Ngành Thuế Hải Phòng: Quyết tâm về đích đúng hẹn

PV.

(Tài chính) Năm 2013 đang dần khép lại với vô vàn khó khăn thách thức do những tác động xấu từ khủng hoảng, suy thoái kinh tế, doanh nghiệp phá sản và đình đốn trong sản xuất kinh doanh... ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả thu ngân sách của cả nước cũng như của ngành Thuế Hải Phòng. Trong những ngày còn lại của năm, cùng với ngành Thuế cả nước Cục Thuế Hải Phòng đang dồn sức để đạt kết quả cao nhất, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao...

Cán bộ Thuế Hải Phòng hướng dẫn khách hàng làm thủ tục nộp thuế.
Cán bộ Thuế Hải Phòng hướng dẫn khách hàng làm thủ tục nộp thuế.

Nỗ lực cao nhất

Theo Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng Vũ Công Nhĩ: Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách năm 2013, tháng 12, toàn ngành Thuế Hải Phòng cố gắng đạt số thu 850- 900 tỷ đồng. Đây là một chỉ tiêu khá cao nhưng phải  nỗ lực để cả năm đạt 8400 tỷ đồng như dự kiến. Thời gian còn lại của tháng 12 không nhiều, Cục Thuế Hải Phòng yêu cầu  các đơn vị thu riết róng rà soát từng khoản thu, đặc biệt là các khoản nợ đọng và phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu tháng 12. Khó khăn còn nhiều, nhưng từ Cục Thuế tới các đơn vị đều đang cố gắng tranh thủ từng cơ hội để tăng số thu.

Theo số liệu tổng hợp, từ đầu năm đến nay, do những khó khăn của suy giảm kinh tế nên trên địa bàn Hải Phòng chỉ có 1.905 DN được thành lập mới, bằng 82,7% so với cùng kỳ. Số DN đang hoạt động là 17.098 đơn vị, chỉ chiếm tỷ trọng 53,6% tổng số DN được cấp mã số thuế. Mặc dù kinh tế của Hải Phòng vẫn có bước tăng trưởng nhưng một số chỉ số quan trọng như phát triển sản xuất công nghiệp năm 2013 chỉ tăng 5,15% so với cùng kỳ và là mức tăng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây. Đặc biệt, các ngành chiếm tỷ trọng cao trong sản xuất công nghiệp như sắt thép, đóng mới và sửa chữa tàu vẫn tiếp tục giảm sâu. Khó khăn của nền kinh tế cũng khiến các DN lớn trong khối DN FDI có số nộp ngân sách chững lại, hoặc giảm mạnh so với cùng kỳ, như: Công ty Xi măng Chinfon ước giảm 13 tỷ đồng do sản lượng tiêu thụ giảm mạnh; Công ty TNHH Công nghiệp nặng Doosan HP Việt Nam giảm 23 tỷ đồng; Nhà máy thức ăn gia súc Proconco Đình Vũ giảm 38,2 tỷ đồng... 

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, để chia sẻ, hỗ trợ DN, Cục Thuế Hải Phòng đã thực hiện nghiêm Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ và Thông tư 16/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính về giãn, giảm một số khoản thu ngân sách. Theo đó, cơ quan thuế đã thực hiện giãn thuế TNDN quý III/2013 với tổng số tiền 20 tỷ đồng, giảm 50% tiền thuế đất năm 2012 và 2013 với tổng số tiền 285,8 tỷ đồng. Những giải pháp này đã kịp thời gỡ khó cho DN, song cũng làm cho nguồn thu của TP Hải Phòng sụt giảm thêm hàng trăm tỷ đồng.

Bằng tinh thần nỗ lực vượt qua khó khăn thách thức, Cục Thuế Hải Phòng đã tập trung điều tra, rà soát, đối chiếu lại toàn bộ các DN sản xuất kinh doanh (SXKD) trên địa bàn nhằm phân loại, đánh giá chất lượng hoạt động của DN, từ đó tham mưu với Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND Thành phố, các cấp uỷ, chính quyền địa phương hỗ trợ, tạo điều kiện để các DN vượt qua khó khăn, phát triển SXKD và tạo thêm nguồn thu mới. Đối với các DN có số thu lớn, Cục Thuế đã cử các đoàn công tác đến làm việc trực tiếp, nhằm nắm bắt và tháo gỡ kịp thời các vướng mắc liên quan đến chính sách thu nộp ngân sách. Công tác thanh tra, kiểm tra, chống nợ đọng thuế cũng được ngành thuế chú trọng. Trên cơ phân tích rủi ro, ngành thuế đã sàng lọc các DN nhiều năm chưa quyết toán thuế, các DN có dấu hiệu trốn thuế, gian lận thuế để tập trung thanh tra, kiểm tra. Các chi cục thuế quận, huyện cũng tăng cường kiểm tra hồ sơ khai thuế, phát hiện và xử lý kịp thời các trường hợp kê khai không đúng doanh thu, số thuế phải nộp, kiên quyết ấn định thuế đối với các trường hợp cố tình khai sai, nhất là các đơn vị kinh doanh nhà nghỉ, nhà hàng, khách sạn, kinh doanh ôtô, xe máy, đôn đốc kịp thời nguồn thu vào ngân sách. Qua thanh tra, kiểm tra, Cục Thuế đã truy thu cho NSNN gần 200 tỷ đồng, giảm lỗ 202 tỷ đồng, giảm khấu trừ 4,7 tỷ đồng. 

