Ninh Bình tập trung thanh, kiểm tra và thu hồi nợ thuế

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

Theo báo cáo của Cục Thuế Ninh Bình, tổng thu ngân sách 4 tháng đầu năm 2016 được 1.428 tỷ đồng, đạt 30% dự toán HĐND tỉnh giao. Trong đó thu từ thuế phí, lệ phí và thu khác ngân sách được trên 945 tỷ đồng, đạt 37% dự toán.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Ngành Thuế Ninh Bình đã triển khai nhiều biện pháp trong công tác thu, đồng thời tập trung thanh, kiểm tra và thu hồi nợ thuế.

Nhiều nguồn thu vượt dự toán

Theo Cục trưởng Cục Thuế Ninh Bình, ông Đỗ Văn Hoan, tính đến hết 30/4/2016 nhiều khoản thu, sắc thuế đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ, như: Thu thuế từ các doanh nghiệp Nhà nước Trung ương đạt 36% dự toán, tăng 17% so với cùng kỳ; thu từ các doanh nghiệp Nhà nước địa phương đạt 35% dự toán, tăng 14%; thu từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đạt 55% dự toán, tăng 28%; thu thuế công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh đạt 35%, tăng 67%; đặc biệt thu thuế bảo vệ môi trường đạt 46%, tăng 320% so với cùng kỳ;... nhiều đơn vị thu có tiến độ thu thuế, phí, lệ phí đạt khá và tăng trưởng cao so với cùng kỳ.

Cục Thuế Ninh Bình cũng vừa đánh giá tiến độ thu ngân sách của toàn tỉnh trong 4 tháng qua, đồng thời chỉ đạo công tác thu ngân sách 6 tháng đầu năm 2016 phấn đấu thu đạt trên 50% dự toán hội đồng nhân dân tỉnh giao.

Để đạt được chỉ tiêu đề ra, toàn ngành Thuế Ninh Bình thực hiện nghiêm túc các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, tài chính ngân sách năm 2016. Đồng thời tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh uỷ, hội đồng nhân dân, UBND tỉnh, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế trong công tác quản lý thu ngân sách trên địa bàn.

Cụ thể hơn, Cục Thuế rà soát các nguồn thu, giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong toàn ngành; xây dựng chương trình, kế hoạch để tập trung chỉ đạo quyết liệt về các giải pháp thu ngân sách, đảm bảo nguồn thu từ thuế, phí nội địa có tốc độ tăng trưởng cao, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong tổng thu ngân sách.Thường xuyên theo dõi, phân tích, đánh giá cụ thể kết quả thu, dự báo tình hình sản xuất kinh doanh và những yếu tố tác động chỉ rõ những nguồn thu, đơn vị, địa bàn thu thấp, xác định rõ nguyên nhân, từ đó đề ra giải pháp điều hành thu đúng, đủ, kịp thời.

Đối với các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và thu khác ngân sách, các cơ quan thuế tăng cường quản lý, khai thác thu triệt để các nguồn thu phát sinh, nộp kịp thời vào NSNN; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Bộ Tài chính, UBND tỉnh về việc quản lý thuế xây dựng cơ bản, thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường trong việc phối hợp với các đơn vị như Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước thông báo kịp thời cho cơ quan thuế kế hoạch giải ngân, thu kịp thời những khoản phải nộp NSNN trước khi thanh toán cho các doanh nghiệp xây dựng cơ bản trên địa bàn.

Tập trung thu hồi nợ thuế

Theo Cục trưởng Đỗ Văn Hoan, nhằm đạt mục tiêu số nợ thuế tính đến 31/12/2016 không vượt quá 5% so với tổng thu ngân sách cả năm, lãnh đạo Cục đã giao chỉ tiêu thu nợ cho từng Phòng liên quan và từng Chi cục Thuế.

Bên cạnh đó, Cục Thuế đã xây dựng kế hoạch và tăng cường biện pháp đôn đốc thu nợ và cưỡng chế nợ thuế theo quy định. Đồng thời, triển khai đồng bộ các giải pháp như: Rà soát 100% các khoản nợ thuế, phân tích cụ thể từng khoản nợ thuế, thường xuyên đối chiếu nợ nhằm tránh nợ sai, nợ ảo… để áp dụng các biện pháp thu nợ cho phù hợp; rà soát các doanh nghiệp có nợ thuế lớn; phối hợp với UBND các quận, huyện, các cơ quan chức năng thực hiện cưỡng chế nợ đối với trường hợp cố tình chiếm dụng tiền thuế và các khoản thu liên quan đến đất; công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng thông báo những người nộp thuế cố tình dây dưa nợ thuế, nợ thuế lớn, thời gian nợ thuế kéo dài.

Bên cạnh các giải pháp chung nêu trên, Cục Thuế còn triển khai nhiều giải pháp cụ thể đối với từng khoản nợ. Trong đó, đối với nợ khó thu tiến hành rà soát, lập thông báo số tiền thuế nợ của các DN bỏ địa chỉ kinh doanh thì gửi về địa phương cư trú (công an, UBND phường, xã) của người đại diện pháp luật, thành viên góp vốn, chủ cơ sở, chủ DN tư nhân để phối hợp đôn đốc thu nợ.

Đối với nợ chờ điều chỉnh do sai sót: Rà soát các chứng từ thu nộp, phối hợp với Phòng Kê khai kế toán thuế, Kho bạc Nhà nước, Ngân hàng thương mại thực hiện việc điều chỉnh và bảo đảm hoàn thành giảm 100% nợ chờ điều chỉnh. Đối với nợ chờ xử lý thì tích cực rà soát, hoàn chỉnh đầy đủ hồ sơ, thủ tục giải quyết các hồ sơ đề nghị miễn thuế, giảm thuế, xóa nợ thuế và gia hạn nộp thuế của người nộp thuế theo đúng quy định.

Đối với nợ có khả năng thu, thực hiện ban hành 100% thông báo tiền thuế nợ và tiền chậm nộp, tăng cường rà soát 100% các khoản nợ đọng, phân loại nợ thuế, thường xuyên đối chiếu nợ nhằm xác định đúng số nợ, tăng cường thực hiện các biện pháp cưỡng chế nợ thuế đối với các khoản tiền thuế nợ trên 90 ngày theo quy định, thực hiện đôn đốc thu nợ, rà soát các khoản nợ thuế tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp và tiến hành các biện pháp đôn đốc để đưa số tiền thuế nợ này vào ngân sách.../.