Ngành Tài chính: Tự hào truyền thống vẻ vang 70 năm xây dựng và trưởng thành


Ngày 14/8, Bộ Tài chính đã tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Tài chính Việt Nam và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh - phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước đã phong tặng cho ngành Tài chính vì những công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng trong suốt thời gian qua. Tại buổi lễ, đồng chí Đinh Tiến Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã có bài diễn văn kỷ niệm. Tạp chí Tài chính trân trọng đăng tải toàn văn bài phát biểu này.

Kính thưa các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc,

Kính thưa các đồng chí lão thành cách mạng,

Kính thưa các vị khách quý,

Kính thưa các đồng chí!

Hòa trong khí thế hào hùng của những ngày tháng 8 mùa thu lịch sử, cả nước đang phấn khởi, tự hào kỷ niệm 70 năm Cách mạng tháng 8 và Quốc khánh 2-9, tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng; hôm nay, Bộ Tài chính long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm ngày thành lập ngành Tài chính Việt Nam và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh- phần thưởng cao quý mà Đảng, Nhà nước đã phong tặng cho ngành Tài chính vì những công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng trong suốt thời gian qua.

Thay mặt Ban cán sự Đảng, Lãnh đạo Bộ Tài chính và toàn thể cán bộ, công chức ngành Tài chính, Tôi xin nhiệt liệt chào mừng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các đồng chí lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương; các đồng chí lão thành cách mạng và các đồng chí đại biểu đại diện cho cho các thế hệ cán bộ ngành Tài chính về dự buổi Lễ long trọng này. Sự có mặt của các đồng chí lãnh đạo, các vị khách quý là nguồn cổ vũ động viên, khích lệ to lớn đối với toàn thể cán bộ ngành Tài chính tiếp tục hăng hái phấn đấu thi đua, hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao.

Trong buổi Lễ trang trọng này, chúng ta kính cẩn tưởng nhớ và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, các cố Bộ trưởng Phạm Văn Đồng, Lê Văn Hiến, Đặng Việt Châu, Đào Thiện Thi, Chu Tam Thức, Vũ Tuân, Hoàng Quy và nhiều thế hệ cán bộ Lãnh đạo đã chèo lái, dẫn dắt ngành Tài chính vượt qua bao chặng đường gian khó, cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác của cách mạng Việt Nam. Chúng ta vô cùng biết ơn và tri ân các liệt sỹ cán bộ ngành tài chính; cán bộ, đồng bào đã ngã xuống vì sự nghiệp tài chính trong suốt lịch sử 70 năm Tài chính cách mạng Việt Nam. Những chiến công oanh liệt mà thầm lặng của các đồng chí, đồng bào mãi mãi được ghi vào những trang sử vẻ vang của ngành và của dân tộc. Ngành Tài chính chúng ta luôn nhớ ơn đồng bào các vùng căn cứ Cách mạng và nhân dân trong cả nước đã cưu mang, đùm bọc và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các cán bộ tài chính hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong cả hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước và trong sự nghiệp xây dựng, đổi mới và bảo vệ tổ quốc.

Qua 70 năm xây dựng, phát triển và trưởng thành cùng lịch sử đất nước, chúng ta có thể tự hào khẳng định rằng: Những thành tựu mà ngành tài chính đạt được là công sức của toàn Đảng, toàn dân, của các thế hệ cán bộ tài chính; là sự hợp tác, giúp đỡ tích cực, có hiệu quả của các ngành, các cấp, các địa phương và của nhân dân cả nước đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Thưa các đồng chí !

Cách đây đúng 70 năm, ngày 28/8/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký sắc lệnh thành lập Chính phủ cách mạng lâm thời nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa trong đó có Bộ Tài chính. Kể từ đó, ngành Tài chính được thành lập và ngày này hàng năm đã trở thành ngày Truyền thống của ngành Tài chính Việt Nam.

70 năm đã trôi qua, trong suốt chặng đường lịch sử cách mạng vẻ vang của dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, các thế hệ cán bộ ngành Tài chính đã không ngừng phấn đấu thực hiện lời dạy của Bác Hồ kính yêu đã tuyệt đối trung thành với lý tưởng cách mạng, với lợi ích dân tộc và giai cấp, gắn bó chặt chẽ sự nghiệp của ngành với nhân dân và đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo đảm nhu cầu tài chính cho hai cuộc kháng chiến thắng lợi, góp phần quan trọng xây dựng Nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và bảo vệ vững chắc toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.

