Quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài sản công

Minh Hà

Khép lại năm 2015, kinh tế - xã hội nước ta có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản thực hiện đạt được mục tiêu tổng quát và các mục tiêu cụ thể; các đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng được đẩy mạnh và đạt được một số kết quả bước đầu. Đặc biệt trong năm 2015, chúng ta đã quản lý chặt chẽ, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài sản công phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Nâng cao hiệu quả quản lý tài sản nhà nước. Ảnh minh họa.
Nâng cao hiệu quả quản lý tài sản nhà nước. Ảnh minh họa.

Nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước (TSNN) năm 2008 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2009. Đây là văn bản pháp luật cao nhất, lần đầu tiên được ban hành ở Việt Nam về quản lý, sử dụng TSNN. Đến nay, sau 6 năm thi hành Luật Quản lý, sử dụng TSNN, công tác quản lý, sử dụng TSNN đã đạt được những kết quả quan trọng.

Cụ thể, Luật Quản lý, sử dụng TSNN đã tạo lập được khuôn khổ pháp lý tương đối đầy đủ cho công tác quản lý, sử dụng TSNN trong khu vực hành chính sự nghiệp và từng bước tạo lập khung pháp lý để quản lý các loại tài sản khác. Bên cạnh đó, luật cũng đã xác định tương đối cụ thể thẩm quyền, trách nhiệm quản lý TSNN; quyền và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Luật cũng phân định chế độ quản lý, sử dụng TSNN giữa cơ quan, đơn vị sự nghiệp, các tổ chức theo chức năng, nhiệm vụ được giao và đặc thù hoạt động.

Hình thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về TSNN cho phép cập nhật kịp thời, tương đối chính xác về số lượng, giá trị, hiện trạng của TSNN cũng như hình thành hệ thống tiêu chuẩn, định mức về sử dụng TSNN tương đối đầy đủ, đồng bộ.

Cùng với đó, hình thành cơ chế và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước, cơ chế tài chính nhằm di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường và các cơ sở phải di dời theo quy hoạch xây dựng đô thị. Việc thí điểm thực hiện một số phương thức mới trong quản lý TSNN như: mua sắm tập trung, xây dựng khu hành chính tập trung... đã tiết kiệm cho NSNN hàng nghìn tỷ đồng. Từ kết quả thí điểm, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ ban hành quyết định để thực hiện trên toàn quốc.

Quan trọng hơn, Luật cũng giúp thực hiện các cơ chế khai thác nguồn lực đối với tài sản kết cấu hạ tầng mà trước hết là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, tài sản là công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tập trung.

Nếu như trước đây, việc tổng hợp số liệu về TSNN chỉ được thực hiện thông qua tổng kiểm kê 5 năm hoặc 10 năm một lần nên số liệu thường chậm và không chính xác, thì từ khi Cơ sở dữ liệu quốc gia được xây dựng, đã cập nhật được 98% TSNN hiện có kèm theo đánh giá, phân tích và kiến nghị.

Từ đó đến nay, báo cáo này được thực hiện hàng năm với các số liệu được cập nhật đối với 4 loại tài sản: Đất đai, nhà cửa, ô tô và tài sản có giá trị trên 500 triệu đồng; giúp Quốc hội, hội đồng nhân dân, các tổ chức có chức năng giám sát hiệu quả việc quản lý, sử dụng TSNN.

Việc thực hiện thí điểm mua sắm TSNN theo phương thức tập trung giúp tiết kiệm cho NSNN hàng nghìn tỷ đồng. Từ kết quả thí điểm, Bộ Tài chính đang trình Chính phủ ban hành quyết định để thực hiện trên toàn quốc.

Ngoài ra, luật cũng giúp thực hiện các cơ chế khai thác nguồn lực đối với tài sản là kết cấu hạ tầng mà trước hết là kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, công trình cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tập trung.

Chưa bao quát hết sử dụng, quản lý tài sản công

Theo báo cáo của Cục Quản lý Công sản (Bộ Tài chính), trong quá trình thực hiện, Luật Quản lý, sử dụng TSNN bên cạnh những kết quả đạt được, còn bộc lộ những hạn chế và không còn phù hợp với điều kiện thực tế.

Đó là, cơ chế quản lý tài sản công còn phân tán, được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau, chưa có luật chung để quy định những nguyên tắc thống nhất trong quản lý. Luật hiện hành mới điều chỉnh đối với một bộ phận tài sản công tại cơ quan nhà nước, đơn vị vũ trang nhân dân, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị- xã hội,… dẫn tới chưa có những nguyên tắc chung trong quản lý.

Bên cạnh đó, quy trình đầu tư, mua sắm, xử lý tài sản công còn bị phân tán do nhiều cơ quan, đơn vị cùng làm, nặng về hành chính, bao cấp, tính chuyên nghiệp thấp. Khả năng điều tiết và vai trò của cơ quan quản lý tài sản công hạn chế nên còn tình trạng nơi thừa nơi thiếu, sử dụng sai công năng, sai mục đích.

Việc quản lý một số loại tài sản công trong một số lĩnh vực chưa được quan tâm đúng mức, chậm đổi mới, chưa đồng bộ với cơ chế quản lý tài chính, đặc biệt là tại đơn vị sự nghiệp công, tài sản kết cấu hạ tầng. Trong khi đó, các cơ quan quản lý cũng không nắm được tổng thể về TSNN dẫn đến công tác hạch toán không đầy đủ, thống nhất và chưa gắn với quản lý về giá trị với quản lý về hiện vật.

Nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là do tài sản công có phạm vi rất rộng, công tác quản lý còn bị buông lỏng trong thời gian dài, hệ thống pháp luật chưa theo kịp với yêu cầu quản lý. Ý thức trách nhiệm của nhiều cấp, ngành trong việc quản lý chưa cao; công nghệ quản lý còn lạc hậu, đặc biệt là chế tài xử lý các vi phạm còn thiếu và yếu.

Theo Cục Quản lý Công sản, qua tổng kết, đánh giá 6 năm triển khai Luật Quản lý, sử dụng TSNN là cơ sở để triển khai xây dựng Luật Quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định tại Hiến pháp năm 2013 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội./.