Nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2014

PV. (Tổng hợp)

(Tài chính) Căn cứ Kế hoạch kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2014 đã được Quốc hội thông qua, tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách năm 2013 và triển khai nhiệm vụ năm 2014, Bộ Tài chính xác định mục tiêu, giải pháp thực hiện nhiệm vụ tài chính – ngân sách năm 2014.

Năm 2014, ngành Tài chính tiếp tục đẩy mạnh áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Nguồn: internet
Năm 2014, ngành Tài chính tiếp tục đẩy mạnh áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Nguồn: internet

Theo đó, về thu NSNN, trên cơ sở kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và dự báo bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước, đồng thời xét đến yếu tố tác động do điều chỉnh chính sách thu, Chính phủ đã trình Quốc hội thông qua dự toán thu cân đối NSNN năm 2014 là 782.700 tỷ đồng. Tỷ lệ huy động từ thuế, phí đạt 17,2% GDP.

Trong đó: (i) Dự toán thu nội địa 539.000 tỷ đồng, bao gồm cả thực hiện động viên vào NSNN đối với cổ tức được chia năm 2014 cho phần vốn nhà nước của các công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước do Bộ, ngành, địa phương đại diện chủ sở hữu và phần lợi nhuận còn lại sau khi trích nộp các quỹ theo quy định của pháp luật của các Tập đoàn, Tổng công ty Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ; (ii) Dự toán thu dầu thô 85.200 tỷ đồng, trên cơ sở sản lượng dự kiến đạt 14,32 triệu tấn, giá bình quân khoảng 98 USD/thùng; (ii) Dự toán thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu 154.000 tỷ đồng (trên cơ sở số thu 224.000 tỷ đồng, chi hoàn thuế giá trị gia tăng 70.000 tỷ đồng); (iv) Thu viện trợ 4.500 tỷ đồng.

Căn cứ dự toán thu NSNN đã được Quốc hội thông qua, Thủ tướng Chính phủ giao, các Bộ, cơ quan Trung ương và các địa phương triển khai giao nhiệm vụ thu ngân sách cho các đơn vị trực thuộc và chính quyền cấp dưới theo đúng quy định, đảm bảo không thấp hơn so với dự toán được giao.

Trong khi đó, về chi NSNN, dự toán chi NSNN năm 2014 là 1.006.700 tỷ đồng, tăng 28.700 tỷ đồng (2,9%) so dự toán năm 2013, trong đó phải dành khoảng 54.000 tỷ đồng cho các nhiệm vụ tăng chi (chi trả nợ 15.000 tỷ đồng, chi tiền lương tăng thêm 20.000 tỷ đồng, chi quốc phòng, an ninh và một số chính sách và nhiệm vụ mới).

Như vậy, thực chất dự toán chi NSNN năm 2014 giảm 25.300 tỷ đồng so với dự toán năm 2013, rất thấp so với nhu cầu chi của năm 2014, đòi hỏi phải bố trí chi hết sức chặt chẽ, tiết kiệm. Để cân đối, Chính phủ đã trình và được Quốc hội thông qua nguyên tắc bố trí dự toán NSNN năm 2014 chặt chẽ, triệt để tiết kiệm. Bố trí chi đầu tư phát triển và chi thường xuyên còn lại (sau khi đảm bảo tiền lương, chính sách chế độ cho con người) đều thấp hơn so với dự toán năm 2013.

Trong đó: (i) Bố trí dự toán chi các chương trình mục tiêu quốc gia giảm 50% so năm 2013, ưu tiên tập trung cho Chương trình Giảm nghèo, Việc làm và Dạy nghề, Nước sạch và môi trường nông thôn..., (ii) Tiết giảm tối đa kinh phí tuyên truyền, hội nghị, hội thảo, quản lý chương trình. Ngoài ra, thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên để thực hiện mức lương cơ sở 1,15 triệu đồng/tháng; ngoài ra, tiết kiệm (giảm) 10% chi thường xuyên ngoài lương của các cơ quan, đơn vị so với dự toán năm 2013; không bố trí mua xe công (trừ xe chuyên dùng theo qui định của pháp luật); đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị triệt để tiết kiệm, không tăng biên chế, chỉ bố trí tối đa khoảng 70% so với năm 2013 đối với các khoản chi hội nghị, hội thảo, đoàn ra..., (iii) Đối với các địa phương, trong điều kiện thu 2014 thấp, số bổ sung từ ngân sách trung ương không tăng, để đảm bảo các chế độ, chính sách trên địa bàn đòi hỏi các địa phương cũng phải quán triệt nguyên tắc triệt để tiết kiệm.

Về bội chi NSNN, theo lộ trình, cần giảm dần bội chi để đạt mức 4,5%GDP vào năm 2015. Tuy nhiên, do khả năng cân đối NSNN năm 2014 rất khó khăn, trong khi vẫn phải bố trí tăng chi đảm bảo các nhiệm vụ quan trọng, thiết yếu. Vì vậy, Quốc hội đã thông qua mức bội chi NSNN năm 2014 là 5,3%GDP.

Mức phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2014 là 100.000 tỷ đồng, trong đó 60.000 tỷ đồng thuộc kế hoạch giai đoạn 2011-2015 và thêm 40.000 tỷ đồng thuộc giai đoạn 2014-2016.

Trong năm 2014, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh rà soát, quản lý chặt chẽ các khoản chi trong phạm vi dự toán được giao và theo đúng chế độ quy định; chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng. Chỉ đạo thực hiện nghiêm các kết luận thanh tra và việc xử lý sau thanh, kiểm tra, kiểm toán đối với những trường hợp vi phạm, gây lãng phí tiền, tài sản nhà nước, tài nguyên thiên nhiên. Triệt để tiết kiệm, đặc biệt là dự toán chi mua sắm phương tiện, trang thiết bị đắt tiền. Yêu cầu hệ thống Kho bạc Nhà nước tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc chi tiêu, đảm bảo đúng chính sách, chế độ quy định.

Ngoài ra, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2020; đẩy mạnh áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông và ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý. Đẩy mạnh xã hội hóa một số dịch vụ công gắn với tinh giản bộ máy tổ chức, biên chế, tái cấu trúc nền tài chính công.

Theo Bộ Tài chính, mục tiêu tổng quát năm 2014 là thực hiện chính sách thu nhằm tạo điều kiện tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư; xây dựng dự toán thu ngân sách tích cực, đúng chế độ, phản ánh sát hoạt động của nền kinh tế và tình hình tài chính của các doanh nghiệp; bố trí dự toán chi chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, cơ cấu lại các nhiệm vụ, chương trình, dự án theo hướng lồng ghép, tiết giảm; đảm bảo các nhiệm vụ chi cần thiết, quan trọng nhằm duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, phục hồi tăng trưởng, đảm bảo quốc phòng, an ninh và công tác đối ngoại trong tình hình mới.

Bộ Tài chính cũng cho rằng, để thực hiện được nhiệm vụ NSNN năm 2014 trong bối cảnh hiện nay là rất khó khăn, nặng nề. Theo đó, để thực hiện thành công nhiệm vụ chính trị được Đảng, Chính phủ, Quốc hội và Nhân dân giao phó, đòi hỏi sự tập trung chỉ đạo quyết liệt, sự nỗ lực, quyết tâm của toàn ngành Tài chính và sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, ngành, địa phương, sự đồng thuận và ủng hộ của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.