Những giải pháp trọng tâm của ngành Thuế năm 2014

PV.

(Tài chính) Ngày 14/1, Tổng cục Thuế đã tổ chức Hội nghị Tổng kết công tác thuế năm 2013. Tham dự Hội nghị có Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Bùi Văn Nam cùng lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính.

Những giải pháp trọng tâm của ngành Thuế năm 2014 - Ảnh 1

Toàn cảnh Hội nghị Tổng kết công tác thuế năm 2013 và triển khai các giải pháp thực hiện nhiệm vụ công tác thuế năm 2014. Nguồn: financeplus.vn

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới có nhiều biến động, phức tạp, khó lường, nền kinh tế trong nước gặp rất nhiều khó khăn, thách thức; sản xuất kinh doanh phục hồi chậm, thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán còn trầm lắng; thiên tai, dịch bệnh diễn biến bất thường, khó dự báo. Ngoài ra, việc thực hiện các chính sách thuế mới và miễn, giảm, giãn thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) đã làm giảm thu ngân sách và tăng số tiền nợ thuế.

Tuy nhiên, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, cùng sự chỉ đạo điều hành quyết liệt, linh hoạt của Chính phủ và Bộ Tài chính, trong năm 2013, ngành Thuế đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao phó với tổng số thu ngân sách ước đạt 676.696 tỷ đồng, bằng 105% so với dự toán.

Trong năm 2014, dự báo tình hình kinh tế thế giới nói chung còn diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, kinh tế có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng, tuy nhiên vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Bên cạnh đó, theo dự kiến, việc triển khai áp dụng các chính sách thuế mới, cùng với các giải pháp của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh cũng sẽ tác động ảnh hưởng làm giảm thu ngân sách nhà nước (NSNN).

Trong bối cảnh đó, Tổng cục Thuế xác định mục tiêu trọng tâm năm 2014 là thực hiện tốt nhiệm vụ thu NSNN được giao với dự toán pháp lệnh là 624.200 tỷ đồng, trong đó dầu thô là 85.2000 tỷ đồng, thu nội địa  là 539.000 tỷ đồng; đảm bảo vượt tối thiểu 5% dự toán pháp lệnh đã được Quốc hội, Chính phủ giao cho cơ quan thuế quản lý.

Với mục tiêu tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, năm 2014, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện quyết liệt những giải pháp trọng tâm như sau:

Một là, trên cơ sở dự toán thu NSNN được Quốc hội và Chính phủ giao, các Cục Thuế giao nhiệm vụ phấn đấu thu cho các phòng, các chi cục Thuế vượt tối thiểu 5% so với sự toán pháp lệnh giao. Cơ quan thuế trong cả nước thực hiện phát động phong trào thi đua sâu rộng gắn bình xét thi đua với phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN được giao ngay từ những ngày đầu năm 2014.

Hai là, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các địa phương tiếp tục duy trì Ban Chỉ đạo chống thất thu và đôn đốc thu nộp ngân sách; đồng thời triển khai thực hiện kịp thời các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã đề ra, qua đó kịp thời tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc giúp hoạt động sản xuất kinh doanh của các tổ chức, cá nhân phát triển ổn định, vững chắc tạo nguồn thu NSNN.

Ba là, thường xuyên theo dõi diễn biến tình hình thu, nắm chắc các nguồn thu và số lượng người nộp thuế trên địa bàn. Chú trọng công tác phân tích, đánh giá và dự báo nguồn thu, đặc biệt phân tích cụ thể nguyên nhân tác động làm tăng, giảm nguồn thu theo từng địa bàn, từng lĩnh vực thu, từ đó tổng hợp báo cáo kịp thời kết quả thu và dự báo thu hàng tháng, hàng quý sát đúng với thực tế phát sinh.

Bốn là, tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách thu thuế theo hướng công bằng, đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tạo điều kiện thuận lợi cho người nộp thuế trong việc thực hiện đúng pháp luật thuế. Tổ chức triển khai thực hiện tốt có hiệu quả Luật sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Thuế Thu nhập cá nhân, Luật sửa đổi, bổ sung một điều của Luật Thuế Thu nhập DN…

Năm là, tổ chức đối thoại thường xuyên với người nộp thuế theo quy chế đã ban hành và cần nhân rộng mô hình tổ chức các “tuần lễ lắng nghe người nộp thuế”. Tuyên dương kịp thời thành tích của các tổ chức, cá nhân có ý thức chấp hành tốt nghĩa vụ thuế,đóng góp số thu lớn cho NSNN; đồng thời cũng lên án mạnh mẽ các hành vi trốn thuế, gian lận thuế, chây ỳ không thực hiện tốt nghĩa vụ thuế, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của nhân dân trong công tác chống trốn lậu thuế.

Sáu là, phối hợp có hiệu quả với các cơ quan liên quan rà soát, đối chiếu để xác định chính các số đơn vị đang hoạt động, ngừng, nghỉ kinh doanh, bỏ trốn, mất tích. Tăng cường kiểm tra ổ chức, cá nhân không đăng ký kinh doanh nhưng thực tế có kinh doanh để đưa vào diên quản lý thuế. Phát hiện và xử lý kịp thời những hiện tượng lợi dụng chính sách thuế để hoàn thuế không đúng đối tượng, sai mục đích. Tổ chức thu đầy đủ, kịp thời vào NSNN đối với các khoản thu được gia hạn đến thời hạn nộp trong năm 2014.

