Ngành Tài chính:

Quản lý nguồn vốn nước ngoài trong thời kỳ hội nhập

Hạnh Phạm

(Tài chính) Thực hiện chủ trương chính sách nhất quán của Đảng về hội nhập kinh tế quốc tế, ngành Tài chính đã tích cực, chủ động trong công tác tài chính đối ngoại. Những năm qua, ngành Tài chính đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong công tác quản lý nợ và tài chính đối ngoại, góp phần thúc đẩy tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong thời gian tới.

Ảnh minh họa. Nguồn: internet
Ảnh minh họa. Nguồn: internet

Hội nhập tài chính trên nhiều phương diện

Trong thời gian qua, hoạt động tài chính đối ngoại của ngành Tài chính đã tiến hành một cách quyết liệt bằng nhiều chủ trương chính sách, cụ thể đó là việc đẩy mạnh ký kết các hiệp định song phương và đa phương. 

Ngành Tài chính đã tích cực tham gia các hoạt động hợp tác tài chính khu vực ASEAN, ASEAN+3, APEC, Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS) và G20; tích cực triển khai xây dựng phương án đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA bước vào giai đoạn cuối cùng như hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam  - EU, Việt Nam - Liên minh Hải quan, Việt Nam - Hàn Quốc; Tập trung rà soát, chuyển đổi biểu thuế và hoàn thiện lộ trường cắt giảm thuế quan cho 8 FTA đã ký kết cho giai đoạn 2015 - 2018 để thực hiện từ ngày 1/1/2015.

Những năm qua, Bộ Tài chính đã tích cực đẩy mạnh các hoạt động tài chính đối ngoại trong công tác huy động vốn, giải ngân nguồn vốn nước ngoài; Công tác viện trợ cho nước ngoài; Công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia và duy trì trao đổi thông tin với các nhà đầu tư, các nhà tài trợ…Trong  đó, công tác vận động, thu hút vốn ODA đạt nhiều kết quả tích cực. Tính đến nay, số vốn ODA đã ký kết đạt 69,1 tỷ USD bằng 81% tổng vốn cam kết và tổng vốn ODA đã giải ngân đạt 48,2 tỷ USD, đạt 705 số vốn đã cam kết. Bên cạnh việc huy động nguồn vốn hỗ trợ phát triển, Bộ Tài chính cũng thực hiện công tác huy động vốn trên thị trường vốn quốc tế và thực hiện bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay vốn nước ngoài để thực hiện các dự án trọng điểm của Nhà nước.

Đồng thời, hoạt động đối ngoại, hội nhập tài chính quốc tế đã góp phần thu hút đầu tư trực tiếp, gián tiếp từ nước ngoài; thu hút có hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức và các nguồn vốn trung, dài hạn phục vụ cho dầu tư phát triển đất nước. Năm 2014, Bộ Tài chính đã thực hiện phát hành thành công 1 tỷ USD trái phiếu Chính phủ ra thị trường quốc tế. Công tác huy động vốn nước ngoài và bảo lãnh của Chính phủ trong thời gian qua đã góp phần tích cực trong việc đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế và bổ sung nguồn lực cho NSNN, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đẩy mạnh công tác viện trợ cho nước ngoài để thắt chặt mối quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và hai nước Lào và Campuchia. Tổng kinh phí viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào giai đoạn 2011-2015 là 3.100 tỷ đồng, với Campuchia là 776 tỷ đồng.

Định hướng công tác tài chính đối ngoại trong thời gian tới

Trong thời gian tới, công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của ngành Tài chính đặt ra nhiều thách thức như: Vấn đề tác động của FTA đến quản lý thu chi NSNN, tỷ lệ cổ phần mà nước ngoài được phép mua tại các công ty đại chúng, chống chuyển giá... Thách thức đối với an ninh tài chính quốc gia trong bối cảnh nguồn thu NSNN từ hoạt động xuất nhập khẩu có xu hướng giảm dưới tác động của việc thực thi các cam kết cắt giảm thuế quan trong khuôn khổ các Hiệp định FTA với các đối tác lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, nội khối ASEAN… Chất lượng dịch vụ tài chính mặc dù đã được cải thiện nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu đa dạng và ngày càng phát triển của thị trường.

Trước yêu cầu và thách thức đó của ngành Tài chính, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung định hướng: Để làm tốt công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế trong giai đoạn tới, ngành Tài chính cần rà soát đánh giá tổng kết công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế thời gian qua; rút ra các mặt ưu, nhược và xác định rõ các thách thức đặt ra đối với ngành để cùng nhau xây dựng định hướng hội nhập kèm theo chương trình hành động cụ thể để đảm bảo hội nhập chủ động, tích cực và hiệu quả.

Đặc biệt là, công tác đối ngoại cần có một cơ chế phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ để có định hướng đối ngoại phù hợp, bám sát tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 31/NQ-CP của Chính phủ, phù hợp với những cam kết mà Việt Nam tham gia nhằm phát huy tối đa các thành quả của hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế trong quá trình phát triển kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành Tài chính; tăng cường phối hợp nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế giữa các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Tài chính; chủ động thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến về hội nhập quốc tế, tăng cường đối thoại doanh nghiệp, đảm bảo các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thực sự đi vào cuộc sống, mang lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp và người dân.

Đối với nguồn vốn ODA, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục trao đổi, tiếp cận với các nhà tài trợ để khai thách hiệu quả nguồn vốn ODA dành cho Việt Nam vì đây là nguồn vốn có chi phí thấp và thời hạn vay dài; Nghiên cứu và tiếp cận với các hình thức huy động vốn khác trên thị trường để thay thế nguồn vốn ODA suy giảm. Hiện nay, Bộ Tài chính đang chuẩn bị trình Chính phủ Đề án phát hành trái phiếu quốc tế đến năm 2020. Đề án bao gồm các nghiên cứu về kinh nghiệm tiếp cận thị trường vốn quốc tế của các quốc gia thuộc thị trường mới nổi.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh công tác trao đổi, tiếp xúc với các nhà đầu tư quốc tế, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm nhằm tăng cường uy tín của Chính phủ Việt Nam để tạo điều kiện cho công tác huy động vốn trên thị trường quốc tế.