Với sự hỗ trợ kịp thời của  Chính phủ về các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, một số DN đã chủ động tái cơ cấu hoạt động SXKD có hiệu quả để có tiềm lực tăng thu cho ngân sách. Điển hình là Trung tâm thông tin di động khu vực V, nộp ngân sách tăng 73,7 tỷ đồng so với cung kỳ; Công ty CP nhựa Thiếu niên Tiền phong nộp tăng 58 tỷ đồng; Công ty CP xăng dầu Vipco tăng 52 tỷ đồng; Công ty CP đóng tàu Sông Cấm tăng 13 tỷ đồng; Công ty CP nhiệt điện Hải Phòng tăng 38,8 tỷ đồng. Với sự đóng góp tích của các DN, nên ước thực hiện cả năm 2013, Cục Thuế Hải Phòng thu đạt 117,5% so với cùng kỳ. Nếu trừ tiền sử dụng đất thì số thu ngân sách trên địa bàn đạt 114% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, nếu so với nhiệm vụ thu NSNN năm 2013 (tăng 31,2% so với thực hiện năm 2012) thì số thu của Cục Thuế Hải Phòng mới chỉ bằng 89,6% kế hoạch đề ra.

Thách thức cần vượt qua

Để đạt mục tiêu trên, ngoài số thuế phát sinh của tháng 12, các đơn vị trong ngành Thuế đang rà soát từng khoản nợ để có biện pháp đôn đốc, thu trong tháng 12. Số liệu từ ngành Thuế cho thấy, tổng số nợ thuế tới ngày 30- 9 là 1250 tỷ đồng. Trong đó, tiền nợ thuế có khả năng thu 425,3 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9, thu nợ tiền thuế và tiền phạt  đạt 360 tỷ đồng, trong đó thu nợ tiền thuế và tiền phạt chậm nộp trước ngày 31/12/2012 là 244 tỷ đồng và số còn lại tiếp tục đôn đốc thu nộp vào ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ, vẫn còn nhiều thách thức đỏi hỏi ngành Thuế Hải Phòng cần phải vượt qua.

Lãnh đạo Chi cục Thuế quận Hải An cho biết, hiện thuế ngoài quốc doanh còn nợ 48 tỷ đồng, trong đó các khoản có khả năng thu khoảng 21 tỷ đồng quận đang cố gắng để thu. Riêng tiền sử dụng đất mới thu 43 tỷ đồng trong khi yêu cầu là 70 tỷ đồng, số còn lại cũng đang dồn hết vào tháng 12 này. Trong khi đó có nhiều doanh nghiệp còn nợ tới vài chục tỷ đồng tiền sử dụng đất nhưng chưa có khả năng nộp.

Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Kiến An lo lắng bởi chỉ tiêu 43 tỷ đồng  tiền sử dụng đất giao năm nay chưa thu được bao nhiêu bởi quận mới đấu giá 6 lô đất ở phường Ngọc Sơn trị giá 5,3 tỷ đồng và đang trong thời hạn thu, chưa có số nộp vào ngân sách. Một số dự án khác chưa tiến hành đấu giá, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng còn nhiều vướng mắc vì liên quan tới nhiều cấp, ngành.

Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Thuế quận Hồng Bàng, thu thuế nợ đọng hoàn toàn không đơn giản. Tại quận Hồng Bàng có doanh nghiệp nợ thuế 12,5 tỷ đồng nhưng chỉ đóng nhỏ giọt mỗi tháng 250- 300 triệu đồng. Nếu tính cả số tiền phạt chậm nộp, tiền phạt còn lớn hơn cả tiền thuế doanh nghiệp nộp. Còn chuyện doanh nghiệp không hợp tác, không tiếp đoàn thu thuế xảy ra như cơm bữa. Theo phản ánh của Chi cục Thuế quận Dương Kinh, có doanh nghiệp chỉ nộp tiền nợ thuế, mà cũng là nộp nhỏ giọt, nợ 300 triệu đồng chỉ nộp 100 triệu đồng và kiên quyết không nộp tiền phạt…

Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp

Cục trưởng Cục Thuế Hải Phòng Vũ Công Nhĩ cho biết, từ nay đến cuối năm thời gian chỉ còn tính bằng ngày, chính vì vậy, nhiệm vụ trọng tâm của Cục Thuế Hải Phòng hiện nay là, đôn đốc thu nợ và phấn đấu giảm nợ đọng thuế. Để thực hiện được mục tiêu đó, Cục Thuế sẽ thường xuyên theo dõi, phân tích đầy đủ các khoản nợ thuế theo tuổi nợ, theo khu vực, ngành nghề, sắc thuế để đưa ra các biện pháp phù hợp.

