Ngành Tài chính đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0

PV.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp tổ chức triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) toàn ngành Tài chính, nhằm tiếp cận một cách nhanh nhất với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp của hệ thống kết nối số hóa - vật lý - sinh học và sự đột phá của Internet vạn vật, trí tuệ nhân tạo đang là xu thế tác động mạnh mẽ tới mọi mặt đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam.

Thời gian qua, Bộ Tài chính đã thực hiện nhiều giải pháp tổ chức triển khai ứng dụng CNTT toàn ngành Tài chính, nhằm tiếp cận một cách nhanh nhất với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 như: Áp dụng công nghệ ảo hóa máy chủ nhằm tối ưu hóa hiệu quả đầu tư phần cứng; triển khai công nghệ phân tích dữ liệu lớn; bước đầu ứng dụng công nghệ mạng xã hội, công nghệ di động trong việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thuế điện tử, hải quan điện tử, hệ thống quản lý hải quan tự động tại cảng biển, hệ thống một cửa quốc gia hải quan ASEAN.

Có thể nói, ngành Tài chính đã bước đầu đang tiếp cận với giai đoạn phát triển đầu tiên của Chính phủ số, đó là giai đoạn xây dựng Chính phủ điện tử và Tài chính điện tử.

Là đơn vị nhiều năm dẫn đầu về ứng dụng công nghệ thông tin trong khối các cơ quan Chính phủ, Bộ Tài chính chủ động áp dụng các thành quả công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, xây dựng nền tảng quản trị thông minh, cung cấp các dịch vụ tài chính thông minh, tham gia tích cực vào sự phát triển của nền kinh tế số.

Mục tiêu đến năm 2025, hoàn thành xây dựng Tài chính điện tử và cơ bản thiết lập nền tảng Tài chính số hiện đại, bền vững, công khai, minh bạch dựa trên dữ liệu lớn, dữ liệu tài chính mở và hệ sinh thái Tài chính số.

Ngành Tài chính đóng vai trò kiến tạo, kết nối, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa, đáp ứng toàn diện nhu cầu giao dịch tài chính công, nhu cầu khai thác sử dụng thông tin số của Chính phủ, người dân, doanh nghiệp và các tổ chức.

5 giải pháp ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp vào lĩnh vực Tài chính

Để tiếp tục phát huy các kết quả đã đạt được, nắm bắt cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại hiệu quả, hiệu lực cao trong hoạt động quản lý của ngành Tài chính, ngày 9/3/2018, Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/BCSĐ về triển khai ứng dụng công nghệ của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trong lĩnh vực Tài chính - Ngân sách.

Theo đó, thời gian tới, Bộ Tài chính đặt ra nhiệm vụ và một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, xây dựng chiến lược và hoàn thiện cơ chế, chính sách chuyển đổi số. Trong đó: Xây dựng Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và chiến lược của từng lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc, nợ công, tài sản công, chứng khoán, dự trữ quốc gia, giá, bảo hiểm, kế toán – kiểm toán,... phù hợp định hướng phát triển kinh tế số. Trên cơ sở Chiến lược Tài chính đến năm 2030, xây dựng Chiến lược chuyển đổi số ngành Tài chính đến năm 2025, tầm nhìn 2030; Hoàn thiện chính sách tạo hành lang pháp lý triển khai Tài chính số; Xây dựng Kiến trúc Chính phủ điện tử ngành Tài chính, Kiến trúc Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính hướng tới Kiến trúc Tài chính số; Rà soát kế hoạch 5 năm ứng dụng CNTT giai đoạn 2016-2020 và xây dựng kế hoạch 5 năm ứng dụng CNTT giai đoạn 2021-2025 của ngành Tài chính và các đơn vị trong ngành phù hợp với Chiến lược Tài chính đến năm 2030 và Chiến lược chuyển đổi số ngành Tài chính đến năm 2025, tầm nhìn 2030.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng, phát triển tài chính điện tử, hình thành hệ sinh thái tài chính số. Ứng dụng mạnh mẽ hơn công nghệ mới vào các lĩnh vực hoạt động quản lý, chỉ đạo điều hành của ngành thông qua việc hình thành các hợp tác chiến lược, các đề án, dự án đầu tư; chú trọng đề xuất về dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, chuỗi khối, internet kết nối vạn vật.

Thứ ba, thiết lập môi trường làm việc điện tử và xây dựng Cổng giao tiếp ngành Tài chính tích hợp sâu, rộng và xuyên suốt giữa các Cổng giao tiếp trong ngành, liên thông với Chính phủ  và các cơ quan nhà nước theo hướng dữ liệu mở sử dụng các giải pháp trí tuệ nhân tạo, tương tác và trả lời tự động để phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Tăng cường xây dựng, cung cấp các dịch vụ công, dịch vụ dữ liệu theo nhu cầu cá nhân hóa qua nhiều phương thức khác nhau, đặc biệt là qua các thiết bị di động, công nghệ đám mây. Xây dựng các văn phòng điện tử, hình thành môi trường làm việc tích hợp, liên thông, cộng tác và chia sẻ thông tin thông minh trong toàn ngành hướng tới văn phòng điện tử không giấy tờ, triển khai công việc mọi lúc, mọi nơi.

Thứ tư, triển khai dịch vụ hạ tầng và an toàn bảo mật thông tin tài chính.

Thứ năm, tuyên truyền nâng cao nhận thức, đào tạo kiến thức về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4.