Ngay sau khi Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ Cộng hòa được thành lập, Đảng và Chính phủ đã lãnh đạo nhân dân ta vừa phải chống giặc ngoại xâm, khắc phục hậu quả thiên tai vừa phải chống giặc đói,giặc dốt để bảo vệ độc lập dân tộc và kiến thiết đất nước.Trong bối cảnh đất nước “ngàn cân treo sợi tóc”, ngân quỹ của chính quyền non trẻ gần như trống rỗng; đứng trước các nhu cầu chi tiêu khẩn cấp và quan trọng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ, ngành Tài chính đã tiến hành nhiều biện pháp về tài chính, nhằm huy động tối đa nguồn lực cho chính quyền cách mạng. Cùng với việc bãi bỏ hệ thống thuế của chế độ cũ, xây dựng một chế độ thuế mới; ngành Tài chính đã thực hiện các biện pháp nhằm huy động sự đóng góp tự nguyện của nhân dân như: Quỹ độc lập; Tuần lễ vàng; Hũ gạo kháng chiến; Quỹ mùa đông binh sỹ;…đã được phát động trên khắp cả nước và có đóng góp vô cùng quan trọng trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc những ngày đầu thành lập nước.

Để chủ động về mặt tài chính, khẳng định chủ quyền về chính trị và kinh tế- xã hội của Nhà nước cách mạng, ngành Tài chính đã kịp thời phát hành đồng tiền tài chính Việt Nam được nhân dân yêu mến gọi là “giấy bạc Cụ Hồ” trên cả ba miền Bắc-Trung-Nam, làm cơ sở cho việc xây dựng một nền tài chính độc lập, tự chủ, lấy dân làm gốc, dựa vào dân và phục vụ lợi ích của nhân dân. Ngân sách quốc gia đã được gây dựng từ sự chắt chiu của nhân dân, từ nền tảng là nếp sống căn cơ, tiết kiệm của nhân dân trong những ngày đất nước còn bộn bề gian khó.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, với nhiệm vụ vừa chống giặc đói, giặc dốt, vừa phải chống giặc ngoại xâm trong điều kiện tiềm lực tài chính quốc gia còn hạn chế, được sự ủng hộ, đồng sức, đồng lòng của nhân dân, chúng ta đã phát hành thành công giấy bạc tài chính, công phiếu kháng chiến ở miền Bắc, công trái kháng chiến ở miền Nam để tạo lập nguồn lực tiến hành cuộc kháng chiến vĩ đại bảo vệ thành quả của Cách mạng tháng Tám.

Trước yêu cầu ngày càng lớn của công cuộc kháng chiến kiến quốc, quán triệt tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ II (tháng 2/1951), Hội nghị lần thứ nhất BCH Trung ương Đảng (tháng 5/1951), ngành Tài chính đã chuyển từ chính sách động viên chủ yếu dựa vào tự nguyện sang chính sách động viên theo nghĩa vụ qua thuế nông nghiệp và thuế công thương nghiệp. Đã thực hiện thống nhất quản lý thu, chi tài chính với nhiệm vụ trọng tâm là chỉnh đốn chế độ thuế theo nguyên tắc động viên đóng góp dân chủ, công bằng, đúng mức để đảm bảo nhu cầu kháng chiến và khuyến khích sản xuất, cải thiện đời sống nhân dân. Nhờ triển khai tích cực các chính sách thuế cùng với sự đóng góp to lớn của nhân dân, ngành Tài chính đã huy động được nguồn lực tài chính phục vụ nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước, bảo đảm đáp ứng các nhu cầu to lớn về mọi mặt của cuộc kháng chiến; tạo điều kiện thuận lợi thực hiện “lệnh tổng động viên, tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

Bước vào thời kỳ xây dựng CNXH ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (1955-1975), ngành Tài chính đã kịp thời ban hành chính sách tài chính mới áp dụng trên toàn miền Bắc nhằm tiếp tục động viên tinh thần thi đua yêu nước của toàn dân; thắt lưng buộc bụng, làm việc bằng hai, chắt chiu xây dựng cơ sở vật chất, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa; chi viện ở mức cao nhất sức người, sức của cho miền Nam ruột thịt. Theo tiếng gọi của Đảng và Nhà nước, hàng nghìn cán bộ tài chính đã vào chiến trường, trực tiếp tham gia chiến đấu và vận hành nền tài chính của Chính phủ phù hợp với điều kiện cách mạng miền Nam. Ngành Tài chính cả nước, cán bộ Tài chính ở hậu phương miền Bắc cùng với những chiến sỹ kinh- tài ở mặt trận miền Nam đã sống cống hiến và chiến đấu; trong đó, có nhiều cán bộ tài chính ưu tú đã anh dũng hy sinh, góp phần tạo nên Đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

Bước vào thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn cách mạng mới, thực hiện Nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ IV (tháng 12/1976), ngành Tài chính đã thi hành nhiều chủ trương, biện pháp nhằm khai thác và giải phóng tiềm năng kinh tế trong nước, đồng thời tranh thủ khai thác các nguồn viện trợ và vay nợ nước ngoài. Để khắc phục nhanh chóng hậu quả nặng nề của chiến tranh và thiên tai, bão lụt, ngành Tài chính đã thực hiện phân phối và quản lý mọi nguồn vốn có hiệu quả hơn; từng bước tiến hành chế độ quản lý tài chính thống nhất trong cả nước, áp dụng hệ thống thu như: thu quốc doanh; thuế công thương nghiệp; thuế nông nghiệp và các chế độ quản lý tài chính xí nghiệp; quản lý ngân sách và phát hành công trái xây dựng tổ quốc.

