Quản lý nợ chủ động trong một môi trường thay đổi

Minh Hà

Đó là chia sẻ của ông Thomas Magunusson, Chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thê giới tại Hội thảo đánh giá Luật Quản lý nợ công sau 5 năm triển khai thực hiện, do Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức tại Hà Nội, ngày 21/9/2015.

Mục đích của Hội thảo này là đánh giá kết quả sau 5 năm triển khai thực hiện Luật Quản lý nợ công, từ đó nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý nợ công cho phù hợp với bối cảnh tình hình mới, đặc biệt phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế. Qua đó giúp cho việc quản lý nợ công của Việt Nam hiệu quả hơn trong thời gian tới.

Bảo đảm quản lý nợ công phù hợp với thông lệ quốc tế

Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cho biết, việc đánh giá Luật Quản lý nợ công sau 5 năm triển khai thực hiện là rất quan trọng đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào kinh tế khu vực và thế giới.

“Luật này cần phải luật hóa một số quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về quản lý nợ công; vận dụng phù hợp với thực tiễn Việt Nam; bảo đảm công tác quản lý nợ công từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế”, Thứ trưởng Trương Chí Trung nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với Thứ trưởng Trương Chí Trung, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, sau 5 năm triển khai thực hiện Luật Quản lý nợ công ở Việt Nam cần phải tham khảo, vận dụng tốt kinh nghiệm quốc tế từng bước phù hợp với thông lệ quốc tế; tăng cường chính sách tài khóa bảo đảm quản lý nợ công hiệu quả.

“Ngân hàng Thế giới sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho Bộ Tài chính Việt Nam nâng cao hiệu quả quản lý nợ công nhằm bảo đảm an toàn nợ và an ninh tài chính quốc gia”, bà Kwakwa nói.

Về vấn đề này, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại cho rằng, cần kịp thời bổ sung, hoàn thiện hệ thống quy định của pháp luật về quản lý nợ công phù hợp với thông lệ quốc tế, đảm bảo tính minh bạch và công khai về nợ công.

Nhìn nhận ở khía cạnh khác, ông Thomas Magunusson, Chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới chia sẻ, chúng ta cần phải xác định phạm vi của Luật Quản lý nợ công tập trung vào khu vực Nhà nước “toàn bộ” Chính phủ, theo nghĩa rộng hơn, bao gồm cả doanh nghiệp Nhà nước và ngân hàng quốc doanh cần được giám sát trong quá trình quản lý rủi ro tài khóa. “Từ đó, xác định chỉ tiêu nợ Chính phủ toàn phần phù hợp với thông lệ quốc tế”, ông Thomas Magunusson nhấn mạnh.

Tạo môi trường pháp lý đồng bộ về quản lý nợ công

Trong bài tham luận trình bày về “Một số vấn đề cơ bản của Luật Quản lý nợ công sau 5 năm triển khai thực hiện” tại Hội thảo, ông Trương Hùng Long, Cục trưởng Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại đã nêu bật những kết quả tích cực sau 5 năm triển khai Luật này.

Theo ông Long, Luật Quản lý nợ công đã tạo ra môi trường pháp lý đồng bộ về quản lý nợ công; từng bước công khai, minh bạch hoạt động vay, trả nợ công; tạo môi trường pháp lý quan trọng cho việc huy động nguồn vốn phục vụ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, phân bổ, sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả. Kết quả là, giai đoạn 2010 - 2015, tổng vốn vay Chính phủ đưa vào cân đối NSNN cho đầu tư phát triển đạt trên 1.400 nghìn tỷ đồng, trung bình đạt 7% GDP, tăng 14%/năm. Đặc biệt, thực hiện trả nợ đúng nghĩa vụ nợ đến hạn hàng năm, góp phần tăng cường hệ số tín nhiệm quốc gia. Ước năm 2014 trả nợ Chính phủ là 141.520 tỷ đồng; trả nợ trực tiếp của Chính phủ/tổng thu NSNN là 13,8%.

