Ngành Thuế và những kết quả đạt được trong việc thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP

PV.

Trong thời gian qua, ngành Thuế cơ bản đã hoàn thành được mục tiêu, yêu cầu mà Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ đề ra, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. Theo đó, kết quả xếp hạng Chỉ số Nộp thuế chung của Việt Nam theo Báo cáo môi trường kinh doanh 2017 được Ngân hàng thế giới (WB) công bố, đã tăng 11 bậc so với năm 2016 (từ 178 lên thứ hạng 167, trong tổng số 190 quốc gia, vùng lãnh thổ).

Hội nghị trực tuyến 64 điểm cầu về việc triển khai Nghị quyết 19/2017/NQ-CP đối với lĩnh vực thuế do Bộ Tài chính tổ chức
Hội nghị trực tuyến 64 điểm cầu về việc triển khai Nghị quyết 19/2017/NQ-CP đối với lĩnh vực thuế do Bộ Tài chính tổ chức

Kế hoạch hành động triển khai đồng bộ từ trung ương đến cơ sở

Báo cáo của Tổng cục Thuế tại Hội nghị trực tuyến 64 điểm cầu về việc triển khai Nghị quyết 19/2017/NQ-CP đối với lĩnh vực thuế do Bộ Tài chính tổ chức ngày 17/3/2017 cho biết trong 3 năm qua, trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của Bộ trưởng Bộ Tài chính trongthực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Tổng cục Thuế đã xây dựng các Kế hoạch hành động cụ thể thực hiện Nghị quyết.

Các Kế hoạch ban hành kèm theo Quyết định số 1201/QĐ-TCT ngày 6/8/2014, Quyết định số 415/QĐ-TCT ngày 20/3/2015 và Quyết định số 1033/QĐ-TCT ngày 08/6/2016 để triển khai các Nghị quyết nhằm thực hiện mục tiêu tháo gỡ khó khăn và tạo thuận lợi cho người nộp thuế; đơn giản hoá TTHC, nâng cao trách nhiệm, kỷ luật kỷ cương trong thực thi công vụ, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Kế hoạch hành động là một hệ thống các nhóm công việc và giải pháp (34 nhóm giải pháp với 157 đầu công việc cụ thể) được triển khai đồng bộ từ trung ương đến cơ sở. Chương trình hành động được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của Ngành, là thước đo để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ, bình xét thi đua khen thưởng năm đối với các tập thể, cá nhân liên quan.

Ngay sau khi Tổng cục Thuế ban hành Kế hoạch hành động, các Vụ/Đơn vị và các cục Thuế trực thuộc đã đồng loạt hưởng ứng, kịp thời cụ thể hoá thành các công việc, nhiệm vụ và giao trực tiếp cho từng bộ phận, cán bộ triển khai thực hiện. Nhiều cục Thuế đã tham mưu cho UBND tỉnh, thành phố để lồng ghép vào các chương trình, kế hoạch hành động nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh, thành phố.

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình hành động, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế đã ban hành các Chỉ thị số 01/CT-TCT ngày 19/8/2014, Chỉ thị số 01/CT-TCT ngày 21/6/2016 chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường kỷ luật, kỷ cương, chấn chỉnh lề lối làm việc, thái độ, tác phong ứng xử của công chức thuế với người nộp thuế và đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính (TTHC), tạo thuận lợi cho người nộp thuế, tạo ra đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn bộ hệ thống, nhờ đó tạo bước chuyển biến căn bản trong chấp hành chế độ công vụ và phục vụ người nộp thuế của công chức thuế...

Kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP

Theo Báo cáo của Tổng cục Thuế, triển khai thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP, hàng năm, Tổng cục Thuế đã chủ động rà soát, nghiên cứu và tham khảo các đánh giá của một số tổ chức quốc tế (Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Tài chính quốc tế) về thời gian kê khai, nộp thuế của doanh nghiệp Việt Nam để xác định số giờ kê khai nộp thuế chênh lệch giữa Việt Nam với bình quân 6 nước ASEAN ở từng khâu (về tần suất khai, nộp thuế; về hồ sơ; nội dung khai thuế; về phương thức khai; nộp thuế...). Trên cơ sở đó, Tổng cục Thuế đã đề xuất nhiều giải pháp về cải cách TTHC thuế, giảm thời gian và thủ tục nộp thuế cho người dân, doanh nghiệp.

Nhờ đó, đến nay, việc thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Tổng cục Thuế đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận:

Về cải cách thể chế chính sách: Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính, trình Chính phủ, Quốc hội ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật để sửa đổi các TTHC trong lĩnh vực thuế. Trong đó, có thể kể đến việc trình Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 119/2014/TT-BTC sửa đổi, bổ sung 7 Thông tư của Bộ Tài chính…; Trình Chính phủ ban hành Nghị định số 91/2014/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung 04 Nghị định quy định về thuế; Trình Quốc hội ban hành Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật thuế và Luật Quản lý thuế...