Trong giai đoạn này, nền kinh tế nước ta bị lâm vào tình trạng khủng hoảng, lạm phát tăng cao, cán cân thanh toán bị thiếu hụt trầm trọng, các nguồn lực tài chính trở nên suy giảm, đời sống của nhân dân giảm sút. Trước tình hình đó, dưới sự lãnh đạo của Đảng, ngành Tài chính đã thực hiện nhiều chủ trương chính sách khuyến khích phát triển sản xuất, tập trung chống lạm phát và tăng cường vai trò của tài chính phục vụ nông nghiệp, củng cố quan hệ sản xuất mới ở nông thôn. Đồng thời, có chính sách phát huy tính chủ động sáng tạo trong sản xuất- kinh doanh và tạo quyền tự chủ về tài chính cho các Xí nghiệp quốc doanh đi đôi với việc tăng cường quản lý và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính nhằm khuyến khích sản xuất và cải thiện đời sống nhân dân.

Thưa các đồng chí !

Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng cộng sản Việt Nam (tháng 12/1986) là bước ngoặt quan trọng trong lịch sử phát triển của đất nước, tạo đột phá căn bản trong tư duy lý luận bằng quyết định thực hiện đổi mới toàn diện nền kinh tế. Sau khi có Nghị quyết TW 6 khóa VI, với chủ trương kiên quyết thực hiện đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, nền kinh tế nước ta đã có những chuyển biến tích cực; cơ chế quản lý tài chính mới dần thay thế cơ chế kế hoạch hóa, tập trung quan liêu bao cấp. Bằng hàng loạt các biện pháp tài chính- ngân sách tích cực như: từng bước xoá bỏ bao cấp ngân sách, chấm dứt phát hành tiền cho bội chi ngân sách, cải cách hệ thống thuế, ban hành Luật NSNN và cơ chế quản lý tài chính nhằm mở rộng quyền tự chủ của DNNN... đã đẩy lùi lạm phát phi mã từ 3 con số vào những năm 1987-1988 xuống còn hai con số vào đầu những năm 1990 và từ năm 1993 đưa trở về một con số, duy trì ổn định trong những năm tiếp theo. Tổng sản phẩm trong nước năm 2000 đã tăng gấp đôi so với năm 1990, đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm đạt 7,5%; thu NSNN năm 2000 tăng hơn 10 lần so với năm 1990, đã đảm bảo chi thường xuyên và có tích lũy cho đầu tư phát triển. Các hoạt động KT-XH có chuyển biến rõ rệt, đời sống nhân dân được cải thiện, an ninh quốc phòng được giữ vững, tiềm lực tài chính quốc gia được củng cố.

Bước vào kế hoạch 5 năm 2001-2005, để thực hiện các mục tiêu kế hoạch KT-XH do Đại hội Đảng IX đề ra, ngành Tài chính đã tiếp tục đổi mới triệt để hơn để trở thành công cụ sắc bén góp phần điều tiết vĩ mô nền kinh tế, động viên hợp lý, hiệu quả nguồn lực xã hội, thúc đẩy doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế phát triển; nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh trong tiến trình hội nhập. Trong giai đoạn này, với mục tiêu cải cách hệ thống thuế, khuyến khích đầu tư, xuất khẩu thích ứng dần với cơ chế thị trường và phù hợp với thông lệ quốc tế; hoàn thiện hệ thống thuế theo hướng công bằng, có cơ cấu hợp lý, giảm dần sự phân biệt đối với các thành phần kinh tế và từng bước thiết lập cơ chế quản lý tài chính, động viên thu ngân sách thống nhất áp dụng đối với mọi loại hình doanh nghiệp. Tăng cường quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp nhà nước về tài chính. Thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, bảo hiểm, kế toán, kiểm toán, tư vấn tài chính được hình thành và đạt được kết quả bước đầu trong việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển và cung cấp dịch vụ tài chính cho nền kinh tế. Thị trường chứng khoán đã được thành lập và đi vào hoạt động từng bước hoàn thiện để trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn cho đầu tư phát triển...

Công tác quản lý dự trữ quốc gia, quản lý điều hành giá đã được đổi mới góp phần kiềm chế lạm phát, thích ứng dần với cơ chế thị trường. Quản lý tài chính đối với khu vực hành chính sự nghiệp đã có bước đột phá mới thông qua việc thí điểm cơ chế khoán biên chế, khoán chi hành chính đối với các cơ quan hành chính tạo sự chủ động và thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp, góp phần thúc đẩy cải cách tài chính công, sử dụng tiết kiệm và hiệu quả NSNN. Xã hội hoá các lĩnh vực giáo dục, y tế, khoa học, văn hoá, thể thao được đẩy mạnh đã thu hút được nguồn lực rộng rãi trong xã hội, cùng chăm lo phát triển các dịch vụ xã hội quan trọng. Cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hoá công tác quản lý tài chính được triển khai thực hiện trong toàn ngành đã giảm bớt những quy định chưa phù hợp, minh bạch hoá và công khai hoá các quy trình, thủ tục hành chính, hỗ trợ tốt cho công tác quản lý của ngành, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý điều hành ngân sách, lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc... Các công cụ kế toán, kiểm toán, kiểm tra, kiểm soát, thanh tra tài chính đã và đang được đổi mới cơ bản cả về khuôn khổ pháp lý và phát triển nghề nghiệp... góp phần vào việc đảm bảo kỷ luật, kỷ cương tài chính, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chống tham nhũng tiêu cực.

