TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội:

Phát huy nguồn thu từ nội lực

Thanh Vân

(Tài chính) 2014 là năm đầu tiên sau nhiều năm Việt Nam đã hoàn thành và hoàn thành vượt chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, với mức tăng trưởng GDP đạt 5,98%. Kết quả hoạt động tài chính, ngân sách nhà nước đã có đóng góp quan trọng vào những thành công này.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Năm 2014, trong điều kiện có rất nhiều biến động (từ những tác động không lường trước như sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng biển nước ta đến những vấn đề xảy ra ở Ukraine và các nước Đông Âu…) nhưng Chính phủ đã thành công trong thực hiện mục tiêu đặt ra. Đặc biệt là đã có những ứng xử phù hợp, kịp thời trước các vụ việc xảy ra tại Hà Tĩnh, Bình Dương, Đồng Nai… bằng sự vào cuộc trực tiếp của Bộ Tài chính nhanh chóng hỗ trợ, bồi thường cho doanh nghiệp bị thiệt hại, giúp doanh nghiệp sớm trở lại hoạt động kinh doanh.

Những đột phá trong cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan đã mang lại nhiều lợi ích trực tiếp cho DN, làm tăng thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam và nuôi dưỡng nguồn thu.

Thu ngân sách nhà nước năm 2014 đã hoàn thành vượt kế hoạch đặt ra trong điều kiện nền kinh tế còn khó khăn, nguồn thu từ xuất khẩu dầu thô dần thu hẹp. Đây là điểm nhấn hết sức quan trọng, nó cho thấy cơ cấu thu ngân sách không còn quá phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô. Trước đây, trong cơ cấu thu ngân sách, thu từ dầu thô chiếm khoảng từ 17% - 25%, nhưng theo dự toán thu năm 2014 - 2015 thu từ dầu thô chỉ đóng góp từ 10 -12%, còn 70% thu ngân sách là thu từ thuế nội địa. Điều này khẳng định sức mạnh nội tại của nền kinh tế.

Năm 2015 được dự báo còn nhiều khó khăn khi giá dầu giảm sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn thu ngân sách, tuy nhiên điều này cũng giúp giảm chi phí đầu vào của nhiều ngành sản xuất. Nhiều phương án đã được các chuyên gia tính đến, tuy nhiên, không còn quá phụ thuộc vào xuất khẩu dầu thô, chúng ta còn nhiều nguồn thu tiềm năng, đó là các ngành sản xuất trong nước. Chúng ta có thực lực nhưng chưa được đầu tư đúng và đủ để các ngành này tăng năng suất, tăng giá trị gia tăng. Đây là nguồn sẽ đóng góp ngân sách nhiều hơn. Đơn cử như công nghiệp phải nhìn vào dệt may và da giày, chế biến nông sản xuất khẩu... Năm 2014, các ngành này đã chiếm gần 30% của tổng thu ngân sách. Nếu những ngành này tăng được giá trị gia tăng thì sẽ có được khoản khá lớn để bù đắp phần hụt thu từ dầu.

Nỗ lực cải cách hành chính mà điểm sáng rõ nét nhất trong năm qua là những đột phá trong cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan của ngành Tài chính đã không chỉ mang lại nhiều lợi ích trực tiếp cho doanh nghiệp, làm tăng thứ hạng môi trường kinh doanh của Việt Nam mà còn nuôi dưỡng nguồn thu ngân sách cho quốc gia. Chính phủ, Bộ Tài chính đã cho các nhà đầu tư, các đối tác phát triển và các tổ chức quốc tế thấy rõ đất nước chúng ta là đất nước có trách nhiệm với các nhà đầu tư. Niềm tin tăng lên, hình ảnh, độ tín nhiệm và thứ hạng của Việt Nam đã được cải thiện đáng kể trong các đánh giá của tổ chức quốc tế. Việt Nam sẽ tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài…

Bài đăng trên Tạp chí Tài chính và Đầu tư số 1+2-2015