng dụng CNTT tối thiểu đạt tỷ lệ 95% khai thuế điện tử, nộp thuế điện tử và hoàn thuế; thời gian thực hiện thủ tục về thuế đối với doanh nghiệp, thời gian hoàn thành thủ tục khai thuế, nộp thuế được rút ngắn xuống còn dưới 119 giờ/năm và đạt mức trung bình của các nước ASEAN-4. Triển khai thực hiện đề án hoá đơn điện tử có mã xác thực

- Tiếp tục duy trì, nâng cao hiệu quả hệ thống thông quan điện tử (VNACCS/VCIS), bảo đảm vận hành ổn định, bền vững; mở rộng thực hiện thanh toán điện tử, triển khai mở rộng cơ chế một cửa quốc gia và kết nối cơ chế một cửa ASEAN.

Thứ hai, về công tác triển khai nhiệm vụ đầu tư ứng dụng CNTT, thống kê:

Việc tổ chức triển khai ứng dụng CNTT, thống kê năm 2017, 2018 toàn ngành Tài chính tập trung theo các mảng chính sau:

- Triển khai các dự án, phần mềm dùng chung trong ngành Tài chính: Dự án Nâng cấp phần mềm Quản lý tài sản nội ngành tài chính theo mô hình tập trung; Dự án xây dựng Hệ thống thông tin quản lý cán bộ Bộ Tài chính theo mô hình tập trung; Dự án Nâng cấp hệ thống Trung tâm trao đổi thông tin thu NSNN tại Bộ Tài chính; Dự án Nâng cấp phần mềm cấp mã số đơn vị có quan hệ ngân sách; Dự án Xây dựng và triển khai hệ thống Tổng kế toán Nhà nước...

- Triển khai nâng cấp ứng dụng QLNS 8.0, Nâng cấp hệ thống CSDL danh mục dùng chung ngành Tài chính lên phiên bản 5,0 đáp ứng thay đổi mục lục ngân sách nhà nước;

- Nâng cấp trục tích hợp trao đổi văn bản điện tử ngành Tài chính theo Thông tư số 10/TT-TTTT.

- Triển khai các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, đảm bảo an ninh an toàn thông tin: Duy trì, vận hành ổn định kênh truyền hạ tầng truyền thông giai đoạn 2016-2019; Tiếp tục tăng cường hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT; Tiếp tục củng cố, duy trì các hệ thống kỹ thuật an toàn thông tin đã trang bị; Nâng cấp, trang bị bổ sung các giải pháp nâng cao (phòng, chống tấn công có chủ đích; chống thất thoát dữ liệu; giám sát an toàn thông tin mạng...); Cập nhật các quy định về an toàn thông tin của ngành theo Luật An toàn thông tin mạng và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn Luật; tổ chức triển khai các tiêu chuẩn Việt Nam về an toàn thông tin.

- Triển khai, duy trì vận hành các hệ thống thông tin tác nghiệp: Tiếp tục triển khai, vận hành các hệ thống, phần mềm ứng dụng CNTT, cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý đáp ứng yêu cầu nghiệp của các đơn vị và đảm bảo triển khai theo yêu cầu của Mục lục NNSN mới ban hành theo yêu cầu quản lý của Luật NSNN năm 2015; Xây dựng và công khai cơ sở dữ liệu về hoàn thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu về người nộp thuế tập trung thống nhất toàn quốc đối với hộ, cá nhân kinh doanh.

- Triển khai công tác thống kê: Thực hiện thu thập, tổng hợp các chỉ tiêu thống kê quốc gia thuộc trách nhiệm của Bộ Tài chính; Thu thập, tổng hợp chế độ báo cáo thống kê cấp quốc gia, cấp bộ, ngành; Thực hiện phổ biến thông tin thống kê theo quy định tại Luật Thống kê và Nghị định số 94/2016/NĐ-CP; Tiếp tục thực hiện công bố thông tin thống kê tài chính; Phối hợp triển khai chương trình điều tra thống kê quốc gia theo quy định tại Quyết định số 43/2016/QĐ-TTg ngày 17/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, về hoàn thiện môi trường pháp lý quản lý CNTT:

Việc hoàn thiện các chính sách, cơ chế tạo điều kiện cho ứng dụng và phát triển CNTT tập trung vào:

- Nhóm về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT: Phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông để kịp thời cập nhật quy chế quản lý đầu tư CNTT áp dụng cho các đơn vị thuộc Bộ Tài chính

- Nhóm cơ chế, chính sách trong lĩnh vực ANTT, truyền thông: Trình Chính phủ về chủ trương xây dựng Nghị định thay thế Nghị định 27/2007/NĐ-CP về giao dịch điện tử trong hoạt động tài chính; Hướng dẫn tiêu chuẩn đảm bảo an toàn hệ thống thông tin theo quy định của nhà nước; Cập nhật quy định về an toàn thông tin trên môi trường máy tính và mạng máy tính

- Nhóm cơ chế, chính sách trong lĩnh vực thống kê, CSDL: Trình Bộ ban hành Thông tư số 18/2017/TT-BTC ngày 28/02/2017 quy định về Hệ thống danh mục điện tử dùng chung trong lĩnh vực tài chính; Nghiên cứu xây dựng và trình ban hành thông tư quy định về Hệ thống chỉ tiêu thống kê tài chính; thông tư quy định về mô hình, quy chuẩn xây dựng, cập nhật, quản lý, vận hành và khai thác sử dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính; danh mục Cơ sở dữ liệu của Bộ Tài chính; quy chế phổ biến thông tin thống kê của Bộ Tài chính; quy chế phối hợp công tác, trao đổi thông tin thống kê giữa Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê); giữa Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan.        

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 556/QĐ-BTC phê duyệt Kế hoạch 5 năm về ứng dụng CNTT trong hoạt động của BộTài chính giai đoạn 2016-2020;

2. Nghị quyết 36-NQ/TW ngày 1/7/2014 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT;

3. Nghị quyết 26/NQ-CP về Chương trình hành động thực hiện nghị quyết số 36-NQ/TW.