Ngành Thuế: Giảm áp lực, giảm thủ tục


Thời gian qua, cơ quan thuế đã gấp rút triển khai thực hiện gói giải pháp tài chính 29.000 tỷ đồng và tiến hành cải cách thủ tục hành chính để giảm bớt áp lực cho DN trong giai đoạn kinh doanh khó khăn. Xung quanh vấn đề này, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, đã có vài chia sẻ với Đầu tư Tài chính.

Ngành Thuế: Giảm áp lực, giảm thủ tục - Ảnh 1

Ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế

Phóng viên: Thưa ông, khi gói cứu trợ này được đưa ra, nhiều ý kiến cho rằng việc miễn, giảm, giãn thuế không có tác động tích cực đến việc “cứu” DN, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Cao Anh Tuấn:
Dù các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế được áp dụng so với những khó khăn của DN vẫn còn khá khiêm tốn, nhưng đây cũng là một sự hỗ trợ thiết thực để giúp DN phần nào vượt qua khó khăn.

Nếu như các chính sách tiền tệ khác có ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất của DN ngay lập tức, thì chính sách tài khóa có khác hơn một chút, DN chưa thể nhận thấy được lợi ích ngay lập tức. Chẳng hạn, nếu một DN sản xuất đạt được lợi nhuận trước thuế 10 tỷ đồng, phải nộp đến 2,5 tỷ đồng tiền thuế, thì hiện nay DN giữ lại được khoảng 700 triệu đồng tiền thuế.

Các DN có thể sử dụng số tiền này để làm vốn kinh doanh như một khoản tiền vay có lãi suất 0%. Do đó, các giải pháp gia hạn nộp thuế vừa có vai trò tháo gỡ khó khăn trước mắt cho DN, vừa giúp DN tăng đồng vốn đầu tư, tăng tốc độ luân chuyển vốn để khai thông hoạt động sản xuất.

Trong các giải pháp hỗ trợ DN, các chính sách hạ lãi suất hay miễn giảm thuế đều có ý nghĩa như nhau, cùng mục đích hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn hiện tại. Nhiều DN cho rằng, việc gia hạn thuế không mang lại nhiều lợi ích bằng việc điều chỉnh lãi suất giúp DN tiếp cận vốn.

Nhưng nếu phân tích như trên, có thể thấy chính sách miễn, giảm, giãn thuế có ý nghĩa tích cực đối với những khó khăn của DN. Tuy nhiên, tự các DN cũng cần phải tìm cách thúc đẩy đầu ra, cân đối giá cả, tìm thị trường tiêu thụ để khơi thông nguồn vốn tự có để đồng bộ với các chính sách hỗ trợ, nhằm đạt được hiệu quả tốt nhất để có thể vượt qua khó khăn.

Phóng viên: Vấn đề thủ tục hành chính cũng là một điều khiến các DN rất e ngại khi tiếp xúc và làm việc với cơ quan thuế?

Ông Cao Anh Tuấn: Thủ tục hành chính không phải là rào cản khiến các DN đình đốn hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng không gây nên tình trạng sụt giảm sức mua. Nhưng cần phải nhìn nhận rằng, thủ tục hành chính rườm rà khiến DN khó tiếp cận và nhận được các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Do đó, chúng tôi đang quyết liệt thúc đẩy cải cách thủ tục hành chính thuế và hải quan để tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thông thoáng cho DN, giảm bớt thời gian và chi phí khi DN tham gia nộp thuế.

Theo mục tiêu, từ nay đến năm 2015, cơ quan thuế sẽ triển khai sử dụng hóa đơn điện tử đối với tất cả nhóm DN lớn nhằm giao quyền tự chủ và tự chịu trách nhiệm cho DN trong việc sử dụng hóa đơn.

Ngoài ra, các DN thuộc nhóm có doanh thu cao và nộp thuế nhiều, hoặc các DN nằm trong nhóm sử dụng nhiều hóa đơn cung cấp cho khách hàng như hàng không, ngân hàng, viễn thông, điện lực… cũng nên sử dụng hóa đơn điện tử để tiết kiệm chi phí in, gửi, bảo quản, lưu trữ và thuận tiện cho việc hạch toán, kế toán.

Phóng viên: Cụ thể đã có DN nào triển khai hóa đơn điện tử thành công?

Ông Cao Anh Tuấn:Tại TPHCM, Tổng cục Thuế cũng đã đồng ý cho Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVN TPHCM) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam thí điểm thực hiện hóa đơn điện tử trong hoạt động bán điện cho khách hàng.

Theo đó, EVN TPHCM chuyển toàn bộ hóa đơn lên website của công ty để khách hàng vào đó truy cập, nhận thông tin và tải hóa đơn về. Nếu khách hàng cần hóa đơn để kê khai, khấu trừ thuế, EVN in hóa đơn ra để gửi cho khách hàng.

Ngoài ra, thời gian qua, ngành thuế đã ưu tiên cho các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin để mang đến các dịch vụ tiện ích cho DN. Theo thống kê, hiện nay, đã có khoảng 150.000 DN trên cả nước tiến hành kê khai thuế qua mạng, đến hết năm nay, con số này sẽ ở mức 200.000 DN.

Nếu hoạt động này được triển khai rộng khắp, các DN sẽ giảm bớt thời gian và chi phí cũng như những áp lực không cần thiết để tập trung vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Phóng viên: Xin cảm ơn ông.