Đối với DN có số thuế nợ lớn, thời gian kéo dài, cơ quan thuế sẽ mời đến trụ sở để làm việc, qua đó xác định rõ trách nhiệm, bàn biện pháp thu hồi nợ thuế và yêu cầu DN cam kết về thời gian nộp tiền thuế còn nợ vào ngân sách. Cơ quan thuế các cấp sẽ tăng cường các đoàn kiểm tra, xuống cơ sở để vừa tháo gỡ khó khăn cho DN, vừa hướng dẫn thực hiện chính sách pháp luật thuế, vừa thu hồi nợ đọng. Hiện tại, ngành thuế đã làm việc với 31 ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng trên địa bàn TP để tăng cường trao đổi thông tin, thực hiện giám sát, phong tỏa tài khoản đối với các DN cố tình chây ỳ nợ thuế. Ngoài ra, để tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế nói chung và thu hồi nợ đọng thuế nói riêng, Cục Thuế Hải Phòng đã kiến nghị Thành ủy, UBND Thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức xã hội của cộng đồng DN, doanh nhân và các tầng lớp dân cư; đồng thời đề nghị lãnh đạo Thành phố chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành thuế trong việc áp dụng các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế, nhằm đảm bảo nguồn thu cho NSNN.

Trong những ngày cuối năm, Cục Thuế Hải Phòng thực hiện báo cáo số thu hằng ngày với Tổng cục Thuế và chỉ đạo các đơn vị, các chi cục thuế phải sát sao số thu thường xuyên. Trong đó, ngoài tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác quản lý thuế nói chung và quản lý thu nợ  thuế nói riêng, ngành Thuế xác định thu nợ và cưỡng chế nợ thuế là một trong những biện pháp chủ yếu, trọng tâm để thực hiện thu ngân sách nhà nước. Cục giao chỉ tiêu thu nợ cho các đơn vị, tới từng cán bộ, công chức, coi chỉ tiêu thu nợ là một trong những chỉ tiêu quan trọng để bình xét đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua khen thưởng và phân loại cán bộ, công chức hằng năm. Cục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, ngân hàng, thành lập nhiều đoàn kiểm tra đôn đốc thu hồi nợ thuế, vừa tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, vừa hướng dẫn thực hiện pháp luật thuế, đôn đốc thu hồi nợ đọng. Cục cũng rà soát các doanh nghiệp có số nợ đọng lớn, chây ỳ, lập danh sách báo cáo Tổng cục Thuế hỗ trợ, kiểm tra đôn đốc thu hồi. Cục cũng đề nghị thành phố không đề xuất khen thưởng đối với các doanh nghiệp, giám đốc doanh nghiệp còn nợ đọng tiền thuế, chưa nộp tiền thuế vào ngân sách nhà nước.

Mặc dù khó khăn nhưng dưới sự chỉ đạo của Cục Thuế, các đơn vị rất nỗ lực tìm mọi giải pháp để tăng số thu và đặc biệt là thu số tiền thuế nợ đọng. Câu chuyện của Chi cục Thuế huyện An Lão mới đây cho thấy, nếu không có sự theo sát, nắm chắc tình hình, sẽ không thu được số thuế nợ đọng. Đó là trường hợp phải quyết định cưỡng chế nợ thuế qua ngân hàng của 1 doanh nghiệp với số nợ 217 triệu đồng. Tuy nhiên, khi chi cục thuế phát hiện có nguồn tiền thanh toán xây dựng công trình trả cho doanh nghiệp hơn 800 triệu đồng chuyển về chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện An Lão, ngân hàng không thực hiện quyết định cưỡng chế nợ thuế mà chuyển trả hết cho doanh nghiệp. Vì vậy, chi cục thuế một mặt báo cáo lãnh đạo Cục Thuế, một mặt cử cán bộ theo sát doanh nghiệp và yêu cầu doanh nghiệp phải nộp ngay số tiền thuế còn nợ bằng tiền mặt vừa được ngân hàng chi trả, đồng thời lập biên bản vi phạm hành chính với ngân hàng.