Nhiều chiêu trò gian lận, chiếm đoạt thuế

Theo ktdt.vn

(Tài chính) Mỗi năm nước ta xảy ra hơn 13.000 vụ tội phạm về kinh tế, trong đó tội phạm trốn thuế trong các doanh nghiệp (DN) gần 1.000 vụ gây thiệt hại hàng chục ngàn tỷ đồng, chiếm tỷ lệ gần 7% số vụ tội phạm về kinh tế. Đây là số liệu được Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (Bộ Công an) đưa ra tại Hội nghị Sơ kết 5 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa cơ quan công an và Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), giai đoạn 2007 - 2012.

Làm thủ tục thuế tại Chi cục Thuế Hai Bà Trưng. Nguồn: ktdt.vn
Làm thủ tục thuế tại Chi cục Thuế Hai Bà Trưng. Nguồn: ktdt.vn
Gian lận thuế GTGT, chuyển giá phổ biến

Thiếu tướng Nguyễn Đức Thịnh - Cục trưởng Cục Cảnh sát Kinh tế (C46) cho biết, tội phạm trong lĩnh vực thuế diễn ra hết sức đa dạng, tăng mạnh, xảy ra trên các tỉnh, thành phố, các lĩnh vực với những phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, gây hậu quả xấu đến tình hình kinh tế.

Diễn ra phổ biến là tình trạng bán hàng không xuất hóa đơn. Ông Nguyễn Văn Mơ - Phó Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội cho biết, quá trình nghiên cứu cho thấy nhiều nguyên nhân như lợi dụng sự thông thoáng thành lập DN để mua bán hóa đơn, lợi dụng chính sách thuế... Nhiều đối tượng không tuân thủ các quy định về kế toán, mua bán vòng vèo, qua nhiều khâu trung gian, sử dụng hóa đơn của DN bỏ trốn để trốn thuế. Cụ thể, Cục Thuế TP. Hà Nội đã xử phạt gần 7.500 DN sử dụng hóa đơn có dấu hiệu bất hợp pháp để kê khai, khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT) trị giá 141 tỷ đồng. 

Hay như vấn đề chuyển giá, thực chất đã trở thành vấn đề đau đầu của ngành Thuế từ nhiều năm nay. Trước đây, Tổng cục Thuế cũng đã có cuộc tổng rà soát kết quả kinh doanh những năm gần đây đối với 5.531 DN FDI, chiếm khoảng gần 60% số DN FDI đang hoạt động trên cả nước cho thấy nhiều dấu hiệu đáng lo ngại. Trong 5.531 DN FDI được kiểm tra trên, có tới 3.175 DN có số lỗ luỹ kế đến thời điểm đánh giá, chiếm 57,4%.  Mới đây, cơ quan thuế rà soát đưa 300 DN vào kiểm tra có tới hơn 200 DN chuyển giá có DN buộc phải chấp nhận tăng thuế hàng trăm tỷ đồng. 

Chỉ là tảng băng nổi

Thượng tướng Lê Quý Vương - Thứ trưởng Bộ Công an chỉ ra rằng, qua theo dõi các vụ án mới tập trung vào lĩnh vực thuế GTGT, còn các lĩnh vực khác chưa đề cập sâu như thuế xuất nhập khẩu, thuế nhà đất. Ví dụ, các thủ đoạn lợi dụng tạm nhập tái xuất, buôn bán tiểu ngạch qua biên giới, tội phạm lợi dụng việc giao dịch điện tử hoặc thanh toán qua ngân hàng để thanh toán, khấu trừ, hoàn thuế. Đặc biệt, hiện tượng chuyển giá trong các DN có vốn nước ngoài, để nghi ngờ DN chuyển giá trốn thuế thì dễ, nhưng để tìm được bằng chứng thì không đơn giản.  

Một số khó khăn, vướng mắc cũng được Thượng tướng Lê Quý Vương  thẳng thắn chỉ ra như: Tình hình chính sách pháp luật thường xuyên sửa đổi, bổ sung. Hành vi trốn thuế, gian lận ngày càng tinh vi phức tạp. Hiện nay, tội phạm về thuế hoạt động có tổ chức, liên quan đến nhiều địa phương, trong khi đó sự phối hợp giữa các địa phương chưa chặt chẽ nên việc điều tra, xử lý rất khó khăn. Một số cán bộ, chiến sĩ, công chức của hai lực lượng chưa qua đào tạo, trình độ chuyên môn chưa đáp ứng được yêu cầu công tác...

Liên quan tới vấn đề phòng, chống hành vi vi phạm và tội phạm trong lĩnh vực thuế, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, con số phát hiện ra vi phạm về thuế mới chỉ là tảng băng nổi. Thực trạng vi phạm trong lĩnh vực thuế và hải quan rất cao, nhiều lĩnh vực, bộ phận khá nghiêm trọng.

Ông Tuấn dẫn chứng, hiện nay, 50.000 - 55.000 DN có đăng ký kinh doanh nhưng không có hoạt động đây cũng là rủi ro. 92% DN khi thanh tra kiểm tra có vi phạm về thuế. Qua công tác thanh tra đã góp phần làm tăng thu ngân sách 12.600 tỷ đồng. Riêng 9 tháng đầu năm nay đã thu được 9.800 tỷ trong tổng số 20% thanh tra kiểm tra. Điều này cho thấy, vi phạm là không nhỏ và ở mức độ hình sự khá cao, tình trạng này sẽ ngày càng nghiêm trọng và phát triển, đặc biệt trong quá trình hội nhập kinh tế, dự báo có thể phát sinh những loại tội phạm mới.

Trước thực trạng tội phạm trốn thuế gia tăng, rất cần sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các lực lượng của tất cả các ngành, quyết liệt hơn trong phát hiện và xử lý vi phạm, tránh tình trạng hình thức, thiếu hợp tác. Trong giai đoạn 2007 - 2012, lực lượng Thuế và Công an đã phối hợp cung cấp trao đổi qua lại hơn 27.500 công văn, tài liệu thông tin về vụ việc liên quan tới lĩnh vực thuế, thông tin và cung cấp hơn 14.000 vụ. Trong đó, cơ quan Công an đã khám phá và phối hợp với cơ quan Thuế xử lý hình sự 218 vụ, xử lý hành chính 10.155 vụ việc vi phạm trong lĩnh vực thuế. Thu hồi cho ngân sách hơn 782 tỷ đồng tiền trốn thuế, tiền phạt vi phạm hành chính về thuế.