Quan trọng là, chỉ tiêu về nợ công nằm trong giới hạn quy định. Cụ thể, nợ công cuối năm 2014 ở mức 2.347 nghìn tỷ đồng, bằng 59,6% GDP năm 2014 và dự kiến cuối năm 2015 khoảng 62,3% GDP. Mức nợ công này vẫn nằm trong giới hạn được Quốc hội cho phép không quá 65% GDP.

Ngoài ra, Luật Quản lý nợ công thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu trong nước. Theo đó, quy mô của thị trường trái phiếu tăng từ mức 2,8% GDP năm 2001 lên mức 19% GDP năm 2011 và 21,2% GDP năm 2014. Riêng thị trường trái phiếu Chính phủ và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh chiếm khoảng 19% GDP năm 2014.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, ông Long cũng chỉ ra một số vấn đề đang và sẽ đặt ra: phạm vi nợ công chưa hài hòa với thông lệ quốc tế; chồng chéo giữa các khoản nợ; về phạm vi nợ công; mục tiêu, trần nợ công; nghiệp vụ quản lý nợ chủ động; quan hệ giữa quản lý nợ công và chính sách tài khóa…

Do đó, để giải quyết các vấn đề này, ông Long cho rằng, cần hoàn thiện chính sách quản lý nợ công nhằm tăng cường huy động vốn cho cân đối NSNN và đàu tư phát triển kinh tế - xã hội; Làm rõ hơn quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan lập pháp, hành pháp và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, DN và đơn vị sử dụng nợ công; Giảm thiểu tối đa các nội dung cần hướng dẫn để thực hiện sau khi ban hành luật mới.

Hướng tới quy trình quản trị tốt việc vay nợ

Theo ông Thomas Magunusson, Chuyên gia tư vấn của Ngân hàng Thế giới, khi Việt Nam đang hướng tới môi trường theo cơ chế thị trường thì việc phải vay nợ nhiều hơn theo các điều khoản thương mại mở ra nhiều phương án vay nợ và nhiều công cụ tài chính. Trong môi trường như thế, điều kiện chính là phải có chiến lược được lập trên cơ sở các phương án đánh đổi chi phí/rủi ro hợp lý nhằm định hướng cho các quyết định vay nợ và các giao dịch thị trường khác.

Hay thiếu chiến lược chính thức có thể dễ dàng dẫn tới những lựa chọn không tốt và làm tăng rủi ro. Vì vậy, Việt Nam cần hướng tới quy trình q uản trị tốt nhằm định hướng cho việc vay nợ của Chính phủ. Theo đó, cần có tầm nhìn dài hạn, xác định các mục tiêu quản lý nợ rõ ràng; có tính chiến lược trung hạn; có tính chiến thuật ngắn hạn; có phương thức triển khai quản lý nợ chủ động thực hiện các giao dịch thị trường khác trong phạm vi các tham số đó.

Cũng tại Hội thảo, ông Nguyễn Trọng Nghĩa, chuyên gia tư vấn Ngân hàng Thế giới đã trình bày báo cáo kết quả rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Luật Quản lý nợ công.

Ông Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, sau khi rà soát, Luật Quản lý nợ công đối với các thỏa thuận vay cụ thể nhân danh Chính phủ nếu được coi là điều ước quốc tế thì thẩm quyền quyết định ký kết là Thủ tướng Chính phủ. Điều này là không phù hợp với quy định tại Điều 96 Hiến pháp 2013. Vì vậy, cần nghiên cứu sửa đổi tại Luật Quản lý nợ công cho phù hợp với quy định tại Hiến pháp.

Ngoài ra, mở rộng phạm vi rà soát đến các văn bản là Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Thông tư của các bộ, ngành. Tiếp tục rà soát một số Luật trong phạm vi rà soát liên quan đến quản lý nợ công đang thuộc chương trình được Quốc hội thông qua.

*Cũng trong khuôn khổ hội thảo, phiên buổi chiều 21/9, các đại biểu đại diện cho các bộ, ngành đã trình bày các báo cáo tham luận như: Tham luận về thẩm quyền của các cơ quan nhà nước đối với công tác quản lý nợ công; công tác huy động các nguồn vốn trong nước cho cân đối ngân sách nhà nước, đầu tư, cho vay tạm ứng và xử lý thanh khoản; mối quan hệ giữa Luật Ngân sách nhà nước mới với quản lý nợ công…/.