Trên phương diện hợp tác và hội nhập quốc tế, ngành Tài chính đã chủ động hội nhập về tài chính; tham gia tích cực, có hiệu quả trong các quan hệ tài chính song phương, với các tổ chức tài chính quốc tế như: Quỹ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng Thế giới, Ngân hàng phát triển Châu Á và hội nhập với các nước ASEAN và APEC. Đồng thời, đóng vai trò quan trọng trong việc đàm phán tham gia tổ chức thương mại thế giới-WTO. Chủ động và hiệu quả trong việc cơ cấu và xử lý nợ nước ngoài (song phương, đa phương qua Câu lạc bộ London, Paris), tạo được lòng tin cho cộng đồng quốc tế, mở ra cơ hội tiếp nhận nguồn vốn ODA có hiệu quả và thu hút vốn đầu tư nước ngoài để đầu tư cho cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Bộ máy tổ chức của ngành ngày càng được hoàn thiện, lớn mạnh, trưởng thành... Một số lĩnh vực lớn như Hải quan, Quản lý giá, Dự trữ quốc gia, thị trường chứng khoán đã được sáp nhập vào Bộ Tài chính nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý đa ngành, đa lĩnh vực được Đảng, Nhà nước giao cho ngành. Cùng các đơn vị khác trong ngành, các hệ thống sau khi gia nhập “ngôi nhà chung” Tài chính đã không ngừng phát triển, thực hiện ngày càng hiệu quả các nhiệm vụ quản lý được giao.

Thực hiện kế hoạch 5 năm 2006- 2010 và các mục tiêu của Đại hội Đảng lần thứ X, dưới sự chỉ đạo, điều hành linh hoạt của Chính phủ, hoạt động tài chính- NSNN đã góp phần tích cực duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ở mức khá, bình quân 5 năm đạt khoảng 6,9%; quy mô GDP thực tế ước đạt khoảng 106 tỷ USD; GDP bình quân đầu người đạt trên 1.200 USD (gấp 2 lần so với năm 2005). Các mặt xã hội có bước phát triển khá, đời sống của nhân dân được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo toàn quốc giảm, an sinh xã hội được tăng cường; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Trong giai đoạn này, ngành Tài chính đã nỗ lực phấn đấu, bằng nhiều chính sách tài chính chủ động, linh hoạt đi vào cuộc sống và đã đạt được những kết quả quan trọng. Đó là tiềm lực tài chính quốc gia được tăng cường, chính sách tài chính-NSNN được đổi mới, góp phần tích cực vào việc ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển và từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, tạo môi trường thuận lợi cho SX-KD; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH; nâng cao hiệu quả phân phối và sử dụng NSNN, tăng cường đầu tư phát triển con người; nhiều chính sách ASXH được thực hiện trong giai đoạn này giúp cải thiện đời sống cho các đối tượng chính sách, người nghèo...Chủ động hội nhập quốc tế về tài chính, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam đã chính thức gia nhập Tổ chức thương mại thế giới- WTO. Ngành Tài chính đã chú trọng các chính sách khuyến khích đầu tư, thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển sản xuất- kinh doanh góp phần ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội, khôi phục kinh tế sau khủng hoảng đảm bảo các mục tiêu KT-XH đã đề ra.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, chiến lược phát triển KT-XH giai đoạn 2011- 2020 và phương hướng phát triển đất nước 5 năm 2011-2015, ngành Tài chính tiếp tục đổi mới và hoàn thiện các cơ chế chính sách tài chính- ngân sách và hội nhập quốc tế toàn diện. Trong bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến rất phức tạp; kinh tế trong nước vẫn còn nhiều khó khăn, SX-KD phục hồi chậm, tổng cầu của nền kinh tế vẫn thấp; số doanh nghiệp phải giải thể, ngừng hoặc thu hẹp hoạt động còn lớn. Những tồn tại hạn chế trong nội tại nền kinh tế và những bất ổn từ môi trường kinh tế quốc tế, đặc biệt là giá dầu thô thời gian qua có những biến động khó lường đã tác động đến tình hình thực hiện các chỉ tiêu tài chính- NSNN.

