Nhiều giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế- xã hội 2012, Chính phủ cho biết: Tính đến thời điểm 20/9, cả nước có gần 51.000 DN thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký là 350,5 nghìn tỷ đồng. Có được kết quả đó là nhờ cả nước đã nghiêm túc, quyết liệt thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, trong đó có nỗ lực không nhỏ của Bộ Tài chính với nhiều giải pháp tài chính hỗ trợ doanh nghiệp.

Một số lĩnh vực có số lượng doanh nghiệp thành lập mới liên tục tăng là: Giáo dục đào tạo tăng 24%, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm tăng 11,5%, nghệ thuật, vui chơi giải trí tăng 10,8% so với cùng kỳ năm 2011. Chính phủ đánh giá: Việc chuyển dịch lĩnh vực đăng ký kinh doanh của khu vực doanh nghiệp như trên cho thấy các doanh nghiệp đã chủ động tái cơ cấu theo hướng hoạt động hiệu quả hơn, thích ứng với sự thay đổi của thị trường.

Nhiều giải pháp hỗ trợ của Chính phủ đối với các DN, đặc biệt là DN nhỏ và vừa (DNNVV) đã được triển khai và bắt đầu có tác dụng. Trong đó, phải kể đển nhóm giải pháp về thuế và phí. Bộ Tài chính đã miễn, giảm, gia hạn thuế cho các DNNVV và DN sử dụng nhiều lao động, hộ sản xuất kinh doanh và tiền thuê đất theo các Nghị quyết của QH và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Tính đến 21/8/2012, đã gia hạn khoảng 11.000 tỷ đồng cho hơn 190.200 DNNVV và DN sử dụng nhiều lao động đối với thuế GTGT của tháng 4, 5 và 6; gia hạn nợ thuế TNDN gần 2.680 tỷ đồng cho hơn 64.500 DN.

Bên cạnh đó, đã giải quyết giảm tiền thuê đất gần 500 tỷ đồng cho hơn 3.600 DN sản xuất và kinh doanh thương mại và gia hạn 1.140 tỷ đồng đối với khoản thu tiền sử dụng đất cho hơn 80 DN; giải quyết miễn thuế và hoàn thuế môn bài cho gần 45.000 hộ đánh bắt hải sản và hộ làm muối…

Nhằm tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, cùng với việc điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, Chính phủ đã cơ cấu lại tín dụng, ưu tiên vốn tín dụng phục vụ các lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu… Tính đến cuối tháng 7/2012, chính sách lãi suất đang được điều hành theo hướng giảm dần (đã điều chỉnh giảm 4 lần các mức lãi suất điều hành và trần lãi suất huy động VND, với mức giảm 1%/năm/lần). Chính phủ đã yêu cầu các tổ chức tín dụng tiết kiệm chi phí để giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện cho DN và người dân có dự án, phương án sản xuất kinh doanh hiệu quả tiếp cận được nguồn vốn tín dụng ngân hàng với lãi suất hợp lý…

Về chính sách bảo lãnh tín dụng cho DNNVV, tính đến hết tháng 6?2012, Ngân hàng Phát triển Việt Nam đã chấp thuận bảo lãnh cho 1.951 lượt DN (chiếm 77,3% tổng số DN có nhu cầu bảo lãnh) với giá trị vốn vay chấp thuận bảo lãnh 15.316 tỷ đồng (chiếm 95% tổng số vốn vay có nhu cầu bảo lãnh). Ngoài ra, đã có trên 1.000 DNNVV, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các hộ kinh doanh cá thể, hộ nông dân,… được các Quỹ Bảo lãnh tín dụng địa phương bảo lãnh  với số dư bảo lãnh đạt 866,6 tỷ đồng (tính đến 30/6/2012).

Bộ Tài chính cũng đã tập trung vào tăng cường công tác điều hành giá, công tác thanh tra, kiểm tra để đảm bảo giá cả hàng hóa, đặc biệt giá các mặt hàng nguyên liệu đầu vào sản xuất phản ánh đúng giá trị thị trường; hạn chế tình trạng buôn lậu, găm giữ hàng hoá, thao túng thị trường và chống chuyển giá. Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công Thương đánh giá tình hình sử dụng kinh phí NSNN cho các hoạt động xúc tiến thương mại năm 2012; và trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung kinh phí cho Bộ Công Thương để tăng cường xúc tiến thương mại trong và ngoài nước hỗ trợ DN, đặc biệt là DNNVV tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung 50 tỷ đồng cho công tác tăng cường xúc tiến thương mại hỗ trợ thị trường.

Bên cạnh đó, các nhóm giải pháp về thủ tục hành chính thuế và hải quan nhằm giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế và hải quan cho DN, tổ chức và cá nhân… cũng được Bộ Tài chính quyết liệt triển khai.

Những biện pháp tháo gỡ khó khăn cho DN đang từng bước phát huy hiệu quả, Bộ Tài chính vẫn đang tiếp tục theo dõi diễn biến của thị trường và tình hình sản xuất kinh doanh của DN, đặc biệt là các DNNVV để tiếp tục kịp thời đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp bổ sung nhằm hỗ trợ.