Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xử lý nghiêm hành vi bảo kê buôn lậu

Theo thoibaotaichinhvietnam.vn

(Tài chính) Đây là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại buổi làm việc với Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia (Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả) chiều (21/7), tại Hà Nội.

 Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Xử lý nghiêm hành vi bảo kê buôn lậu
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kết luận chỉ đạo hội nghị. Nguồn: internet

Chống buôn lậu chưa thấm sâu vào hoạt động của các cấp, các ngành

Báo cáo với Phó Thủ tướng và đại diện các bộ, ngành và thành viên Ban 389, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn cho hay, đến nay, ngành Hải quan đã củng cố, kiện toàn, tổ chức các đơn vị chuyên trách chống buôn lậu ở cả 3 cấp, từ Tổng cục xuống các cục, chi cục, tổ, đội  với 3.022 cán bộ chuyên trách, đảm bảo phục vụ hoạt động của Ban Chỉ đạo 389.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Cẩn, ngành Hải quan luôn coi công tác phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả là một trong những nhiệm vụ cơ bản, trọng tâm với tinh thần chỉ đạo đấu tranh tích cực, chủ động, quyết liệt và có hiệu quả, góp phần tích cực đảm bảo an ninh quốc gia, đảm bảo an toàn xã hội, chống thất thu ngân sách Nhà nước.

Chỉ tính từ giữa năm 2013 đến nay, lực lượng hải quan đã thực hiện thành công nhiều chuyên đề, vụ việc điển hình nổi bật.

Cụ thể là ngành đã đấu tranh thành công 02 chuyên án, bắt giữ 01 vụ buôn lậu xăng dầu tạm nhập tái xuất, tịch thu 1.650 tấn, 422.000 lít và 1.640 m3 dầu, trốn  khoảng 70 tỷ đồng tiền thuế (Chuyên án XD-612, Chuyên án XHK09). Tiếp đến là chuyên đề đấu tranh chống vi phạm lợi dụng chính sách hoàn thuế VAT đối với hàng xuất khẩu, kịp thời ngăn chặn hành vi chiếm đoạt hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế theo chỉ đạo của Bộ Tài chính…

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã biểu dương nỗ lực và thành tích của Tổng cục Hải quan trong thời gian qua và đánh giá cao ý kiến trách nhiệm, tâm huyết của đại diện các bộ, ngành đóng góp cho công cuộc chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Tính từ đầu năm đến nay, ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ 8.915 vụ vi phạm, trị giá hàng hóa vi phạm ước tính 168 tỷ 904 triệu đồng; khởi tố 33 vụ án hình sự.

Phó Thủ tướng cũng chỉ ra hạn chế trong  công tác công tác chống buôn lậu như: các lực lượng chức năng phối hợp chưa thực sự hiệu quả, một số đơn vị, địa phương còn cục bộ, chưa coi trọng công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Hơn nữa, chính sách thể chế kinh tế của chúng ta chưa rõ rang, chồng chéo, bị các đối tượng lợi dụng.

Công tác chống buôn lậu chưa thấm sâu vào hoạt động của các cấp, các ngành. 6 tháng qua số vụ việc lực lượng chức năng và hải quan phát hiện bắt giữ có giảm, song nhiều vụ việc bị phát hiện có tính chất nghiêm trọng, nhiều vụ việc buôn lậu có dấu hiệu tham nhũng, buôn lậu hình thành đường dây buôn bán, vận chuyển hàng quốc cấm…

Tiếp thu chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng, lực lượng chức năng cần tăng cường phối hợp hiệu quả hơn nữa, trong công tác xây dựng chính sách thể chế cho đến đấu tranh trực tiếp với nạn buôn lậu.

Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, Bộ Tài chính đã và đang chỉ đạo ngành Hải quan đã có nhiều biện pháp ngăn chặn hành vị lợi dụng tạm nhập tái xuất để buôn lậu; gian lận hoàn thuế giá trị gia tăng đối với các mặt hàng có thuế suất cao như thuốc lá, rượu.

Để ngăn chặn buôn lậu, Bộ Tài chính đã có đề xuất với các ngành chức năng có biện pháp bịt những sơ hở về chính sách như: ưu đãi thuế khu kinh tế cửa khẩu, chính sách đối với cư dân biên giới… Tăng cường công tác kiểm soát thanh toán qua ngân hàng. Đề xuất giải pháp kiểm tra chất lượng hàng hóa, kiểm dịch hàng hóa, kiểm tra chuyên ngành ngay tại cửa khẩu…

Đề cao trách nhiệm người đứng đầu

Kết luận buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, với sự ra đời của Ban Chỉ đạo 389, chúng ta phải tạo được chuyển biến mạnh mẽ trong công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả. Cần nâng cao nhận thức và trách nhiệm người đứng đầu làm công tác chống buôn lậu của các ngành, các địa phương.  Kiên quyết xử lý nghiêm hành vi bảo kê buôn lậu…

Ngành Tài chính, Hải quan tích cực tham gia hoàn thiện thể chế chính sách, bịt những sơ hở dễ bị các đối tượng buôn lậu lợi dụng…Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, gây thất thu ngân sách.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo ngành Hải quan cần xác định vai trò, trách nhiệm tham mưu chống buôn lậu là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, góp phần ổn định an ninh kinh tế. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, kiên quyết xử lý các cán bộ có hành vi bảo kê hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, coi nhiệm vụ phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại là nhiệm vụ ưu tiên và thường xuyên quan tâm chỉ đạo thực hiện.

Bên cạnh đó, đẩy nhanh và hoàn thiện cơ chế kiểm tra rủi ro, phân luồng hàng hoá của các doanh nghiệp, tăng cường công tác tuần tra kiểm soát nhằm khắc phục hạn chế tồn tại, ngăn chặn hiệu quả các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu lực lượng hải quan quan tâm đến công tác lập kế hoạch đầu tranh, nắm chắc địa bàn, tuyến, đối tượng trọng điểm, mặt hàng có thuế suất cao; dự báo được diễn biến tình hình buôn lậu từng địa bàn, thời điểm trong năm. 

Đồng thời ngành Hải quan cần quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt là cán bộ làm công tác chống buôn lậu. Biểu dương kịp thời những cán bộ, cá nhân có thành tích chống buôn lậu, phát giác buôn lậu…

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc cho biết, sẽ phổ biến, quán triệt sâu rộng trong toàn ngành và triển khai thực hiện một cách nghiêm túc chỉ đạo của Phó Thủ tướng với tinh thần: "đấu tranh tích cực, chủ động, quyết liệt và có hiệu quả".

Quán triệt toàn lực lượng về vị trí, vai trò, nhiệm vụ phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả sau khi Luật Hải quan được Quốc hội phê chuẩn. Thực hiện triệt để những nhiệm vụ, quyền hạn được pháp luật cho phép nhằm phát huy hơn nữa vai trò chủ công trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới tại địa bàn hoạt động hải quan…