Thực hiện các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, ngành Tài chính đã tập trung triển khai các giải pháp về tài chính- NSNN nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất- kinh doanh, hỗ trợ thị trường, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Chính sách động viên ngân sách trong giai đoạn này được hoàn thiện nhằm mục tiêu đa dạng hóa các nguồn lực từ ngân sách, ngoài ngân sách, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước để vừa thúc đẩy kinh tế phát triển, đảm bảo ASXH vừa xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo an ninh, quốc phòng. Công tác tài chính- NSNN tiếp tục được đổi mới để trở thành công cụ sắc bén trong điều tiết vĩ mô nền kinh tế, động viên hợp lý mọi nguồn lực, tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh. Đây cũng là giai đoạn ngành Tài chính đẩy mạnh công khai minh bạch chính sách theo yêu cầu hội nhập và tăng cường các chính sách vĩ mô để điều hành kinh tế vượt qua khó khăn suy giảm do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và những bất ổn về kinh tế- chính trị toàn cầu.

Công tác cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đặc biệt là trong lĩnh vực thuế và hải quan đã được triển khai quyết liệt nhằm rút ngắn số giờ kê khai, nộp thuế cho các doanh nghiệp, đẩy mạnh tự động hóa quy trình tiếp nhận giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính thuế, khuyến khích các doanh nghiệp thực hiện việc kê khai nộp thuế qua mạng... góp phần giảm thiểu chi phí và tạo thuận lợi ở mức cao nhất cho doanh nghiệp, người nộp thuế. Bên cạnh đó, nhiều cải cách thể chế quan trọng về tài chính- NSNN, thuế, thị trường tài chính, giá cả, dự trữ, công sản, tài chính doanh nghiệp dần được hoàn thiện; tăng cường xã hội hoá, huy động nguồn lực phát triển giáo dục, đào tạo, y tế, văn hoá, xã hội, môi trường... Đồng thời, mở rộng các hình thức đầu tư công trình kết cấu hạ tầng theo phương thức kết hợp công- tư và khuyến khích tư nhân đầu tư kinh doanh các công trình này. Tiếp tục thực hiện huy động vốn thông qua phát hành trái phiếu, sử dụng có hiệu quả nguồn trái phiếu Chính phủ cho các dự án giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục, xây dựng nông thôn mới; phát triển thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa, sắp xếp lại doanh nghiệp Nhà nước theo đúng lộ trình. Phát triển TTCK, thị trường vốn theo hướng ổn định và minh bạch đảm bảo huy động vốn cho đầu tư phát triển.

Trong giai đoạn này, hệ thống pháp luật về tài chính đã đáp ứng yêu cầu của Đảng là “Xây dựng đồng bộ thể chế tài chính phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”. Tiềm lực tài chính Nhà nước ngày càng được củng cố và lớn mạnh, thu NSNN hàng năm đều vượt so với kế hoạch và năm sau cao hơn năm trước; quy mô thu NSNN giai đoạn 2011-2015 tăng gần 2 lần giai đoạn 2006-2010; cơ cấu thu đã có chuyển biến tích cực, thu nội địa chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng thu NSNN tăng từ mức 58% giai đoạn 2006-2010 lên gần 67% giai đoạn 2011-2015. Ngân sách nhà nước đảm bảo chi cho các nhiệm vụ phát triển KT-XH, an ninh, quốc phòng của đất nước; cơ cấu chi NSNN đã được thay đổi theo hướng tiếp tục ưu tiên đầu tư cho con người. Chi cho ASXH tăng bình quân khoảng 18%/năm, cao hơn tốc độ tăng thu NSNN (bình quân khoảng 9-10%) và tốc độ tăng chi NSNN (bình quân khoảng 12%/năm). Thị trường chứng khoán tiếp tục phát triển theo hướng ổn định, tích cực, mức vốn hóa thị trường đến nay đạt khoảng 31% GDP. Thị trường bảo hiểm tiếp tục duy trì mức tăng trưởng ổn định. Công tác thanh tra, kiểm tra tài chính- ngân sách được tăng cường. An ninh tài chính được giữ vững với mức bội chi trong phạm vi kiểm soát; nợ công, nợ Chính phủ nằm trong giới hạn cho phép đã góp phần làm ổn định cân đối vĩ mô nền kinh tế. Ngành Tài chính đã chủ động hội nhập quốc tế về tài chính, tham gia tích cực, có hiệu quả trong các quan hệ tài chính song phương và đa phương, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Lịch sử 70 năm xây dựng và phát triển ngành Tài chính cách mạng Việt Nam đã ghi nhận sự cống hiến công sức, tâm huyết của rất nhiều bậc lão thành cách mạng và lớp lớp cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài chính “vừa hồng, vừa chuyên”. Xác định nhân tố con người là yếu tố quyết định, công tác đào tạo cán bộ, phát triển nguồn nhân lực, kiện toàn bộ máy luôn được ngành Tài chính chú trọng xây dựng và không ngừng hoàn thiện. Lớp lớp cán bộ tài chính đã nối tiếp truyền thống đoàn kết và vẻ vang của ngành, không ngừng bồi dưỡng, rèn luyện nâng cao trình độ, giữ gìn phẩm chất, tô đậm thêm nét son “cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư” của người cán bộ tài chính. Từ một số ít cán bộ kinh tài thủa ban đầu, đến nay đội ngũ cán bộ tài chính cả nước đã không ngừng lớn mạnh, nhiều cán bộ được đào tạo có hệ thống, có trình độ chuyên môn, trình độ về lý luận chính trị, tư duy quản lý; có kỹ năng ứng dụng công nghệ quản lý hiện đại; có phẩm chất đạo đức, chính trị vững vàng. Chính đội ngũ cán bộ tài chính ngày nay đã và đang tiếp nối, phát huy truyền thống của các lớp thế hệ cán bộ tài chính đi trước góp phần quan trọng vào thành công của ngành Tài chính trong nhiều thập kỷ qua và sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ ngày càng đòi hỏi cao hơn trong giai đoạn tới.

