Nợ công trong tầm kiểm soát

Theo Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính

(Tài chính) Bộ Tài chính vừa công khai Bản tin số 1 về nợ công của Việt Nam giai đoạn 2010-2011. Bản tin bao gồm các bảng về số liệu nợ tại từng thời điểm, số liệu nợ theo thời kỳ trên thực tế cũng như dự báo.Theo Bản tin, tổng số dư nợ công nước ta trong 2 năm 2010 và 2011 tương đương 56,3% GDP và 54,9% GDP. Nợ nước ngoài của quốc gia tương đương với 42,2% GDP năm 2010 và 41,5% GDP năm 2011. Dư nợ chính phủ so với GDP là 44,6% GDP năm 2010 và 43,2% GDP năm 2011. Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách năm 2010 là 17,6% và năm 2011 là 15,6%.

Nợ công trong tầm kiểm soát
Trang bìa Bản tin phiên bản tiếng Việt và tiếng Anh

Nợ công năm 2011 là 54,9%

Theo Bản tin, tổng số dư nợ công nước ta trong 2 năm 2010 và 2011 tương đương 56,3% GDP và 54,9% GDP. Nợ nước ngoài của quốc gia tương đương với 42,2% GDP năm 2010 và 41,5% GDP năm 2011. Dư nợ chính phủ so với GDP là 44,6% GDP năm 2010 và 43,2% GDP năm 2011. Nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với thu ngân sách năm 2010 là 17,6% và năm 2011 là 15,6%.

Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho biết, số liệu thống kê năm 2010 đã được điều chỉnh sau khi quyết toán NSNN năm 2010 được Quốc hội phê chuẩn. Số liệu năm 2011 có thể sẽ được chỉnh lý sau khi quyết toán NSNN.

Chỉ tiêu an toàn nợ công theo Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài giai đoạn 2011-2020 (bao gồm nợ Chính phủ, nợ  được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương) đã nêu rõ: Đến năm 2020 không quá 65% GDP, trong đó dư nợ Chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ (không kể cho vay lại) so với tổng thu ngân sách nhà nước hàng năm không quá 25% và nghĩa vụ trả nợ nước ngoài của quốc gia hàng năm dưới 25% giá trị xuất khẩu hàng hoá và dịch vụ.

Như vậy, với mức nợ công tương đương 54,9% GDP của năm 2011 cho thấy, mức nợ công hiện tại là phù hợp với tiêu chuẩn an toàn về nợ theo thông lệ quốc tế. Được biết, Quỹ Tiến tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng thế giới (WB) trong báo cáo đánh giá tháng 6 đầu năm 2012 cũng tính nợ công của Việt Nam chỉ ở mức là 48,3% GDP vào cuối năm 2012 và 48,2% GDP vào năm 2013.

Mặt khác, thông lệ quốc tế đối với chỉ tiêu trả nợ Chính phủ so với thu NSNN dưới 35% được coi là an toàn. Trên thực tế, nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ so với tổng thu NSNN hàng năm từ 14% đến 16%. Con số này trong năm 2011 là 15,6%, đã thấp hơn so với năm trước đó là 17,6%. 

Trong những năm tới, do nhu cầu đầu tư phát triển, trong đó có đầu tư cho cơ sở hạ tầng tiếp tục tăng lên, nợ công dự kiến sẽ còn tiếp tục tăng nhưng mức tăng này đã được dự báo và được cụ thể hoá trong Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015, theo đó dư nợ công tới năm 2015 không quá 65% GDP.

Quản lý nợ công an toàn, bền vững

Đây là một trong những mục tiêu được Bộ Tài chính đặc biệt quan tâm trong những năm gần đây. Cùng với việc đảm bảo quản lý nợ công theo quy định của Luật Quản lý nợ công, Bộ Tài chính luôn đặt trọng tâm tiếp tục hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật nhằm quản lý nợ công chặt chẽ, hiệu quả. Một trong những điểm nổi bật đó là trong năm 2012, Bộ Tài chính đã chủ trì soạn thảo và trình Chính phủ ban hành Chiến lược nợ công và nợ nước ngoài của quốc gia giai đoạn 2011-2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Trong đó nêu rõ, trong bối cảnh nhu cầu vốn cho phát triển kinh tế - xã hội lớn, khả năng huy động nguồn nội lực chưa đáp ứng đầy đủ nên việc huy động từ các nguồn vốn vay nợ trong và ngoài nước là cần thiết và có vai trò hết sức quan trọng. Đồng thời, việc huy động vốn vay và trả nợ phải nằm trong giới hạn các chỉ tiêu an toàn về nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia. Chiến lược cũng nêu chỉ tiêu cụ thể, vay trong và ngoài nước để bù đắp bội chi ngân sách nhà nước theo hướng giảm dần bội chi ngân sách nhà nước, phấn đấu đến năm 2015 (tính cả trái phiếu Chính phủ) dưới 4,5% GDP, giai đoạn 2016 - 2020 tương đương khoảng 4% GDP và giai đoạn sau năm 2020 bình quân khoảng 3% GDP.

Trong báo cáo gửi Quốc hội tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Chính phủ đã khẳng định: Giai đoạn 2011-2015, tăng huy động vốn trong nước, kéo dài thời hạn vay qua phát hành trái phiếu Chính phủ trong nước trung bình khoảng 4-6 năm, giảm dần sự phụ thuộc vào nguồn vốn vay bên ngoài. Đồng thời, huy động vốn vay tiếp tục thực hiện theo nguyên tắc vốn trong nước là quyết định, vốn nước ngoài là quan trọng. Tập trung huy động tối đa đối với nguồn vốn vay ODA, hợp lý đối với nguồn vay ưu đãi nước ngoài và thận trọng đối với các nguồn vay thương mại nước ngoài, đảm bảo an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia. Các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng có trách nhiệm và nghĩa vụ sử dụng vốn vay đúng mục đích, không được sử dụng vốn vay ngắn hạn để đầu tư cho các dự án trung và dài hạn, tự chịu mọi rủi ro và chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình huy động, sử dụng vốn vay và trả nợ đúng hạn.

7 giải pháp chủ yếu để thực hiện các mục tiêu trên đã được Chính phủ đề ra đó là: Hoàn thiện thể chế chính sách và công cụ quản lý nợ; Nâng cao hiệu quả huy động và sử dụng vốn vay của Chính phủ; Kiểm soát chặt chẽ việc cấp và quản lý bảo lãnh chính phủ; Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay về cho vay lại; Tăng cường công tác giám sát, quản lý rủi ro, bảo đảm an toàn về nợ và an ninh tài chính quốc gia; Thực hiện việc công khai, minh bạch thông tin về nợ; Hoàn thiện bộ máy tổ chức, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hoá và nâng cao hiệu quả hoạt động cơ quan quản lý nợ.