Nghệ An: Thu nội địa quý I/2014 tăng 42%

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Theo báo cáo của Cục Thuế Nghệ An, trong quý I/2014 số thu nội địa tính cân đối của đơn vị đạt 1.498,7 tỷ đồng, bằng 27% dự toán pháp lệnh, 24% dự toán phấn đấu và tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nghệ An là một trong những tỉnh có tỷ lệ thu ngân sách đạt dự toán và mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước. Nguồn: internet
Nghệ An là một trong những tỉnh có tỷ lệ thu ngân sách đạt dự toán và mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước. Nguồn: internet

Vẫn theo tin từ Cục Thuế Nghệ An, nếu trừ tiền sử dụng đất số thu ngân sách đạt 1.375,8 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ (bằng 27% dự toán pháp lệnh, 25% dự toán phấn đấu).

Trong đó, thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương đạt 226,9 tỷ đồng (bằng 23% dự toán, tăng 30% so với cùng kỳ); thu từ doanh nghiệp nhà nước địa phương đạt 70,4 tỷ đồng (bằng 23% dự toán và tăng 57% so với cùng kỳ); thu từ doanh nghiệp FDI đạt 98,5 tỷ đồng (bằng 49% dự toán, tăng 137% so với cùng kỳ); thu tiền sử dụng đất đạt 122,9 tỷ đồng (bằng 26% dự toán, tăng 136% so với cùng kỳ); thu lệ phí trước bạ đạt 96,2 tỷ đồng (bằng 26% dự toán, tăng 3%); thu từ công thương nghiệp dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 694,7 tỷ đồng (bằng 23% dự toán, tăng 27 % so với cùng kỳ).

Nghệ An là một trong những tỉnh có tỷ lệ thu ngân sách đạt dự toán và mức tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước (thu nội địa cả nước đạt 133.680 tỷ đồng, bằng 24,8% dự toán, tăng 16,5% so với cùng kỳ). Để đạt được những kết quả trên, ngay từ đầu năm Cục Thuế Nghệ An đã triển khai các biện pháp quản lý thu, khai thác nguồn thu, chống thất thu, tăng cường công tác xử lý thu hồi nợ đọng; đẩy mạnh công tác tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế, đồng thời thực hiện cải cách thủ tục hành chính và làm tốt công tác dự báo, phân tích nguồn thu…

Từ những kết quả đã đạt được trong quý I, để hoàn thành dự toán và các chỉ tiêu khác trong năm 2014, Cục Thuế Nghệ An đã đề ra một số giải pháp cơ bản trong quý II và những tháng tiếp theo.

Trước hết là, tăng cường và đổi mới hình thức công tác tuyên truyền, hỗ trợ cho người nộp thuế; triển khai quyết liệt các biện pháp thu nợ, cưỡng chế nợ thuế theo quy định; kiểm soát chặt chẽ việc kê khai, nộp thuế, hoàn thuế… đồng thời thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình kinh tế, nguồn thu, chú trọng công tác phân tích, đánh giá, dự báo để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành hiệu quả.

Bên cạnh đó, phối hợp chặt chẽ với các ngành Kho bạc, Hải quan, Tài chính, Ngân hàng để trao đổi thông tin quản lý và thu nộp thuế … nhằm nâng cao chất lượng quản lý thuế, tập trung số thu kịp thời vào ngân sách nhà nước.