Những nỗ lực về thể chế chính sách nêu trên đã giúp số giờ thực hiện TTHC về thuế giảm từ 537 giờ xuống chỉ còn 117 giờ, đồng thời giảm được 8 lần khai và nộp thuế GTGT, giảm được 4 lần nộp tờ khai thuế TNDN tạm tính.

Về ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT): Tổng cục Thuế đã triển khai mạnh mẽ các dự án ứng dụng CNTT trong công tác thu nộp thuế, giảm thời gian chi phí và tạo thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp khi làm các thủ tục về thuế. Đến nay, cơ bản các TTHC thuế của doanh nghiệp đã được thực hiện qua phương thức điện tử, hệ thống khai thuế và nộp thuế điện tử đã được triển khai tại 63/63 tỉnh, thành phố.

Đến cuối năm 2016, đã có hơn 566 nghìn doanh nghiệp tham gia sử dụng dịch vụ khai thuế qua mạng, đạt 99,81% trên tổng số hơn 567 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động trên cả nước; số lượng hồ sơ khai thuế điện tử đã tiếp nhận và xử lý là trên 35,8 triệu hồ sơ.

Tổng cục Thuế đã hoàn thành kết nối triển khai nộp thuế điện tử với 43 ngân hàng thương mại; hơn 555 nghìn DN đăng ký sử dụng với cơ quan thuế, đạt tỷ lệ 97,9%; 97,06 % DN hoàn thành đăng ký dịch vụ với ngân hàng. Số tiền đã nộp NSNN năm 2016 là trên 492 nghìn tỷ đồng và trên 2,2 triệu lượt giao dịch.

Việc hoàn thuế điện tử đã được triển khai tại 02 thành phố: Hà Nội, Hải Phòng. Từ 1/3/2017, triển khai thí điểm tại 11 tỉnh, thành phố khác và tiếp tục triển khai mở rộng toàn quốc.

Trong năm 2016, Tổng cục Thuế cũng đã thực hiện thí điểm cho 200 doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh sử dụng hóa đơn điện tử có mã xác thực; tổng số hóa đơn được xác thực: 2.608.706 hóa đơn, tổng tiền doanh thu hơn 21.116 tỷ đồng, tổng thuế GTGT: 992,5 tỷ đồng.

Về công khai minh bạch quy trình, quy chế về quản lý thuế: Tổng cục Thuế thực hiện rà soát để ban hành, sửa đổi, bổ sung 44 Quy trình nghiệp vụ, trong đó 30 Quy trình liên quan trực tiếp đến người nộp thuế để đổi mới cơ chế quản lý thuế, đáp ứng yêu cầu cải cách về thực hiện kê khai, nộp thuế điện tử theo mục tiêu Nghị quyết đề ra và công khai minh bạch quy trình, quy chế để người nộp thuế biết, theo dõi, giám sát.

Tổng cục Thuế gấp rút hoàn thiện Quy trình công khai quá trình và kết quả giải quyết khiếu nại để thực hiện công khai quá trình và kết quả giải quyết khiếu nại. Tính đến thời điểm 31/12/2016, việc chấp hành thời gian giải quyết hồ sơ khiếu nại của toàn ngành thuế là 1.351 vụ việc, tỷ lệ giải quyết đúng hạn đạt 95,2%.

Xác định cải cách TTHC phải thực hiện ngay trong quá trình xây dựng thể chế, qua đó kiểm soát chặt chẽ việc ban hành mới TTHC, thực hiện nghiêm việc rà soát, chuẩn hóa TTHC theo quy định, Năm 2016, Tổng cục Thuế đã trình Bộ Tài chính ban hành Quyết định số 1500/QĐ-BTC về chuẩn hóa các TTHC lĩnh vực thuế.

Theo đó, đến hết năm 2016, số TTHC lĩnh vực thuế giảm từ 435 xuống còn 300 (300 TTHC đã được chuẩn hóa theo quy định), giảm 135 TTHC so với thời điểm 31/12/2014. Toàn bộ TTHC lĩnh vực thuế đều được công khai trên website và tại trụ sở cơ quan thuế các cấp.

Bên cạnh các nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng CNTT, rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa, chuẩn hóa và công khai TTHC... việc đồng bộ cải cách thể chế và hiện đại hóa quản lý, công tác tăng cường, kỷ luật kỷ cương, tác phong ứng xử của công chức thuế, việc phối hợp của ngành Thuế với các Bộ/ngành, các đơn vị có liên quan để thực hiện cải cách TTHC đã đem lại nhiều kết quả tích cực trong thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ tại Tổng cục Thuế. Những cải cách của cơ quan thuế thời gian qua được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận, thể hiện ở kết quả chung đánh giá sự hài lòng của doanh nghiệp năm 2014 là 71% và năm 2016 là 75% doanh nghiệp hài lòng với cải cách TTHC thuế.