Ngành Thuế Đắk Nông nâng cao hiệu quả xử lý nợ đọng

PV.

(Tài chính) Trong những năm gần đây, tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đều vượt chỉ tiêu mà Trung ương và địa phương giao, nhưng tình trạng nợ đọng thuế vẫn là điều đáng lo ngại. Năm 2013, ngành Thuế Tỉnh xác định là năm trọng tâm để thu nợ và kiềm chế nợ đọng thuế, không để nợ đọng tăng cao.

Ngành Thuế Đắk Nông nâng cao hiệu quả xử lý nợ đọng
Cán bộ Thuế Đắk Nông đôn đốc nộp thuế. Nguồn: Internet

Nợ đọng thuế không ngừng tăng lên

Theo báo cáo của Cục Thuế Đắk Nông, tính đến nay, số nợ đọng thuế từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn Tỉnh đã lên tới gần 270 tỷ đồng. Trong đó, nợ khó thu là trên 105 tỷ đồng, nợ chờ xử lý là gần 4,5 tỷ đồng, còn nợ có khả năng thu là trên 160 tỷ đồng.

Ông Bùi Hữu Nghị, Cục trưởng Cục Thuế Tỉnh chia sẻ, thực hiện nhiệm vụ thu hồi nợ đọng thuế và cưỡng chế nợ thuế đang là một vấn đề đặc biệt khó khăn đối với ngành Thuế. Thời gian qua, tại một số địa phương đã thực hiện tương đối tốt việc cưỡng chế nợ thuế đối với các trường hợp cố tình dây dưa, chây ỳ. Qua đó, ý thức chấp hành pháp luật thuế của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn Tỉnh được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, một số chi cục Thuế chưa thực hiện tốt việc cưỡng chế nợ thuế đối với khoản nợ trên 90 ngày, nên công tác xử lý nợ đọng thuế vẫn chưa đạt cao. Ngoài ra, một bộ phận không nhỏ tổ chức, cá nhân người nộp thuế chưa nêu cao tinh thần thực hiện nghĩa vụ của mình với ngân sách Nhà nước nên số nợ đọng thuế không ngừng tăng lên.

Nâng cao hiệu quả xử lý nợ đọng

Ông Bùi Hữu Nghị cho biết, trước tình trạng nợ đọng thuế tăng cao, ngành Thuế Đắk Nông xác định, cần phải quyết liệt trong việc xử lý nợ đọng thuế bằng việc thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó, đề cao chủ trương vận dụng linh hoạt các biện pháp cưỡng chế nợ đọng thuế nếu xét thấy có hiệu quả trong việc thu hồi nợ đọng thuế.

Thứ nhất, ngoài công tác tuyên truyền, ngành Thuế sẽ tổ chức phát động thi đua trong toàn ngành tập trung cho công tác thu nợ đọng thuế, từ đó, giao chỉ tiêu thu nợ cho từng tập thể, cá nhân cũng như có biện pháp khen thưởng, chế tài kịp thời. Sau nữa, công tác chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tập trung phân tích tình hình nợ đọng thuế theo Quy trình quản lý thu nợ số 1395/QÐ-TCT ngày 14/10/2011 của Tổng cục Thuế.

Theo Quyết định trên, hàng tháng các chi cục Thuế phải phân tích làm rõ nguyên nhân tăng số nợ đọng thuế để có biện pháp xử lý phù hợp; đồng thời, đẩy mạnh đôn đốc đối với các khoản nợ dưới 90 ngày bằng các biện pháp như gọi điện thoại nhắc nhở, mời lên làm việc và tính phạt nộp chậm… Ðối với những doanh nghiệp cố tình dây dưa, chây ỳ nợ thuế với các khoản nợ trên 90 ngày thì ngành Thuế Tỉnh kiên quyết thực hiện các biện pháp cưỡng chế.

Thứ hai, theo Chỉ thị số 19/CT-UBND về công tác thu nợ và cưỡng chế nợ thuế và Quyết định 1155/QÐ-UBND về việc thành lập Ban chỉ đạo thu nợ và cưỡng chế nợ thuế của Ủy ban Nhân dân Tỉnh, ngành Thuế Đắk Nông cùng với các cấp, các ngành có liên quan sẽ phối hợp chặt chẽ với nhau để kiềm chế số nợ đọng tăng cao. Trong đó, Ban chỉ đạo thu nợ và cưỡng chế nợ thuế sẽ chủ động tham mưu, đề ra nhiều giải pháp sát thực, linh hoạt, cụ thể và chi tiết để thực hiện sát sao việc xử lý từng nhóm nợ.

Cần sự chung tay vào cuộc

Lãnh đạo Thuế Đắk Nông chia sẻ, tình trạng nợ đọng thuế trên địa bàn Tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đang là một vấn đề đáng báo động đối với cơ quan quản lý thuế các cấp. Vì vậy, các cấp, các ngành phải xác định, đây là nhiệm vụ chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội để cùng vào cuộc. Trong thời gian tới, không chỉ ngành Thuế Đắk Nông mà các ngành chức năng, hệ thống kho bạc Nhà nước, tổ chức tín dụng cũng như các cơ quan luật pháp cần nhận thức đúng về nhiệm vụ phối hợp trong công tác thu hồi các khoản nợ đọng thuế.

Theo đó, chính quyền địa phương, các cấp cần chỉ đạo các phòng, ban có liên quan tích cực phối hợp với chi cục Thuế các huyện, thị xã trong việc tổ chức, đôn đốc thu nợ đọng và cưỡng chế nợ thuế. Các địa phương cần đẩy mạnh việc phối hợp với các xã, phường, thị trấn tiến hành rà soát, truy tìm, xác minh các cơ sở kinh doanh nợ đọng thuế đã bỏ trốn, mất tích, không còn địa chỉ kinh doanh trên địa bàn để xác lập hồ sơ pháp lý, đề nghị cấp có thẩm quyền xóa nợ thuế theo quy định của pháp luật.

Ðối với các tổ chức tín dụng, cần cung cấp thông tin chính xác về các tổ chức, cá nhân nợ thuế, nhất là về tài sản của người nợ thuế đang cầm cố, thế chấp để kịp thời phục vụ cho công tác cưỡng chế nợ thuế. Cụ thể, ngay sau khi nhận được quyết định cưỡng chế nợ thuế do cơ quan thuế gửi đến thì các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng phải tiến hành phong tỏa ngay tài khoản của người nộp thuế; trong thời gian 30 ngày, nếu tài khoản phát sinh có thì các tổ chức tín dụng sẽ thực hiện trích nộp ngay vào ngân sách Nhà nước và thông báo kịp thời kết quả cho cơ quan thuế.

Ngoài ra, ngành Thuế Đắk Nông cũng mong nhận được sự hỗ trợ kịp thời của các cơ quan báo chí trong việc tuyên truyền và nâng cao ý thức chấp hành của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đối với chính sách, pháp luật thuế, quyền và nghĩa vụ về thuế.

Hy vọng rằng, với việc thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành chức năng, đến hết năm 2013, tình trạng nợ đọng thuế sẽ được giảm đến mức đáng kể, góp phần vào sự thành công của công tác thu ngân sách Nhà nước trên toàn địa bàn tỉnh Đắk Nông.