Thưa các đồng chí !

Nhìn lại chặng đường 70 năm xây dựng và trưởng thành, ngành Tài chính tự hào về truyền thống vẻ vang, những thành tựu đã đạt được trong thời gian qua. Có thể nói, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Bác Hồ kính yêu, ngành Tài chính đã từng bước trưởng thành và phát triển về quy mô và chất lượng đã đóng góp tích cực vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và phát triển kinh tế. Trong những năm qua, đặc biệt là qua 30 năm đổi mới, ngành Tài chính với tư cách là một ngành tổng hợp, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, đã đi đầu trong đổi mới cơ chế, chính sách, trực tiếp tham gia và phối hợp điều hành quản lý vĩ mô của nền kinh tế đã và đang góp phần quan trọng thúc đẩy công cuộc đổi mới, phân phối có hiệu quả nguồn lực xã hội, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng KT-XH; tập trung đầu tư phát triển con người, xoá đói, giảm nghèo; củng cố quốc phòng, an ninh; đồng thời, là công cụ có hiệu quả để kiểm soát lạm phát, kiểm soát bội chi NSNN, ổn định và lành mạnh hoá nền tài chính quốc gia, tạo điều kiện vững chắc cho đất nước phát triển trong giai đoạn cách mạng mới.

Trải qua chặng đường 70 năm trong bất cứ giai đoạn cách mạng, hoàn cảnh, thử thách nào dù khó khăn, gian nan đến đâu ngành Tài chính cũng tuyệt đối trung thành với sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Tài chính Việt Nam luôn gắn liền với sự nghiệp cách mạng, đất nước, luôn phấn đấu là nền Tài chính của nhân dân, vì nhân dân, đất nước phục vụ. Thành tựu trong cải cách, phát triển của ngành Tài chính thời gian qua thể hiện tinh thần đổi mới không ngừng, nỗ lực vượt lên chính mình trong công việc, sự đoàn kết đồng lòng, hăng hái thi đua, tích cực lao động và sáng tạo của các thế hệ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành Tài chính. Đồng thời, cũng minh chứng cho sự đúng đắn và sáng tạo trong đường lối, chủ trương phát triển của Đảng và Nhà nước ta.

Ghi nhận những thành tích, đóng góp của ngành Tài chính trong quá trình xây dựng và trưởng thành, ngành Tài chính đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, hàng trăm Huân chương Độc lập, Huân chương Chiến công, hàng nghìn Huân chương Lao động và nhiều phần thưởng cao quý khác...

Thưa các đồng chí !

Phấn khởi, tự hào trước những thành tựu đã đạt được, chúng ta cũng nghiêm khắc tự kiểm điểm để thấy được những hạn chế, khó khăn, thách thức để khắc phục trong giai đoạn tới, đó là: Tính ổn định, bền vững trong huy động các nguồn lực chưa cao; Hiệu quả phân phối và sử dụng nguồn lực tài chính còn hạn chế, tình trạng lãng phí, kém hiệu quả trong chi NSNN chậm được khắc phục; Việc đổi mới cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp công tuy có bước phát triển tích cực song còn chậm so với yêu cầu đề ra; Sự kết hợp giữa các cơ quan chức năng trong giám sát tài chính trong một số khâu còn hạn chế; Công tác cải cách hành chính tuy đã có những bước tiến song vẫn chưa theo kịp với đòi hỏi của thực tiễn KT-XH.

Những khó khăn, thách thức trên đòi hỏi toàn ngành Tài chính từ Trung ương đến địa phương phải có những nỗ lực mới, giải pháp mới để hoàn thành nhiệm vụ trên chặng đường phía trước mà Đảng và nhân dân giao cho. Trước mắt, toàn Ngành phải tập trung thực hiện thắng lợi mục tiêu nhiệm vụ tài chính- NSNN năm 2015, của cả giai đoạn 2011-2015 và sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ mới mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII sắp tới sẽ đề ra.

Thưa các đồng chí!