Bảy là, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra thuế, phấn đấu đạt mức tối thiểu 14,65% trên số doanh nghiệp đang hoạt động thuộc địa bàn quản lý thuế (kế hoạch thanh tra đạt tối thiểu 1,65%, nhiệm vụ kiểm tra tại trụ sở người nộp thuế đạt tối thiểu 13%). Trong đó, tập trung đối với các doanh nghiệp có hoạt động liên kết, doanh nghiệp lỗ có dấu hiệu chuyển giá; DN có rủi ro về thuế cao; các DN kinh doanh thương mại điện tử. Tổ chức thực hiện thu đầy đủ, kịp thời NSNN các khoản thu phát hiện qua thanh tra, kiểm tra.

Tám là, tập trung chỉ đạo công tác quản lý nợ và cưỡng chế nợ thuế đảm bảo thực hiện đúng, đủ các biện pháp quản lý nợ đối với người nộp thuế còn nợ thuế theo quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật và quy trình quản lý nợ thuế, không để phát sinh thêm nợ thuế mới. Sửa đổi, bổ sung quy trình quản lý nợ thuế, ban hành quy trình thay thế quy trình cưỡng chế nợ thuế.

Chín là, tăng cường công tác hoàn thuế, đảm bảo việc hoàn thuế đúng đối tượng, chính sách pháp luật thuế của nhà nước. Kiểm soát chặt chẽ số chi hoàn thuế Giá trị gia tăng, đảm bảo theo dự toán chi hoàn thuế Giá trị gia tăng năm 2014 đã được Quốc hội thông qua.

Mười là, thường xuyên theo dõi, tham mưu trình cấp có thẩm quyền cụ thể hóa thành các Chương trình hành động để triển khai kịp thời các Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế liên quan đến cơ quan thuế. Giải quyết kịp thời các chính sách ưu đãi về thuế, lệ phí theo cơ chế của Nhà nước đối với DN, cá nhân nhằm hỗ trợ cải thiện đời sống, phát triển sản xuất kinh doanh.

Mười một là, khai thác rộng rãi dịch vụ đối chiếu chéo bảng kê hóa đơn trong toàn hệ thống. Hoàn thành đề án cấp mã chống giả hóa đơn. Nâng cao một bước việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý hóa đơn nhằm hạn chế các hành vi gian lận hóa đơn, chống gian lận thương mại, tạo điều kiện thuận lợi cho DN và đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục hành chính.

Mời hai là, tăng cường công tác kê khai thuế qua mạng internet theo hướng mở rộng đối tượng tham gia và chú trọng chất lượng, hạn chế tối đa việc gửi các báo cáo giấy. Phấn đấu hết năm 2014, hơn 90% người nộp thuế là DN thực hiện nộp tờ khai thuế điện tử, mở rộng việc triển khai nộp thuế điện tử, phấn đấu giảm chi phí tuân thủ thủ tục hành chính thuế cho cá nhân, tổ chức và DN.

Mười ba là, nâng cao một bước về công tác quản lý thuế đối với các DN lớn, trong đó tập trung vào các mặt công tác chính như: thực hiện chức năng điều phối, hướng dẫn, hỗ trợ công tác thanh tra, kiểm tra, nhấn ạnh công tác điều phối thanh tra, kiểm tra; Xây dựng cơ sở dữ liệu về quản lý thuế đối với các DN lớn…

Mười bốn là, thường xuyên duy trì và phát huy mối quan hệ hợp tác với cơ quan thuế các nước và tổ chức quốc tế. Tăng cường trao đổi thông tin, cập nhật tin tức, kinh nghiệm quản lý thuế của các nước, nhất là những lĩnh vực, Ngành nghề kinh doanh mới, phức tạp như: chuyển giá, thương mại điện tử, thanh toán qua ngân hàng… Tiến hành đàm phán, ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với các quốc gia và vùng lãnh thổ đảm bảo theo kế hoạch đề ra.

Mười lăm là, chú trọng công tác kiểm tra nội bộ, tập trung kiểm tra vào công tác miễn, giảm thuế; giãn nộp thuế, xóa nợ thuế; gia hạn thuế và những đơn vị phát sinh nhiều đơn thư khiếu tố… Đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch trong việc đầu tư, mua sắm tài sản, vật tư và chi tiêu tài chính nói chung cũng như việc tuyển dụng, đề bạt, nâng lương, khen thưởng và kỷ luật cán bộ.

Mười sáu là, đẩy mạnh công tác luân phiên, luân chuyển, chuyển đổi vị trí công tác tại cơ quan thuế các cấp. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ lãnh đạp, bảo đảm động viên, quan tâm kịp thời đối với những cá nhân có đầy đủ uy tín, năng lực, trình độ, đạo đức và nỗ lực vì sự nghiệp của cơ quan thuế.

Mười bảy là, rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi trong phạm vi dự toán được giao theo đúng chế độ quy định; Thực hiện tiết kiệm triệt để, đặc biệt là dự toán chi xây dựng trụ sở, mua sắm phương tiện, trang thiết bị giá trị lớn. Cắt giảm tối đa kinh phí tổ chức hội nghị, hội thảo, công tác nước ngoài, cho lễ hội, lễ kỷ niệm, khởi công, khánh thành, tổng kết và các khoản chi chưa cần thiết khác.

Mười tám là, tăng cường hơn nữa công tác quản lý cán bộ, nhất là trong việc chấn chỉnh việc chấp hành kỷ cương, kỷ luật công tác. Quan tâm và động viên kịp thời về đời sống vật chất và tinh thần của cán bộ. Thực hiện khen thưởng, biểu dương kịp thời đối với những tập thể, cá nhân xuất sắc những gương điển hành tiên tiến trong ngành Thuế.