Quản lý chặt chẽ chất lượng hàng Dự trữ Quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng

PV.

Nhân kỷ niệm 72 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2016) và 27 năm ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2016, TS. Phạm Phan Dũng, Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) đã dành cho chúng tôi cuộc trò chuyện về công tác quản lý và tình hình thực hiện nhiệm vụ dự trữ quốc gia (DTQG) trong lĩnh vực quốc phòng thời gian qua.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Cục Kế hoạch và đầu tư, Bộ Quôc phòng vì có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý hàng dự trữ quốc gia.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho Cục Kế hoạch và đầu tư, Bộ Quôc phòng vì có thành tích xuất sắc trong công tác quản lý hàng dự trữ quốc gia.

PV: Thưa Tổng cục trưởng, là người được giao nhiệm vụ quản lý Nhà nước lĩnh vực DTQG của Bộ Quốc phòng, xin đồng chí cho biết một vài nhận xét về công tác quản lý và thực hiện nhiệm vụ DTQG trong lĩnh vực quốc phòng trong thời gian qua?

Quản lý chặt chẽ chất lượng hàng Dự trữ Quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng - Ảnh 1

TS. Phạm Phan Dũng

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng: Có thể nói rằng, trong thời gian qua công tác quản lý nhà nước về DTQG nói chung và trong lĩnh vực quốc phòng nói riêng đã từng bước được tăng cường và củng cố. Cụ thể là hình thành một hệ thống cơ chế chính sách đồng bộ, tạo khung pháp lý cho công tác quản lý và định hướng phát triển của Ngành.

Điển hình như: Luật DTQG; Nghị định 07/2011/NĐ-CP ngày 25/01/2011 của Chính phủ về biện pháp kinh tế bảo bệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội, trong đó quy định DTQG đảm bảo biện pháp kinh tế để thực hiện nhiệm vụ quốc phòng; Quyết định 94/QĐ-TTg ngày 17/01/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTNN, trong đó có hệ thống kho DTQG của Bộ Quốc phòng; Chiến lược phát triển DTQG đến năm 2020. Bộ Quốc phòng cũng đã ban hành Quy chế quản lý DTQG riêng (Quyết định 129/2007/QĐ-BQP ngày 27/8/2007 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)...

Thực hiện các quy định của pháp luật về DTQG, thời gian qua, công tác quản lý DTQG trong lĩnh vực quốc phòng được đảm bảo chặt chẽ, rõ ràng; các đơn vị quản lý thuộc Bộ được phân công trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể; các đơn vị trực tiếp thực hiện bảo quản luôn được quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất về điều kiện vật chất và tinh thần để đảm bảo hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

PV: Thưa ông, việc xuất cấp các mặt hàng DTQG thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, quốc phòng ra sao?

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng: Trong giai đoạn qua, để đáp ứng yêu cầu quốc phòng hàng năm Thủ tướng Chính phủ đã có các quyết định giao cho Bộ Quốc phòng xuất các mặt hàng (xuất cấp và xuất giảm) để thực hiện nhiệm vụ. Việc xuất cấp các mặt hàng được thực hiện nghiêm túc, đúng đối tượng, đúng nhiệm vụ; góp phần đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ gìn trật tự xã hội và bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.

Trước diễn biến phức tạp của tình hình an ninh, chính trị trong khu vực và trên thế giới, nhu cầu xuất cấp các mặt hàng đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng trong thời gian tới là rất lớn, đòi hỏi phải có một lực lượng DTQG trong lĩnh vực quốc phòng đủ mạnh để sẵn sàng đối phó với các tình huống cấp bách xảy ra.

PV: Ông có thể thông tin rõ hơn về những thuận lợi, khó khăn trong việc quản lý DTQG trong lĩnh vực quốc phòng thời gian qua?

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng: Về thuận lợi, có thể khẳng định rằng, đến nay DTQG của Bộ Quốc phòng đã hình thành được hệ thống cơ chế, chính sách quản lý DTQG đồng bộ, tạo điều kiện cho việc quản lý dự trữ quốc gia trong lĩnh vực quốc phòng được đảm bảo, chặt chẽ.