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong 70 năm phát triển, trong đó có 30 năm đổi mới đã làm cho thế và lực của đất nước ta được củng cố và tăng cường. Thành công của hoạt động tài chính- NSNN trong 30 năm đổi mới và giai đoạn 2011- 2015 đã tạo tiền đề và nền tảng vững chắc để ngành Tài chính phát triển nhanh hơn, hiệu quả hơn trong những năm tiếp theo. Quá trình hội nhập kinh tế, tài chính sâu rộng và toàn diện sẽ mang lại nhiều thời cơ thuận lợi nhưng cũng đặt ra cho ngành Tài chính không ít khó khăn, thách thức. Đại hội XII sắp tới của Đảng sẽ đề ra những nhiệm vụ chiến lược xây dựng đất nước trong thời kỳ mới, với mục tiêu tăng trưởng cao và bền vững. Do vậy, trong giai đoạn 2016-2020, ngành Tài chính cần tiếp tục phát huy sức mạnh đoàn kết, nâng cao ý thức tự lực, tự cường, tăng cường kỷ cương, kỷ luật, tạo động lực mạnh mẽ trong toàn ngành quyết tâm hoàn thành thắng lợi các mục tiêu và nhiệm vụ chính trị được giao.

Để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ, chiến lược phát triển kinh tế- xã hội của Đảng và Nhà nước trong giai đoạn tới, toàn ngành Tài chính cần tích cực phấn đấu, chủ động thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ giải pháp và các nhiệm vụ tài chính dưới đây:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính nhằm tạo động lực phát triển KT-XH của đất nước; huy động hợp lý đảm bảo nguồn lực NSNN để thực hiện các nhiệm vụ của quốc gia; đảm bảo tính đồng bộ, công khai, minh bạch, phù hợp với sự phát triển của kinh tế thị trường và yêu cầu hội nhập quốc tế. Trong đó, tập trung hoàn thiện thể chế về quản lý NSNN; chính sách động viên ngân sách, quản lý giá; quản lý tài chính doanh nghiệp; đẩy mạnh thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong khu vực hành chính và sự nghiệp công; tăng cường quản lý giám sát nợ công, nợ nước ngoài quốc gia; phát triển đồng bộ các loại hình thị trường tài chính, dịch vụ tài chính; đẩy mạnh tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động DNNN…Đồng thời, thực hiện chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, hiệu quả, tăng cường phối hợp giữa chính sách tài khóa và tiền tệ với các chính sách khác để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế. Nâng cao vai trò quản lý giá theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Đổi mới, hiện đại hóa phương thức quản lý thu thuế; xây dựng giải pháp, chính sách phù hợp để hạn chế tác động do giảm thu từ các nguồn tài nguyên, khoáng sản và từ thực hiện các cam kết quốc tế về thuế quan; đồng thời, khuyến khích cạnh tranh, tích tụ vốn cho sản xuất kinh doanh.

Hai là, thực hiện điều chỉnh cơ cấu chi NSNN hiệu quả, vững chắc phù hợp với điều chỉnh chính sách phát triển KT-XH. Phân bổ tập trung, sử dụng hiệu quả, ưu tiên đầu tư cho con người, kết cấu hạ tầng KT-XH trọng điểm của đất nước. Nâng cao vai trò định hướng nguồn lực tài chính nhà nước trong phát triển kinh tế- xã hội; đồng thời, thu hút mạnh mẽ sự tham gia đầu tư của khu vực tư nhân để tăng nguồn lực đầu tư toàn xã hội. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong chi NSNN. Tiếp tục ưu tiên bố trí NSNN cho các lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế theo các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội; tăng tỷ trọng vốn đầu tư cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế vào phát triển nông nghiệp nông thôn.

Ba là, hoàn thiện chính sách, cơ chế tài chính đối với khu vực khu vực sự nghiệp công. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành việc giao quyền tự chủ toàn diện cho khu vực sự nghiệp công lập; thực hiện tính đúng, tính đủ giá dịch vụ công theo lộ trình, đảm bảo công khai, minh bạch; chuyển một số loại phí, lệ phí sang giá dịch vụ, đồng thời thực hiện chính sách NSNN hỗ trợ trực tiếp cho các đối tượng chính sách, người nghèo; đồng thời, thực hiện có hiệu quả cơ chế đấu thầu, đặt hàng, mua hàng, giao nhiệm vụ phù hợp với các hoạt động dịch vụ công.

Bốn là, xây dựng, hoàn thiện cơ chế giám sát tài chính doanh nghiệp, thúc đẩy quản trị công ty, minh bạch và công khai thông tin tài chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của DNNN và hiệu quả sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Phấn đấu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, cổ phần hóa DNNN theo yêu cầu của luật Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; giải phóng nguồn lực, thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển gắn với đổi mới cơ chế tài chính doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu hội nhập và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam.

Năm là, tăng cường giám sát của Nhà nước đối với hoạt động của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính, đảm bảo thị trường vận hành thông suốt phù hợp với các thông lệ quốc tế. Thúc đẩy thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, hiệu quả, phấn đấu đến năm 2020 đưa thị trường chứng khoán trở thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chủ đạo của nền kinh tế; thực hiện đồng bộ các giải pháp để phát triển thị trường trái phiếu, trái phiếu Chính phủ, thị trường bảo hiểm; nâng cao yêu cầu về mức độ an toàn của Thị trường chứng khoán và các doanh nghiệp bảo hiểm; phát triển đồng bộ thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán, xếp hạng tín nhiệm, tư vấn thẩm định giá, tư vấn thuế, đại lý hải quan,...

