Nỗ lực tìm giải pháp chống chuyển giá

Theo ktdt.vn

(Tài chính) Vấn đề chuyển giá của nhiều doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đang là tâm điểm chú ý của dư luận thời gian gần đây.

Nỗ lực tìm giải pháp chống chuyển giá
Công ty Samsung Việt Nam là một trong những doanh nghiệp FDI tự nguyện thực hiện APA. Nguồn: ktdt.vn
Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế (APA) trong quản lý thuế được kỳ vọng là một trong những công cụ ngăn chặn đắc lực. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, để áp dụng APA ở Việt Nam vẫn còn những thách thức lớn.
 
Giải pháp chống “lỗ giả, lãi thật”
 
Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Hiệp hội tư vấn thuế châu Á - châu Đại Dương (AOTCA) tổ chức tại Hà Nội vừa qua, phần lớn đại diện các nước đều thừa nhận, chuyển giá là vấn đề khiến các nhà điều hành kinh tế trên toàn thế giới phải đau đầu. Chuyển giá là hiện tượng tất yếu, không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà trên phạm vi thế giới. Trong hoạt động kinh doanh mang tính toàn cầu, thuế rẻ tạo nên một lợi thế cạnh tranh và vì vậy các tập đoàn đa quốc gia luôn tìm cách chuyển các hồ sơ thuế về nơi có mức thuế thấp để tối đa hóa lợi nhuận.
 
Một trong những biện pháp nhằm ngăn chặn nạn chuyển giá là áp dụng phương pháp định giá (APA - cơ chế thoả thuận trước về xác định giá). Biện pháp này đang được áp dụng rộng rãi tại châu Âu và nhiều nước trong khu vực như: Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Malaysia...
 
Tại Việt Nam, theo quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý Thuế, từ 1/7/2013 cơ quan Thuế được phép áp APA. Theo cơ chế này, DN đa quốc gia phải chủ động đề xuất biện pháp tính giá hoặc mức giá mua, bán hàng hóa, dịch vụ giữa các thành viên trong tập đoàn, trước khi kê khai và nộp thuế. Cơ quan thuế sẽ phối hợp với cơ quan thuế nước ngoài đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần với Việt Nam tổ chức giám sát, kiểm soát để chống gian lận thuế.
 
Về lý thuyết, APA có thể giúp giảm bớt tình trạng khai gian giá và điệp khúc "lỗ giả lãi thật" mà dư luận đã nhắc tới ở nhiều DN. Tuy nhiên, theo bà Vũ Thị Thu Hương, Hội Tư vấn Thuế Việt Nam, chưa chắc DN có vốn nước ngoài đã tự nguyện làm APA. Bởi APA áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện, cơ quan thuế không thể ép DN phải thực hiện. Đây cũng là điều được chuyên gia tại Hội nghị AOTCA nhắc tới khi nói về những thách thức trong việc áp dụng cơ chế chống chuyển giá mới.
 
Theo ông Bùi Ngọc Tuấn - Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Deloitte Việt Nam, việc xác định giao dịch liên kết của các DN đầu tư nước ngoài rất phức tạp. Việc đàm phán để tiến tới thoả thuận APA diễn ra trong một thời gian khá dài và có thể ở nhiều nơi, đặc biệt là với APA song phương và đa phương. Vì vậy, sẽ cần một khoản thời gian dài và chi phí không nhỏ.
Cơ quan thuế đang vận dụng luật pháp về quản lý thuế có thể sắp tới sẽ công bố công khai những DN lỗ liên tiếp và có dấu hiệu chuyển giá. Tất nhiên là phải có kết luận chính thức. Không nên vì chống chuyển giá mà kỳ thị các nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng đến thu hút đầu tư.

 Thứ trưởng Bộ Tài chính
Nguyễn Thị Minh


  Nhận xét về vấn đề này, ông Marcellus Wong, đại diện Viện Thuế Hongkong (Trung Quốc) thừa nhận, đây là quy trình rất tốn kém và mỗi thỏa thuận APA ở Hongkong nhanh cũng mất tới 6 - 7 tháng để giải quyết. Nhiều đại diện của các Hội tư vấn thuế như Malaysia, Indonesia, Hàn Quốc... cũng đồng tình chia sẻ, chẳng hạn, tại Malaysia, thời gian để hoàn thiện hồ sơ APA chính thức là 12 - 24 tháng sau khi kết thúc các cuộc họp trước khi người nộp thuế nộp hồ sơ chính thức; tương tự, tại Colombia là 9 tháng; Italia 6 tháng; Mỹ 45 tháng; Singapore 24 tháng và Hàn Quốc 30 tháng..
 
Mạnh tay nhưng phải khéo léo
 
Hiện nay, Việt Nam mới thực hiện APA đối với Samsung và một số doanh nghiệp FDI khác. Tuy nhiên, việc thực hiện phương pháp này mới ở giai đoạn thí điểm, chưa có thỏa thuận ký kết nên chưa ảnh hưởng đến kết quả nộp thuế.

"Cái khó của chống chuyển giá là cơ quan thuế chỉ có thể nghi ngờ, theo dõi cụ thể sau khi DN báo cáo kết quả kinh doanh lỗ nhưng tốc độ doanh thu tăng, vẫn muốn mở rộng sản xuất kinh doanh. Đây là gốc rễ của vấn đề nên rất khó phát hiện sớm", bà Nguyễn Thị Cúc - Chủ tịch Hội Tư vấn Thuế Việt Nam đánh giá. Từ kinh nghiệm thực tiễn của Việt Nam, để lựa chọn làm sao chống chuyển giá tốt mà không ảnh hưởng đến đầu tư nước ngoài và phiền hà cho DN.
 
Đại diện Hội Tư vấn Thuế Việt Nam kiến nghị, những hướng dẫn chi tiết cho cơ chế chống chuyển giá mới cần có thêm quy định về APA "giản lược" để phù hợp với những đối tượng DN.
 
Liên quan đến các giải pháp điều tra chống chuyển giá của ngành Thuế, một số chuyên gia của AOTCA cho rằng, bên cạnh phương pháp so sánh xác định giá thị trường đối với các giao dịch liên kết, ngành Thuế có thể áp dụng phương pháp xác định tỷ suất lợi nhuận của DN bị nghi ngờ chuyển giá với các DN cùng ngành. Nếu tỷ suất lợi nhuận này vượt quá biên độ cho phép là có vấn đề. Nhưng, quan trọng nhất vẫn là cơ quan thuế phải có được các chứng từ, hóa đơn giao dịch chứng minh DN đã làm sai luật, nếu không dù có kiện ra tòa, ngành Thuế cũng khó thắng. Việc chống chuyển giá được ví như cuộc "đấu tranh" giữa cơ quan quản lý và DN, và DN sẽ được lợi nếu "giỏi" hơn.