Ngành Tài chính sẵn sàng cho hội nhập

Theo Tạp chí Thuế

Khép lại năm 2015 - một năm được đánh giá thành công của công tác đối ngoại tài chính, khi đã tham gia đàm phán lộ trình cắt giảm thuế tại các hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết, đảm bảo phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế. Đây là tiền đề quan trọng cho tiến trình hội nhập sâu rộng của nền kinh tế Việt Nam với thế giới trong năm 2016. Xung quanh những kết quả mang nhiều ý nghĩa này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ Tài chính) Vũ Nhữ Thăng.

Phóng viên: Thưa ông, thời gian qua, công tác đối ngoại ngành tài chính đã đạt được nhiều thành công với việc cắt giảm thuế có lộ trình, phù hợp với sự phát triển sản xuất trong nước. Trước thềm năm mới, ông có thể chia sẻ một vài cảm nhận của mình về những kết quả này?

Vụ trưởng Vũ Nhữ Thăng

Vụ trưởng Vũ Nhữ Thăng

Ông Vũ Nhữ Thăng: Năm 2015, Bộ Tài chính đã tích cực triển khai thực thi cam kết cắt giảm thuế quan, cam kết mở cửa thị trường dịch vụ trong các khuôn khổ hội nhập song phương và đa phương, đồng thời chủ động xây dựng phương án đàm phán để kết thúc các FTA quan trọng như TPP, Việt Nam-Liên minh châu Âu, đánh dấu mốc hội nhập sâu và rộng của Việt Nam với các đối tác thương mại trên thế giới.

Bên cạnh đó, ngành tài chính cũng đảm bảo những điều kiện sẵn sàng về thực thi cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, đẩy mạnh đàm phán dịch vụ tài chính và thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại thông qua Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN để tiến tới hình thành Cộng đồng kinh tế ASEAN.

Lĩnh vực hợp tác tài chính cũng đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, thông qua việc khai thác tối đa và có chọn lọc những kết quả hợp tác tài chính khu vực, hợp tác với các chính phủ và tổ chức quốc tế; tăng cường thu hút, vận động và sử dụng hiệu quả những nguồn lực hỗ trợ từ bên ngoài để phục vụ quá trình cải cách tái cơ cấu nền kinh tế, hiện đại hóa ngành tài chính, hoàn thiện thể chế và chính sách tài chính, cải cách thủ tục hành chính và tăng cường năng lực cho đội ngũ cán bộ tài chính Việt Nam.

Từ 1/1/2016 rất nhiều FTA với Việt Nam có hiệu lực như Cộng đồng kinh tế ASEAN, Việt Nam - Hàn Quốc, Việt Nam - Liên minh kinh tế Á Âu… Vậy, ông dự báo gì về những cơ hội và thách thức với thị trường tài chính của Việt Nam?

Trong các FTA mà Việt Nam tham gia và có hiệu lực trong năm 2016 phải kể đến Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) và Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP. Theo đó, việc hội nhập sâu rộng vào thị trường dịch vụ tài chính khu vực và các nước sẽ mở ra cơ hội cho Việt Nam về thu hút đầu tư nước ngoài, bao gồm cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp, thông qua thị trường chứng khoán và các thương vụ M&A mua lại các DN trong nước.

Bên cạnh đó, các chính sách mới đây của Việt Nam như việc thông qua các Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Kinh doanh bất động sản, tái cơ cấu DNNN gắn với quá trình cổ phần hóa, nới rộng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán... sẽ góp phần thúc đẩy dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam.

Tuy nhiên, thị trường tài chính và TTCK Việt Nam cũng sẽ có những thách thức không nhỏ. Đó là, hệ thống pháp luật và môi trường đầu tư của Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện để phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ. Cùng với đó là yêu cầu phải xây dựng các biện pháp quản lý thận trọng, phù hợp với thông lệ quốc tế nhằm phát triển ổn định và bền vững hệ thống tài chính và các định chế tài chính, phòng ngừa rủi ro từ các biến động của bên ngoài. Việc gia tăng dòng vốn từ nước ngoài vào Việt Nam cũng đặt ra yêu cầu về nâng cao khả năng giám sát, để tránh nguy cơ bong bóng giá tài sản và vấn đề rút vốn đột ngột.

Trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen, để giành phần chủ động và chiến thắng trong cuộc chơi hội nhập mà vốn dĩ Việt Nam bị đánh giá là có nhiều yếu điểm, theo ông ngành tài chính cần có sự chuẩn bị như thế nào?

Trong thời gian qua, để chủ động tham gia hội nhập vào sân chơi quốc tế, ngành tài chính đã tích cực tham gia đàm phán, rà soát các tác động tích cực cũng như tiêu cực tới lĩnh vực quản lý. Theo đó, Bộ Tài chính đã đề ra một số giải pháp để đảm bảo việc hội nhập mang lại nhiều kết quả, trong đó tập trung vào 5 vấn đề quan trọng nhất.

Một là, thực hiện rà soát chiến lược ngành tài chính đảm bảo tính thực thi, hiệu quả và đồng bộ, thúc đẩy tăng trường, phù hợp với tình hình kinh tế, xã hội của Việt Nam.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện thể chế, khung pháp lý phù hợp với thực tiễn tình hình SXKD trong nước và thông lệ quốc tế để thực hiện cam kết; đồng thời tận dụng tối đa cơ hội mà các FTA mang lại, tạo môi trường kinh tế vĩ mô ổn định để giúp chính sách tài khoá phát huy hiệu quả, phối hợp và đồng bộ với chính sách tiền tệ, thúc đẩy đầu tư và phát triển SXKD.

Ba là, hoàn thiện chính sách thuế liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế theo chiến lược; nghiên cứu cơ cấu lại thu NSNN theo hướng giảm dần sự phụ thuộc vào các nguồn thu từ xuất khẩu và nhập khẩu, kể cả xuất khẩu dầu thô và khoáng sản thô.

Bốn là, đẩy mạnh công tác kiểm tra quản lý tại cửa khẩu nhằm ngăn chặn hành vi buôn lậu, làm hàng giả; tăng cường công tác quản lý thị trường và giá cả, bình ổn giá cả đối với từng sản phẩm khi cắt giảm thuế quan, giúp nâng cao môi trường kinh doanh cho các DN.

Năm là, tăng cường tuyên truyền về các cam kết của Việt Nam cũng như cam kết của các đối tác theo các FTA để các DN tận dụng được các cơ hội và chủ động đối phó vượt qua thách thức.

Xin cảm ơn ông!