Sáu là, đa dạng hóa nội dung, hình thức và các đối tác hợp tác quốc tế, chủ động xây dựng chính sách hội nhập tài chính hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, gắn với yêu cầu hiện đại hóa ngành Tài chính. Đảm bảo tính nhất quán trên cơ sở cam kết về mức độ và lộ trình đã đưa ra; tăng cường theo dõi, giám sát thực hiện quá trình hội nhập, hoàn thiện các công cụ phân tích, đánh giá tác động hội nhập để kịp thời đề ra các giải pháp điều chỉnh hợp lý, hạn chế tối đa các tác động tiêu cực.

Bảy là, Nâng cao hiệu lực và hiệu quả kiểm tra, thanh tra đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, gian lận thuế. Nâng cao năng lực, chất lượng hoạt động của công tác kiểm tra, thanh tra tài chính trong tất cả các lĩnh vực; tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong nội bộ ngành Tài chính và với các cơ quan chức năng ở Trung ương và địa phương có liên quan trong việc xây dựng cơ chế trao đổi thông tin, nghiệp vụ nhằm định hướng công tác thanh tra, kiểm tra đáp ứng được các yêu cầu thực tế trong công tác quản lý nhà nước của Ngành. Nâng cao năng lực tổ chức, quản lý và giám sát tài chính quốc gia, đảm bảo an ninh, an toàn tài chính công; cơ cấu lại nợ công, tăng cường quản lý nợ nước ngoài của quốc gia; giám sát việc huy động, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ.

Tám là, đẩy mạnh việc đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với hiện đại hóa và ứng dụng CNTT, đặc biệt là các lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc nhà nước, chứng khoán, bảo hiểm, tài chính doanh nghiệp,… nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế; đảm bảo minh bạch và nâng cao hiệu quả giám sát của xã hội. Hiện đại hóa nền tài chính quốc gia; đồng thời, xây dựng kiến trúc tổng thể ứng dụng CNTT của ngành Tài chính giai đoạn 2016- 2020 và định hướng đến năm 2025 nhằm đổi mới cải cách toàn diện công tác quản lý tài chính, triển khai các hệ thống CNTT đồng bộ, tập trung.

Chín là, phát triển nguồn nhân lực đi đôi với sắp xếp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý tài chính. Xây dựng đội ngũ công chức, viên chức ngành Tài chính đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp. Tiếp tục thực hiện sâu rộng cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong toàn ngành. Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm toán nội bộ. Nâng cao vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị và cán bộ, công chức, viên chức của ngành Tài chính trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và phòng, chống tham nhũng; xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các trường hợp sai phạm gây lãng phí, tham nhũng, tiêu cực.

Mười là, nâng cao hiệu quả công tác thông tin tuyên truyền và phổ biến chính sách, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước; cập nhật kịp thời và phổ biến rộng rãi các cơ chế chính sách tài chính mới, các hoạt động của ngành; chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí ngoài ngành nhằm tăng cường hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về lĩnh vực tài chính góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước về tài chính và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của ngành Tài chính. Qua đó, tăng cường sự phối hợp và tạo sự đồng thuận cao giữa các cấp, các ngành, các địa phương, toàn hệ thống chính trị nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế- xã hội. Mở rộng phong trào thi đua của Ngành tài chính, tiếp tục thực hiện tốt công tác an sinh xã hội và nhiệm vụ quốc phòng, an ninh.

Thưa các đồng chí !

Trải qua 70 năm xây dựng và trưởng thành, từ một nền tài chính non trẻ chúng ta đã xây dựng được một nền tài chính trưởng thành về mọi mặt, góp phần đắc lực, có hiệu quả vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Vui mừng trước những thành tựu đạt được, nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm đặc biệt trong giai đoạn mới, toàn thể đội ngũ cán bộ, công chức ngành Tài chính quyết tâm tranh thủ tối đa các điều kiện thuận lợi, vượt qua mọi khó khăn, thách thức; phát huy truyền thống đoàn kết phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, nhà nước và nhân dân đã giao phó. Mỗi cán bộ tài chính Việt Nam nhất định sẽ xứng đáng hơn nữa với lòng tin của Đảng, Nhà nước và nhân dân, xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của ngành; giữ vững và phát huy tô thắm nét son của ngành Tài chính.

Xin chân thành cảm ơn các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các Bộ, ngành, chính quyền địa phương, các thế hệ cán bộ tài chính, các đoàn thể và các cơ quan thông tin, tuyên truyền và toàn thể nhân dân đã và đang lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp, hỗ trợ và giúp đỡ ngành Tài chính thực hiện nhiệm vụ một cách hiệu quả.

Cuối cùng, xin kính chúc các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc các đồng chí cán bộ lão thành, các đại biểu và toàn thể các đồng chí mạnh khoẻ, hạnh phúc.

Xin trân trọng cảm ơn !



(*) Tít bài do Tạp chí Tài chính đặt.