Nhiều giải pháp tăng thu ngân sách

Theo baotintuc.vn

(Tài chính) Theo Bộ Tài chính, tổng thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 2/2014 ước đạt 49.600 tỷ đồng; lũy kế thu 2 tháng đầu năm đạt 129.870 tỷ đồng, bằng 16,6% dự toán, tăng 12,9% so với cùng kỳ của năm 2013. Tiến độ thu được xem là có tín hiệu khởi sắc nhưng một số chuyên gia kinh tế cho rằng: Thời điểm này vẫn còn quá sớm để nhận định tình hình thu chi NSNN bởi kinh tế còn nhiều khó khăn.

 Nhiều giải pháp tăng thu ngân sách
Tổng thu NSNN tháng 2/2014 ước đạt 49.600 tỷ đồng. Nguồn: internet
Thu nội địa đạt khá

Đại diện Bộ Tài chính cho biết: Thu nội địa trong 2 tháng đầu năm đạt 93.465 tỷ đồng, bằng 17,3% dự toán, tăng 18,3% so với cùng kỳ năm 2013 (không kể tiền sử dụng đất thì tăng 17,8%).

So với cùng kỳ một số năm gần đây, thu nội địa 2 tháng đầu năm nay đạt khá cả về tiến độ thực hiện dự toán và mức tăng trưởng so với cùng kỳ là do kinh tế các tháng cuối năm 2013 và đầu năm 2014 tiếp tục có những chuyển biến tích cực (tăng trưởng GDP quý IV/2013 tăng 6,04%, cao hơn mức tăng của quý III là 5,54%) làm tăng nguồn thu ngân sách. Ngân sách thu được khoảng 1.800 tỷ đồng cổ tức năm 2013 của phần vốn nhà nước tại các công ty cổ phần có vốn nhà nước do bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và phần lợi nhuận còn lại năm 2013 của các tập đoàn, tổng công ty do Nhà nước nắm 100% vốn điều lệ sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, số thu NSNN cũng có thêm khoảng 2.100 tỷ đồng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) phát sinh trong quý III/2013 của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động trong lĩnh vực sản xuất, gia công, chế biến nông sản, lâm sản, thủy sản, dệt may, da giày, linh kiện điện tử... đã được gia hạn 3 tháng theo Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ, nay đến hạn phải nộp.

Theo thống kê của ngành tài chính, ước tính có 45/63 địa phương thu nội địa đạt tiến độ dự toán (trên 16%), trong đó: 18 địa phương thu đạt trên 20% dự toán; 18 địa phương thu chưa đảm bảo tiến độ. So với cùng kỳ năm 2013, có 51/63 địa phương thu cao hơn, 12 địa phương thu thấp hơn.

Trao đổi với phóng viên, ông Cao Sỹ Kiêm - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa cho biết: Kết quả thu ngân sách trên chưa thể phản ánh rõ nét dấu hiệu khả quan của nền kinh tế bởi tháng 1 và 2/2014 rơi vào thời điểm Tết Nguyên đán, mùa lễ hội nên doanh thu bán hàng tăng. Tuy nhiên, ông Cao Sỹ Kiêm cũng nhận định khả quan hơn về tình hình hoạt động của doanh nghiệp. “Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp vẫn khó khăn nhưng đang dần ổn định. Mặc dù số doanh nghiệp giải thể, tạm ngừng hoạt động tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng không quá lo ngại bởi trong số này có những doanh nghiệp đăng ký thành lập nhưng không hoạt động”, ông Kiêm nói.

Để hoàn thành tốt công tác thu NSNN, lãnh đạo Bộ Tài chính đã chỉ đạo Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan và các đơn vị liên quan tích cực triển khai giải pháp thiết thực để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả, bền vững và đóng góp ổn định cho NSNN...

Tổng chi NSNN 2 tháng đầu năm ước đạt 150.070 tỷ đồng, bằng 14,9% dự toán, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2013. Đại diện Bộ Tài chính nhận định: Các nhiệm vụ chi NSNN được đảm bảo theo đúng dự toán và tiến độ thực hiện của các chủ đầu tư, đơn vị sử dụng ngân sách; đáp ứng nhiệm vụ đảm bảo an sinh xã hội, phục vụ sản xuất, khắc phục hậu quả thiên tai, bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán. Riêng chi đầu tư xây dựng cơ bản, do thời điểm Tết Nguyên đán chỉ có một số dự án quan trọng vẫn tổ chức thi công để đảm bảo tiến độ nên số thanh toán đạt thấp (14,2% dự toán).

Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để bù thu

Hiện nay, các thành phố và địa phương trên toàn quốc đang chỉ đạo thực hiện quyết liệt nội dung Công văn số 2133/BTC-QLCS mới đây của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn mua sắm tài sản từ nguồn NSNN năm 2014.

Theo đó, các đơn vị, cơ quan không được mua sắm xe ô tô phục vụ chức danh, xe ô tô phục vụ công tác chung (bao gồm cả xe của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, dự án đầu tư xây dựng cơ bản, chương trình mục tiêu, chương trình quốc gia). Đối với việc mua sắm xe ô tô chuyên dùng phải đảm bảo nguyên tắc phù hợp với số lượng, chủng loại xe ô tô chuyên dùng sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Tài chính hoặc Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Đối với xe phục vụ hoạt động của các chương trình, dự án sử dụng vốn nước ngoài (ODA, nguồn viện trợ), sẽ thực hiện theo Hiệp định ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với nhà tài trợ. Động thái này là một trong những giải pháp tiết kiệm chi mà Bộ Tài chính đặt ra.

Để hoàn thành mục tiêu thu cân đối NSNN cả năm 2014 là 782.700 tỷ đồng, Bộ Tài chính xác định đây là nhiệm vụ đòi hỏi nỗ lực rất lớn. 2014 là năm bắt đầu triển khai thực thi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT). Trong đó, đáng chú ý là Luật Thuế TNDN đã bổ sung nhiều quy định nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, thu hút và khuyến khích đầu tư như: Điều chỉnh giảm mức thuế suất xuống còn 22%, kể từ 1/1/2016 là 20%... Đối với Luật Thuế GTGT, việc bổ sung cơ chế ngưỡng doanh thu nộp thuế theo phương pháp khấu trừ là giải pháp quan trọng nhằm cải cách thủ tục hành chính, qua đó giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế trong việc kê khai, nộp thuế.

Bộ Tài chính khẳng định, năm 2014, các cơ quan chức năng sẽ tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, góp phần thu hút đầu tư, khuyến khích sản xuất kinh doanh; đồng thời đảm bảo chính sách rõ ràng, minh bạch, đơn giản, giảm thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người nộp thuế, cho công tác quản lý thuế...

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam, cơ quan Thuế cũng sẽ siết kiểm tra để chống thất thu theo các chuyên đề sâu như chuyên đề quản lý, sử dụng hóa đơn, hoàn thuế GTGT, kinh doanh hàng nông sản, hàng xuất khẩu qua biên giới đất liền… Cơ quan Hải quan cũng chú trọng kiểm tra những doanh nghiệp có độ rủi ro cao về thuế, những doanh nghiệp kinh doanh tạm nhập - tái xuất… Đối với hoạt động chuyển giá, công tác tham vấn, xác định trị giá, xác định mã số tính thuế, kiểm tra sau thông quan cũng được tăng cường nhằm ngăn ngừa, phát hiện các hành vi gian lận thương mại, nhất là các mặt hàng có dấu hiệu tăng kim ngạch bất thường, thuế suất cao.