Phục vụ doanh nghiệp: mục tiêu quan trọng trong phát triển ứng dụng CNTT Hải quan

Thu Hà (Tổng cục Hải quan)

Trong Kế hoạch phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ngành Hải quan giai đoạn 2012-2015 đã được Bộ trưởng Bộ Tài chính phê duyệt, thì một trong những mục tiêu quan trọng nhất là phục vụ lợi ích người dân và doanh nghiệp. Tổng cục Hải quan dự kiến dịch vụ công trên mạng internet sẽ được cung cấp ở mức cao - mức độ 4 từ quý III/2014.

Ứng dụng CNTT để phục vụ doanh nghiệp
Ứng dụng CNTT để phục vụ doanh nghiệp

Quan điểm của lãnh đạo ngành Hải quan trong kế hoạch triển khai và phát triển ứng dụng CNTT là phải coi ứng dụng CNTT như một trong những nhiệm vụ được ưu tiên hàng đầu hướng tới hải quan điện tử, để đến năm 2015 hệ thống thông tin đạt ngang tầm các nước phát triển trong khối Asean.

Dựa trên quan điểm đó, ngành Hải quan đã đặt ra 7 mục tiêu cụ thể cần đạt được cho tới năm 2015.

Một trong những mục tiêu quan trọng là phục vụ người dân, doanh nghiệp thực hiện khai báo hải quan. Theo Kế hoạch này, đến quý III năm 2014, dịch vụ công trên internet do Tổng cục Hải quan cung cấp phải đạt được mức độ 4.  Ở cấp độ cao này, người dân không chỉ được gửi thông tin khai hải quan đến cơ quan hải quan bằng phương thức điện tử mà còn nhận được kết quả xử lý cũng bằng phương thức điện tử qua internet, đồng thời thực hiện nộp thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác qua mạng. Như vậy, tất cả các bước thực hiện thủ tục hải quan đều có thể được thực hiện hoàn toàn qua internet mà không phải trực tiếp tới cơ quan hải quan.

Bên cạnh đó, để hỗ trợ tốt nhất cho người khai hải quan, ngành cũng phát triển Website Hải quan trở thành Cổng thông tin điện tử cung cấp thông tin và dịch vụ hành chính công trên mức độ 3. Nghĩa là, người đọc có thể tìm thấy 100% thông tin về quy trình thủ tục (hướng dẫn quy trình, các bước tiến hành, thời gian thực hiện…) theo từng loại hình và từng nhóm mặt hàng có cùng bộ thủ tục chính sách trên Cổng thông tin này. Người dân cũng có thể tra cứu biểu thuế kèm theo bộ thủ tục theo mã HS, được tư vấn trực tuyến về các vấn đề liên quan đến thủ tục hải quan.

Ngoài mục tiêu nói trên, Kế hoạch triển khai và ứng dụng CNTT ngành Hải quan còn đặt ra 6 mục tiêu khác cần đạt được cho tới năm 2015.

Thứ nhất là duy trì và nâng cấp các hệ thống thông tin hiện tại đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ.

Thứ hai là hình thành các chức năng cơ bản của hệ thống thông tin hải quan theo mô hình xử lý tập trung. Trong đó xây dựng đồng bộ “5E” bao gồm: e-Manifest - tiếp nhận và xử lý thông tin hàng hóa đi/hàng hóa đến/hàng hóa quá cảnh; e-Clearance - tiếp nhận và xử lý thông tin phục vụ thông quan hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu/quá cảnh; e-Permits – trao đổi và xử lý thông tin cấp phép/chứng từ cho việc ra quyết định của cơ quan hải quan trong thông quan hàng hóa xuất khẩu/nhập khẩu/quá cảnh trong khuôn khổ Cơ chế một cửa quốc gia; e-C/O – trao đổi và xử lý thông tin xuất xứ hàng hóa phục vụ hội nhập khu vực và quốc tế; e-Payment – thanh toán thuế/phí/lệ phí và các khoản thu khác dưới hình thức điện tử.

Thứ ba là hoàn thiện các hệ thống cơ sở dữ liệu cơ bản hỗ trợ cho hệ thống CNTT Hải quan bao gồm: Cơ sở dữ liệu thông tin tình báo và quản lý tuân thủ (quản lý rủi ro và kiểm tra sau thông quan); cơ sở dữ liệu quản lý rủi ro phục vụ phân luồng hàng hóa; cơ sở dữ liệu trị giá hải quan; cơ sở dữ liệu quản lý thuế; cơ sở dữ liệu quốc gia về hàng hóa XNK phục vụ thống kê hải quan; hệ thống thông tin quản lý Cơ sở dữ liệu Danh mục, Biểu thuế và Phân loại, mức thuế; cơ sở dữ liệu tham chiếu khác phục vụ công tác quản lý.

Thứ tư là xây dựng một Trung tâm xử lý dữ liệu điện tử tập trung hiện đại thuộc TCHQ theo tiêu chuẩn quốc tế Tier 3+ hoạt động liên tục, ổn định 24h/ngày và 7 ngày/tuần, có khả năng mở rộng đáp ứng yêu cầu nghiệp vụ và đảm bảo an ninh, an toàn dữ liệu. Hình thành tổ chức mạng lưới có năng lực đảm bảo làm khâu trung gian kết nối dữ liệu điện tử giữa Hải quan và các bên liên quan.

Thứ năm là cung cấp thông tin từ các cơ sở dữ liệu ngành Hải quan vào cơ sở dữ liệu tài chính quốc gia theo kế hoạch cụ thể từng giai đoạn của Bộ Tài chính.

Thứ sáu là phát triển các ứng dụng để khai thác dữ liệu sẵn có, hỗ trợ lãnh đạo trong việc ra quyết định, đảm bảo công tác chỉ đạo, điều hành và trao đổi thông tin thông suốt, kịp thời từ Tổng cục đến các Cục Hải quan tỉnh, thành phố và các Chi cục Hải quan trên phạm vi toàn quốc. Các ứng dụng này cũng cung cấp cho công chức hải quan các công cụ hiệu quả để thực thi nhiệm vụ, 100% cán bộ sử dụng thư điện tử của ngành, sử dụng thành thạo các ứng dụng phục vụ công việc; trao đổi 90% văn bản qua mạng và xử lý 80% khối lượng công việc qua môi trường điện tử.