Ngành Tài chính Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội từ AEC

Theo baohaiquan.vn

Ngày 18/11, tại Hội thảo khoa học Cơ hội và thách thức đối với ngành Tài chính Việt Nam trước thềm Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), các chuyên gia ngành Tài chính đã phân tích và nhận định AEC sẽ mang lại cơ hội thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, phát triển thị trường tài chính sâu hơn, tạo cú hích cho doanh nghiệp phát triển bền vững, tác động đến quá trình cải cách thuế và thu ngân sách của Việt Nam.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Tại hội thảo các nhà khoa học, các chuyên gia tài chính đã cùng nhau trao đổi những nhận định về ngành Tài chính Việt Nam khi gia nhập AEC, đồng thời đưa ra các giải pháp, các kiến nghị để ngành Tài chính đón đầu thử thách và tận dụng cơ hội phát triển thị trường Tài chính khi gia nhận AEC.

Theo Phó Giáo sư- Tiến sĩ Phạm Hoàng Ngân, Hiệu trưởng Trường Đại học Tài chính Marketing, AEC sẽ được thành lập vào cuối năm 2015, sẽ tạo động lực mới thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài. Việc phát triển thị trường vốn trong khuôn khổ AEC sẽ giúp doanh nghiệp trong nước chuyển đổi cơ cấu nguồn vốn, giảm dần lệ thuộc vào tín dụng ngân hàng, nâng cao năng lực quản trị công ty.

Đánh giá về thực trạng thị trường vốn, Tiến sĩ Phạm Quốc Việt, Trường Đại học Tài chính Marketing cho rằng, thị trường trái phiếu doanh nghiệp mặc dù không được giao dịch sôi động như thị trường cổ phiếu, nhưng là nơi tập trung các nhà đầu tư tổ chức và quy mô lớn. Tuy nhiên, nếu so với thị trường trái phiếu của một số nước ASEAN, như: Thái Lan, Singapore, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam quá nhỏ bé, quy mô thị trường khiêm tốn. Chẳng hạn, quy mô thị trường tại Singapore năm 2014 là 97,74 tỷ USD; Thái Lan là 70,17 tỷ USD, trong khi đó Việt Nam chỉ là 0,63 tỷ USD.

Để tận dụng được cơ hội và vượt qua được thách thức cần phải hoàn thiện khung pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán; đẩy nhanh tiến trình nâng cấp công nghệ hệ thống giao dịch và thanh toán bù trự; doanh nghiệp cần chủ động đap ứng các tiêu chuẩn chung trong tiến trình hội nhập; nhận diện và giám sát rủi ro hệ thống tài chính…
Tiến sĩ Trần Quốc Tuấn

Bên cạnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp trong nước, một số doanh nghiệp Việt Nam đã mạnh dạn phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Tiến sĩ Phạm Quốc Việt, thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam chưa phát triển như kì vọng và tiềm năng. Có 4 nguyên nhân hạn chế, đó là: Chưa có Tổ chức xếp hạng có uy tín; nhiều doanh nghiệp lớn chưa chủ động trong việc công khai minh bạch hoạt động của mình, nên hạn chế việc thu hút đầu tư; chưa có tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp uy tín, hiện nay hầu hết phải dựa và các doanh nghiệp nước ngoài; chưa có chương trình tiếp thị nghiêm túc đến nhà đầu tư.

Sau khi phân tích về thị trường vốn Việt Nam, những cơ hội và thách thức đối với phát triển thị trường vốn trong khuôn khổ AEC, các chuyên gia tài chính đã đưa ra một số gợi ý chính sách phát triển thị trường vốn Việt Nam trong hội nhập AEC, gồm: phát triển phía cung; phát triển phía cầu; phát triển sản phẩm; phát triển các tổ chức trung gian và hoàn thiện quản lý thị trường.

Trong đó, về phát triển cung, các chuyên gia cho rằng, phải đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước. Ngoài những doanh nghiệp Nhà nước cần nắm giữ trên 50% cổ phần, những doanh nghiệp còn lại nếu đủ điều kiện cổ phần hóa nên bán hết phần vốn Nhà nước, đặc biệt là những doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; bán bớt số cổ phần Nhà nước nắm giữ tại các công ty cổ phần; hoàn thành quy định chào bán chứng khoán ra nước ngoài…

Không chỉ tác động đến thị trường vốn, các chuyên gia cũng dành nhiều thời gian phân tích những tác động của AEC đến thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo Tiến sĩ Trần Quốc Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu khoa học và đầu tư Chứng khoán TP.HCM, hội nhập AEC mang đến nhiều cơ hội cho thị trường chứng khoán trong việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đa dạng hóa các sản phẩm tài chính, cũng như tăng tính thanh khoản và minh bạch cho thị trường chứng khoán Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam cũng phải lường trước những thách thức về sự cạnh tranh khốc liệt hơn trên thị trường tài chính giữa các nước, thách thức năng lực của hệ thống giám sát và quản lý dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Theo Tiến sĩ Trần Quốc Tuấn, để tận dụng được cơ hội và vượt qua được thách thức cần phải hoàn thiện khung pháp lý về chứng khoán và thị trường chứng khoán; đẩy nhanh tiến trình nâng cấp công nghệ hệ thống giao dịch và thanh toán bù trừ, doanh nghiệp cần chủ động đáp ứng các tiêu chuẩn chung trong tiến trình hội nhập; nhận diện và giám sát rủi ro hệ thống tài chính…

Tại hội thảo các nhà khoa học, các chuyên gia tài chính đã cùng nhau trao đổi những nhận định về ngành Tài chính Việt Nam khi gia nhập AEC, đồng thời đưa ra các giải pháp, các kiến nghị để ngành Tài chính đón đầu thử thách và tận dụng cơ hội phát triển thị trường Tài chính khi gia nhận AEC.