Cùng với sự tăng trưởng của lực lượng DTQG, quy mô DTQG trong lĩnh vực quốc phòng đã có bước phát triển và củng cố, hàng năm bố trí ngân sách cho lĩnh vực này đều tăng, góp phần tăng thêm nguồn lực phục vụ khi có yêu cầu. Đặc biệt, Bộ Quốc phòng đã từng bước xây dựng và hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn chất lượng, quy trình, quy phạm bảo quản, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, định mức kinh tế kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo quản hàng DTQG trong lĩnh vực quốc phòng.

Ngoài ra, đã tăng cường mối quan hệ và gắn kết chặt chẽ với các địa phương, các cơ quan, đơn vị, quân, binh chủng đã quan tâm bố trí mạng lưới kho DTQG theo quy hoạch đã được duyêt theo từng tuyến phòng thủ, xác định danh mục hàng cần đưa vào DTQG, nhu cầu cần xuất cấp để sẵn sàng đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng trong tình hình mới.

Tuy bên cạnh những kết quả đã đạt được thì vẫn còn không ít khó khăn như: danh mục các mặt hàng DTQG của quốc phòng tuy đã từng bước được rà soát và bố trí mua tăng các mặt hàng mới, hiện đại song danh mục vẫn còn dàn trải; nhiều mặt hàng dự trữ đã lạc hậu, được chuyển từ nguồn thường xuyên của quốc phòng sang, có tính năng kỹ thuật không còn phù hợp với yêu cầu thời kỳ mới.

Trong khi, đa số kho DTQG của quốc phòng lại chưa có kho riêng, phải để hàng dự trữ quốc gia tại các đơn vị, quân chủng, binh chủng, việc quản lý và theo dõi sẽ khó khăn; các mặt hàng DTQG phục vụ quốc phòng đa số phải nhập khẩu nên thời gian mua hàng kéo dài, trong năm kế hoạch thường chỉ ký kết hợp đồng, việc nhập hàng phải chuyển sang năm sau thực hiện, vì vậy tiến độ giải ngân chậm; mặt khác, việc thanh toán thường bằng ngoại tệ, phụ thuộc vào tỷ giá, thường có biến động lớn gây khó khăn cho công tác thực hiện kế hoạch.

PV: Để việc quản lý DTQG trong lĩnh vực quốc phòng đạt kết quả hơn nữa trong thời gian tới, theo ông chúng ta có đề xuất, khuyến nghị gì?

Tổng cục trưởng Phạm Phan Dũng: Trong thời gian tới, đề nghị Đảng, Quốc hội và Chính phủ, cần quan tâm, đầu tư tăng nguồn lực DTQG nói chung và trong lĩnh vực quốc phòng nói riêng để mua một số trang thiết bị hiện đại, tính năng kỹ thuật cao đưa vào dự trữ quốc gia.

Các mặt hàng DTQG của quốc phòng đều là hàng chuyên dùng, được mua sắm chủ yếu là nhập khẩu, vì vậy việc tìm kiếm đối tác cũng gặp khó khăn, thời gian thực hiện hợp đồng kéo dài, chịu ảnh hưởng lớn của biến động tỷ giá. Vì vậy, đề nghị hàng năm nhà nước bố trí nguồn ngoại tệ ổn định để nhập hàng và để xử lý các khoản vượt trội ngân sách do biến động tỷ giá để có thể nhập đủ hàng.

Bên cạnh đó cũng cần quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, kỹ thuật hạ tầng như kho tàng, bến bãi trong lĩnh vực quốc phòng để thực hiện xây dựng kho và mua sắm các trang thiết bị bảo quản tiên tiến để phục vụ tốt nhiệm vụ bảo quản hàng DTQG.

PV: Xin cảm ơn ông!

Trong giai đoạn tới, mức dự trữ quốc gia ngành Quốc phòng phấn đấu đạt khoảng 20-25% tổng mức dự trữ quốc gia (hiện ở khoảng 12-15%). Trong đó, giai đoạn 2014-2020 đạt khoảng 20% tổng mức dự trữ quốc gia và đạt khoảng 25 trong giai đoạn 2020-2025.